Mại dâm dưới góc nhìn kinh tế - xã hội

28/08/2020 09:41

Năm 2012, đề tài "Dealing in Desire: Asian Ascendancy, Western Decline, and the Hidden Currencies of Global Sex Work" về "nền công nghiệp tình dục" đã được Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ chọn là luận án xuất sắc nhất năm. Người thực hiện đề tài là một nữ tiến sĩ Mỹ Kimberly Kay Hoang.

Phố đèn đỏ ở Amsterdam, Hà Lan

Với mục đích nghiên cứu về các lĩnh vực giới tính, nhập cư, toàn cầu hóa và công nghiệp tình dục ở một khu vực Kimberly quyết định trở thành một cô gái quán bar trong 23 tháng, kéo dài 5 năm từ 2006 đến 2010 để có thể đưa ra những thông tin, nhận định chính xác, chân thực nhất. Không chỉ nghiên cứu về công nghiệp tình dục, luận án của nữ tiến sỹ Kimberly Kay Hoàng còn gợi mở ít nhiều về những biện pháp quản lý xã hội, chính sách pháp luật.

Dưới góc độ kinh tế xã hội, ngoài nghiên cứu của Kimberly đã có rất nhiều những nghiên cứu khác về vấn đề này. Có thể thấy, hoạt động mại dâm luôn gắn liền với biến chuyển của nền kinh tế, quy luật cung cầu của thị trường và cả sự đánh đổi của người trực tiếp tham gia.

Kinh tế học mại dâm

Theo Lena Edlund và Evelyn Korn, hai nữ giáo sư tiên phong trong nghiên cứu về mại dâm vào năm 2002: "Mại dâm là một ngành công nghiệp nhiều tỉ USD và là công việc thường xuyên của hàng triệu phụ nữ khắp nơi trên thế giới. Một khảo cứu gần đây của Văn phòng Lao động quốc tế cho thấy ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan có tới 0,25-1,5% phụ nữ tham gia hoạt động mại dâm và nghề này đóng góp từ 2-14% tổng thu nhập nội địa (GDP)".

Edlund và Korn còn chứng minh được rằng xã hội sẽ luôn có một số phụ nữ làm nghề mại dâm. Lý do là càng ít người làm nghề này thì do luật cung cầu, thu nhập từ mại dâm sẽ càng cao và chắc chắn sẽ hấp dẫn với một số người. Edlund và Korn cũng chứng minh được rằng khi mặt bằng thu nhập của những phụ nữ không làm nghề mại dâm tăng lên thì số người làm nghề mại dâm sẽ giảm, mặc dù không bao giờ biến mất hoàn toàn. Lý do là vì nếu được trả tiền thấp hơn mức thu nhập chung, họ sẽ chọn công việc khác ít rủi ro hơn.

Về phía cầu, những gã đàn ông phóng túng, thường là đang tạm ở đâu đó, so sánh lợi ích của việc quan hệ với gái mại dâm với chi phí khi bị bắt.Về phía cung, gái mại dâm sẽ đòi mức thu nhập cao hơn để bù đắp cho những rủi ro cao về mắc bệnh tình dục, bị bạo hành, và triển vọng hôn nhân tàn lụi.

Những người tham gia thị trường mại dâm phải đánh đổi khả năng lập gia đình và cuộc sống bình thường. Khách mua dâm đến với người bán dâm vì mục đích vui vẻ chứ không phải hôn nhân và con cái, và khi làm nghề này rồi thì người bán dâm hầu như không còn cơ hội được lập gia đình.

Vì vậy, mức thu nhập cao phản ánh chi phí cơ hội đối với những người bán dâm chấp nhận việc quan hệ tình dục. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã khẳng định, để đánh đổi lấy mức thu nhập cao hơn khoảng gấp bốn lần thu nhập trung bình, những phụ nữ này phải chịu đựng một rủi ro rất lớn về an toàn.

Thực tế cho thấy, mại dâm đã và đang là một ngành kinh doanh lớn trên thế giới.

Sự can thiệp "thị trường mại dâm" của Chính phủ

Chính phủ lấy cơ sở nào để có thể can thiệp vào một "hợp đồng" có vẻ thuận mua vừa bán giữa hai bên này?

Giống như tất cả các thị trường khác, thị trường mua bán dâm cần sự điều tiết, đặc biệt là để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người lao động. Và cũng như trong tất cả các thị trường, hoạt động tội phạm, bao gồm bạo lực, luôn bị coi là bất hợp pháp.

Trên thế giới, mại dâm được quản lý bằng một trong ba chế độ pháp lý cơ bản, và hoạt động này đem lại cả doanh thu và thiệt hại cho các quốc gia kèm những hệ luỵ về bất ổn xã hội.

Đầu tiên phải kể đến các quốc gia hợp pháp hoá mại dâm và những hoạt động đi kèm, điển hình là Áo, Singapore, Thuỵ Sỹ. Số liệu thống kê năm 2014, ngành công nghiệp tình dục Thụy Sỹ có khoảng 20 nghìn gái mại dâm, đóng góp ước 3,5 tỷ USD, tương đương 0,5% GDP Thụy Sỹ. Gái mại dâm tại Thụy Sỹ cũng phải đối đầu với rủi ro bị hành hạ, đánh đập và bị bắt cóc bởi bọn buôn người, và khi khó tìm khách, gái nào cũng tranh nhau ra đường. Chính phủ Thụy Sỹ đã phải tìm ra cách mới để bảo vệ cho gái mại dâm, đó là những căn nhà an toàn nằm tập trung tại một khu tập trung xa trung tâm.

