Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phòng, chống ma túy trong tình hình mới

28/01/2020 16:38

Hiện nay đa phần cán bộ phòng chống ma tuý (PCMT) chưa được đào tạo, bài bản về công tác PCMT đặc biệt là đối với lực lượng kiêm nhiệm và lực lượng quần chúng được huy động tham gia. Trước những đòi hỏi của cuộc đấu tranh PCMT trong tình hình mới đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho công tác đào tạo, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác này.

Ảnh minh hoạ

Nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng quyết định thành công của mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đặc trưng của lực lượng PCMT ở Việt Nam là phối hợp liên ngành, được tổ chức, bố trí ở nhiều bộ ngành, lĩnh vực công tác khác nhau từ trung ương đến địa phương, trong đó bao gồm cả lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm, các tổ chức chính trị xã hội và lực lượng quần chúng nhân dân.

Vì vậy, trình độ chuyên môn về công tác PCMT không đồng đều. Hiện nay, chỉ có lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy của ngành Công an, đa phần cán bộ PCMT chưa được đào tạo, bài bản về công tác PCMT đặc biệt là đối với lực lượng kiêm nhiệm và lực lượng quần chúng được huy động tham gia.

Các đơn vị nghiên cứu và giảng dạy về công tác PCMT hiện chỉ có Khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy tại Học viện CSND, Khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy tại một số trường Công an, Khoa PCMT và tội phạm của Học viện Biên Phòng. Các đơn vị này chủ yếu tập trung nghiên cứu đào tạo về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy. Tại các bộ, ngành khác không có đơn vị nghiên cứu và giảng dạy về công tác PCMT. Hiện nay một số lĩnh vực trong công tác PCMT còn rất ít nghiên cứu và việc đào tạo cán bộ còn rất hạn chế như lĩnh vực tham mưu, QLNN về PCMT, lĩnh vực tuyên truyền PCMT, lĩnh vực kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy…

Trong lĩnh vực điều trị và cai nghiện ma túy, với sự hỗ trợ của Cơ quan quản lý điều trị các chất gây nghiện và sức khỏe tâm thần (SAMHSA) thuộc Bộ Y tế Mỹ, Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất đã từng bước được thiết lập và đi vào hoạt động tại Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Lao động - Xã hội, góp phần đào tạo và cung cấp những kiến thức mới nhất của quốc tế trong lĩnh vực điều trị nghiện chất cho các cán bộ y tế và cán bộ xã hội làm công tác này.

Ngoài ra, trên cơ sở hợp tác giữa Việt Nam với các nước và cộng đồng quốc tế, các cơ quan chức năng Việt Nam còn cử nhiều lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ PCMT tại nước ngoài, qua đó học tập, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm trong công tác này. Tuy nhiên, so với thực tế, công tác đào tạo lực lượng PCMT chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới. Trong đó nêu rõ: "Đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Củng cố lực lượng chuyên trách đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống ma túy".

Trên cơ sở chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trước những đòi hỏi của cuộc đấu tranh PCMT trong tình hình mới đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho công tác đào tạo, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác này. Tất cả lực lượng tham gia công tác PCMT cần được đào tạo một cách toàn diện về chủ trương, chính sách pháp luật về PCMT, những vấn đề cơ bản trong PCMT cũng như kiến thức và kỹ năng hiệu quả trong công tác này. Trong đó, lực lượng chuyên trách, cán bộ tham mưu, QLNN về PCMT cần có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực công tác, am hiểu tường tận về chủ trương, chính sách, pháp luật về PCMT, có kiến thức đầy đủ về hợp tác quốc tế trong PCMT.

Đối với cán bộ kiêm nhiệm, cán bộ cơ sở, cán bộ tham gia công tác tuyên truyền PCMT cần được đào tạo những vấn đề cơ bản trong PCMT, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác này cũng nhưng các kiến thức và kỹ năng tuyên truyền PCMT.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực PCMT trong tình hình mới, trong đào tạo về giảm cầu ma túy, cần phát huy hơn nữa vai trò của 3 Trung tâm chuyển giao công nghệ về điều trị nghiện đã được thành lập tại Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Lao động - Xã hội để đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ xã hội, cán bộ y tế về công tác điều trị nghiện và quản lý về cai nghiện ma túy.

