Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Khám, chữa bệnh

18/03/2020 15:24

Trên cơ sở thực hiện quy trình, thủ tục lồng ghép vấn đề về giới, ngành Y tế mong muốn dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, phù hợp với đặc thù mỗi giới. Đồng thời, bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ trong việc khám bệnh, chữa bệnh và quản lý nhà nước về khám bệnh chữa bệnh.

Quyền bình đẳng trong sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế

Về nội dung lồng ghép bình đẳng giới trong dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại diện Cơ quan soạn thảo - Bộ Y tế cho biết, quan điểm bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013. Cụ thể, tại Điều 16: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Tại Điều 26 quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới".

Ngoài ra, Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã quy định nguyên tắc cơ bản là phải bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có xây dựng và thực thi pháp luật.

Theo Bộ Y tế, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách đối với người tham gia khám bệnh chữa bệnh và người hành nghề khám bênh, chữa bệnh đã được thể hiện. Cụ thể, đối với chính sách bình đẳng giới trong việc tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, về quyền của người bệnh, dự Luật đã chú trọng đến quyền bình đẳng trong việc sử dụng, thụ hưởng dịch vụ chăm sóc y tế đối với cả nam và nữ, cụ thể như sau: "Điều 9. Quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh: Không bị kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bị ép buộc khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp bắt buộc chữa bệnh quy định tại khoản 1 Điều 83 Luật này; được tôn trọng về tuổi tác, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng; không bị phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội".

Điều này được khẳng định lại một lần nữa ở quy định các hành vi bị cấm tại khoản 10 Điều 6 dự thảo Luật: "Vi phạm quyền của người bệnh; không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh; tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh".

Về nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh chữa bệnh, tại quy định về các nguyên tắc đã có sự ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho đối tượng trẻ em và phụ nữ có thai, ngoài các đối tượng ưu tiên cần thiết khác, cụ thể tại khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật: "Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng".

Đối với chính sách bình đẳng giới và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại các quy định về cấp chứng chỉ hành nghề, về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề trước đây chủ yếu xem xét về thủ tục hành chính mà không dựa trên việc đánh giá năng lực chuyên môn thông qua kỳ thi quốc gia, như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Do vậy, chưa thể đánh giá năng lực chuyên môn thật sự để đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu thực hiện hoạt động khám chữa bệnh của người hành nghề.

Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, phù hợp với đặc thù mỗi giới

Đại diện Bộ Y tế cho biết, tại dự thảo Luật lần này, việc cấp chứng chỉ hành nghề đã có sự thay đổi rõ rệt về điều kiện chuyên môn. Các bước cấp chứng chỉ hành nghề đối với đối tượng quy định tại điểm a, c, d và đ Khoản 1 Điều 19 Luật này, trừ đối tượng đã có chứng chỉ hành nghề do nước ngoài cấp được thừa nhận tại Việt Nam. Như vậy, xét về mặt đào tạo, nữ giới và nam giới đều có chế độ học tập, đào tạo trong lĩnh vực y tế là như nhau, không có sự phân biệt về giới tính.

Tất cả những người đã đã hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp bằng bác sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật chuyên ngành y nếu muốn hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải tham gia kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại dự thảo Luật này, nếu đạt yêu cầu tại kỳ thi đánh giá năng lực phải thực hành trong thời gian tối thiểu 12 tháng. Sau khi hoàn thành thời gian thực hành thì người có kết quả đánh giá đạt yêu cầu mới được nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, ngành y tế là một ngành đặc thù nên tỷ lệ nữ cán bộ, viên chức, lao động, chiếm trên 60% tổng số cán bộ, viên chức, lao động toàn ngành. Ngoài 8 giờ làm việc bình thường, phụ nữ làm việc ở những cơ sở điều trị còn phải trực chuyên môn ban đêm, trực ngoài giờ, trực ngày lễ, tết, bảo đảm 24/24h để kịp thời cấp cứu bệnh nhân, phòng chống dịch bệnh. 

Bộ Y tế dự báo, tác động các quy định của dự Luật đới với vấn đề bình đẳng giới. Theo đó, về tác động tích cực, các quy định này sẽ nâng cao nhận thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và toàn dân về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế; Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xã hội, trong đó có nguồn nhân lực nữ phục vụ trong lĩnh vực y tế để chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập, ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động nữ phục vụ trong lĩnh vực y tế.

Về tác động tiêu cực, công dân phục vụ trong lĩnh vực y tế có tỷ lệ trên 60 % tổng số lao động toàn ngành, tuy nhiên đặc thù ngành là công việc vất vả, có ca trực...do vậy phải bảo đảm chính sách cho những người làm trong ngành y tế, nhất là các bác sỹ, nhân viên y tế nữ để tránh ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và an toàn của bệnh nhân: Tình trạng quá tải giường bệnh, quá đông bệnh nhân sẽ dẫn tới nguy cơ không bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh và an toàn của bệnh nhân.

Thời gian khám chữa bệnh cho bệnh nhân ít, đặc biệt là bệnh  nhân  đến khám chữa bệnh tại khu vực Khoa Khám bệnh làm cho các bác sỹ không có đủ thời gian khám và tư vấn cho bệnh nhân. Việc kê thêm giường bệnh, nhận quá đông bệnh nhân trong khi diện tích mặt bằng không tăng, cơ sở vật chất  đầu tư không hợp lý và đúng thiết kế, thiếu nhân lực sẽ dẫn tới các bệnh viện không bảo đảm được các tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành theo quy định.

Đồng thời, công dân nữ phục vụ trong lĩnh vực y tế (chủ yếu là công dân nữ có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu) giảm điều kiện chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Công dân nữ có chồng, con, cha, anh phục vụ trong ngành y tế, dẫn đến trách nhiệm gánh vác gia đình nặng nề hơn, vất vả hơn, giảm phần nào cơ hội, thời gian để phát triển toàn diện.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan tới lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở thực hiện quy trình, thủ tục lồng ghép vấn đề về giới, Bộ Y tế mong muốn dự án Luật góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, phù hợp với đặc thù mỗi giới, bảo đảm bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ trong việc khám bệnh, chữa bệnh và quản lý nhà nước về khám bệnh chữa bệnh.
Top