Một số nơi như Úc, Đức, Hà Lan, Hungary, Anh và bang Nevada của Mỹ cho phép mại dâm nhưng các hoạt động của bên thứ ba bị coi là bất hợp pháp. Tại Hà Lan, theo số liệu năm 2014, toàn bộ Hà Lan có khoảng trên 40.000 gái bán dâm và đóng góp 2,5 tỷ euro/năm tiền thuế, tương đương 0,4% GDP. Tuy nhiên, Hà Lan đứng đầu bảng trong báo cáo về tình trạng buôn bán người. Số phụ nữ bị bán đến Hà Lan làm gái mại dâm dao động từ khoảng 1.000-7.000 mỗi năm.

Một số quốc gia coi mại dâm và mọi hoạt động liên quan là bất hợp pháp, như tại Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Chính phủ chủ yếu trừng phạt nhằm vào người bán dâm và người môi giới. Nhắc đến Thái Lan, nhiều người sẽ bất ngờ khi biết rằng Thái Lan không hề hợp pháp hoá hoạt động bán dâm, thế nhưng ngành công nghiệp này lại cực kì phát triển. Tuy nhiên, hiếp dâm tại nước này cao hàng đầu châu Á, từ 7-8 vụ/100.000 dân, cao gấp 2 lần Philippines, 3 lần Singapore và 5 lần Việt Nam.

Cả ba mô hình quản lý trên đều cho thấy, ở dưới góc độ nào thì mại dâm cũng mang đến những hệ lụy bất ổn xã hội. Vậy đâu là giải pháp ổn thoả?

Sự thành công của mô hình Bắc Âu chống mại dâm

Ngày 1/1/1999, Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chống mại dâm theo một phương cách mới. Thay vì phạt người bán dâm, chính phủ Thụy Điển sẽ trừng phạt những người mua dâm với mức hình phạt nặng. Chính phủ Thụy Điển tin rằng mại dâm là một hình thức bạo lực chống lại phụ nữ. Ngoài ra chính phủ sẽ cung cấp những khoản phúc lợi xã hội để gái bán dâm có thể thoát khỏi con đường này, cũng như tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ tác hại và tẩy chay mại dâm. Cách tiếp cận pháp lý này đã trở thành thứ được gọi là "Mô hình Thụy Điển", hay gần đây là "Mô hình Bắc Âu".

Sau 10 năm tiến hành, mô hình thu được kết quả ấn tượng. Báo cáo cho thấy, số nam giới từng đi mua dâm Thụy Điển đã giảm từ 12,7% năm 1996 xuống còn 7,6% vào năm 2008. Nạn buôn người cũng gần như không tồn tại được ở Thụy Điển. Năm 2007, theo cảnh sát Thụy Điển, chỉ có từ 400 đến 600 phụ nữ nước ngoài được đưa đến Thụy Điển mỗi năm làm gái mại dâm, trong khi Phần Lan, dân số chỉ bằng một nửa Thụy Điển, con số đó lên tới 10.000-15.000 phụ nữ, hoặc ở Đức con số này là 40.000.

Nhờ hiệu quả thu được, mô hình này đã được một số nước như Pháp, Na Uy, Iceland, Canada học tập. Tại Na Uy, công dân bị bắt gặp mua dâm tại nhà hay ở nước ngoài đều phải đối mặt với một khoản tiền phạt lớn hoặc ngồi tù 6 tháng. Nếu mua dâm trẻ em sẽ có thể phải ngồi tù đến 3 năm. Chỉ 1 năm sau, khảo sát ở Bergen, Na Uy cho thấy số lượng gái mại dâm đường phố đã giảm 20%, gái bán dâm trong nhà giảm 16%, số lượng quảng cáo của gái bán dâm giảm đi 60%.

Nên hay không nên hợp pháp hoá mại dâm

Dựa trên góc nhìn kinh tế học cũng như sự hiệu quả của mô hình Bắc Âu, chúng ta có thể tin rằng việc hợp pháp hoá mại dâm không hề mang lại nhiều lợi ích như người ta vẫn tưởng. Việc thu được lợi ích kinh tế không đủ bù đắp được chi phí quản lý cũng như bất ổn xã hội mag nó mang lại.

Tiến sĩ Janice G. Raymond, thuộc Liên minh phòng chống buôn bán phụ nữ quốc tế (CATW), thông qua số liệu thực tế thu thập tại các nước đã hợp pháp hóa mại dâm (Đức, Hà Lan, Úc), cũng như qua phỏng vấn trực tiếp đã kết luận: "Hợp pháp hóa mại dâm chỉ làm trầm trọng thêm những vấn nạn của nó. Đó chỉ là sự thoái thác trách nhiệm của chính phủ trước những vấn nạn mà mại dâm gây ra cho con người và xã hội".

Top