Sử dụng có hiệu quả các cán bộ, giảng viên đã được đào tạo để làm giảng viên nguồn và cán bộ nòng cốt trong lĩnh vực giảm cầu ma túy. Đưa nội dung giảm cầu vào giảng dạy tại Khoa Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy, Học viện CSND để cung cấp cho học viên các kiến thức cập nhật về tuyên truyền, phòng ngừa và cai nghiện ma túy. Triển khai chương trình đào tạo chuẩn toàn cầu cho các giảng viên nguồn về cai nghiện ma túy (UTC - Universal Treatment Curriculum) và chuẩn toàn cầu về phòng ngừa ma túy (UPC - Universal Prevention Curriculum) do Cơ quan PCMT và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) và Colombo Plan xây dựng và triển khai đào tạo cho các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo bồi dưỡng cán bộ PCMT tại Học viện CSND, Bộ Công an, trên cơ sở Khoa Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy. Trung tâm nghiên cứu, đào tạo bồi dưỡng cán bộ PCMT tại Học viện CSND sẽ là nơi nghiên cứu giảng dạy những nội dung cơ bản trong công tác PCMT, công tác tuyên truyền PCMT, công tác phòng ngừa lạm dụng và nghiện ma túy, công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, công tác xây dựng, triển khai và quản lý các chương trình, kế hoạch PCMT. Đây cũng sẽ là nơi bồi dưỡng nâng cao cho đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm về PCMT các cấp và đào tạo cán bộ PCMT cho các nước bạn Lào, Campuchia và một số nước khác.

Hoàn thiện đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học về công tác PCMT

Bên cạnh đó, từng bước xây dựng, hoàn thiện đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học về công tác PCMT đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn hiện nay. Đối với các đơn vị đào tạo chuyên ngành PCMT tại Bộ Công an, Bộ quốc phòng, Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế cần tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ, giáo viên giảng dạy chuyên ngành bằng cách tạo điều kiện tham gia học tập nâng cao trình độ, được ưu tiên tham gia các chương trình tập huấn công tác PCMT ở nước ngoài. Có cơ chế chính sách thu hút cán bộ thực tiễn nhiều kinh nghiệm PCMT giam gia nghiên cứu, giảng dạy về công tác PCMT.

Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin vào công tác PCMT thông qua việc định hướng các công trình nghiên cứu khoa học và các luận văn thạc sỹ, tiến sỹ trong lĩnh vực PCMT theo hướng giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn về PCMT, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách về PCMT.

Nghiên cứu khai thác, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác giảng dạy. Nhanh chóng tiếp cận các nghiên cứu mới dựa trên bằng chứng và các khuyến cáo của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế của LHQ (INCB) và các nước tiên tiến về các cách tiếp cận hiệu quả trong giải quyết vấn đề ma túy. Ví dụ: các nghiên cứu về cơ chế của ma túy tác động lên não bộ, can thiệp dựa trên sự kết hợp giữa y tế và tư pháp, khoa học về phòng ngừa, kiểm soát các loại chất hướng thần, tiền chất mới...

Nghiên cứu số hóa và xây dựng dữ liệu dùng chung về số liệu người nghiện, tội phạm ma túy và các số liệu thống kê về PCMT theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chế độ báo cáo thống kê về PCMT.

Ngoài ra, gắn kết giữa giảng dạy và thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy; tuyên truyền phòng ngừa ma túy và xây dựng thể chế, chính sách về PCMT; phối hợp xây dựng giáo trình, sổ tay hướng dẫn về PCMT cho các Bộ, ngành, địa phương. Tăng cường hợp tác quốc tế để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lực về PCMT (UNODC, DEA, SAMHSA và các đối tác song phương khác).

TS. Nguyễn Cửu Đức

Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ

Top