Một số vướng mắc trong công tác lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

08/07/2019 14:45

Thông qua công tác kiểm sát trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng và giải quyết khiếu nại áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, vẫn còn một số vướng mắc cần giải quyết.

* Những vướng mắc và kiến nghị sửa đổi các quy định đến đưa người vào cơ sở cai nghiện

* Những vướng mắc trong thực hiện các quy định về cai nghiện bắt buộc

Thứ nhất là về xác định tình trạng nghiện để áp dụng thời hạn cai nghiện bắt buộc

Tại Khoản 2 Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định "Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 12 tháng đến 24 tháng”.

Tuy nhiên, trong quá trình từ khi lập biên bản vi phạm hành chính đến khi mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng thì trong hồ sơ chỉ có 02 kết quả xác định về tình trạng nghiện ma túy của đối tượng bị áp dụng là kết quả Test nhanh ma túy (qua nước tiểu) và Phiếu trả lời kết quả của Trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Trong các kết quả này chỉ xác định đối tượng có nghiện hay không nghiện ma túy loại gì, còn tình trạng nghiện trong thời gian bao lâu chủ yếu là do lời khai của đối tượng; do đó việc áp dụng thời hạn cai nghiện bắt buộc của Tòa án thường dựa vào tình trạng nhân thân nên dẫn đến một số trường hợp áp dụng thời hạn bắt buộc cai nghiện chưa hợp lý.

Có những đối tượng mới nghiện nhưng tình trạng nhân thân xấu (có tiền án, tiền sự), thì áp dụng thời gian cai nghiện dài, ngược lại có những người nghiện nặng nhưng lại chưa có tiền án, tiền sự, thì áp dụng thời gian cai nghiện ngắn… hiện tại Pháp lệnh 09 đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể về thời hạn áp dụng cho từng trường hợp, nên mỗi nơi Tòa án nhận thức và áp dụng khác nhau, đây là lý do dẫn đến việc cấp phúc thẩm sửa quyết định của cấp sơ thẩm trong thời gian qua khá nhiều. Do đó, vấn đề áp dụng thời hạn bắt buộc cai nghiện cần có hướng dẫn thống nhất.

Thứ hai là về trình tự, thủ tục lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Hiện nay, việc lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc rườm rà, nhiều thủ tục và phải thông qua nhiều cơ quan như: Công an, UBND cấp xã, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân cấp huyện nên mất nhiều thời gian. Làm đúng các trình tự trên để đưa được đối tượng nghiện đi cai nghiện phải mất thời gian ít nhất là 1 tháng.

Trong thời gian chờ đợi hoàn tất các thủ tục của các cơ quan nêu trên, các đối tượng nghiện nếu có nơi cư trú ổn định tại địa phương sẽ được đưa về gia đình quản lý, nếu không có nơi cư trú ổn định phải đưa đến tổ chức xã hội để quản lý, việc tại gia đình và các tổ chức xã hội không có điều kiện vật chất cũng như chuyên môn để quản lý các đối tượng nghiện dẫn tới tình trạng người này vẫn tiếp tục sử dụng ma túy.

Vì vậy, cần có biện pháp hiệu quả hơn trong việc quản lý người nghiện ma túy.

Thứ ba là về bố trí lực lượng bảo vệ phiên họp

Tại phiên họp xét đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Thẩm phán, Kiểm sát viên và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan phải tiếp xúc rất gần với các đối tượng bị nghiện ma túy, nhiều đối tượng đang trong tình trạng loạn thần; có nhiều tiền án, tiền sự; bị nhiễm HIV... tuy nhiên việc bố trí lực lượng bảo vệ phiên họp như hiện nay vẫn chưa đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho những người tiến hành tố tụng, nhất là Kiểm sát viên được bố trí ngồi gần người nghiện.

Top