Nâng cao hiệu quả các mô hình phòng, chống ma tuý trong thanh thiếu niên

10/02/2019 11:56

Trước tình hình thanh, thiếu niên bị lôi kéo, mua chuộc tham gia vào tệ nạn ma túy đang có chiều hướng gia tăng, thời gian qua, Đoàn Thanh niên đã có nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về tác hại của ma túy; quan tâm giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng… Qua đó góp phần làm giảm nguy cơ phát sinh, đẩy lùi tội phạm và tình trạng nghiện ma túy trong đoàn viên, thanh thiếu niên.

Phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên

Nhiều mô hình hiệu quả

Từ tháng 4/2015, Huyện Đoàn Giao Thủy (Nam Định) đã chỉ đạo Đoàn xã Giao Thịnh thành lập CLB Thắp sáng niềm tin. Hằng tháng, CLB duy trì sinh hoạt đều đặn 1 lần. Tại đây, các thành viên được nghe Ban Chủ nhiệm hoặc các báo cáo viên tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về xây dựng nông thôn mới ở địa phương và các vấn đề về ATGT. Đồng thời, Ban Chủ nhiệm CLB còn tập trung tuyên truyền về tác hại của tệ nạn xã hội (TNXH), tệ nạn ma túy, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên và vận động thiếu niên (học sinh hư) tiếp tục đến trường…

Đến nay, CLB đã vận động được hàng chục thanh niên chậm tiến, thanh niên vi phạm pháp luật, nghiện ma túy trong xã hoàn lương, tái hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Cũng có cùng mục đích hoạt động như CLB Thắp sáng niềm tin xã Giao Thịnh, CLB Thắp sáng niềm tin ở Yên Bằng (Ý Yên), CLB “Thanh niên tự nguyện phòng chống HIV/AIDS phường Trần Quang Khải” (TP.Nam Định) đã trở thành “điểm tựa” giúp cho nhiều đoàn viên, thanh niên vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn, đặc biệt là nghiện ma túy cai nghiện thành công, trở thành người có ích.

Tại Quảng Ninh, phát huy vai trò xung kích đi đầu trong mặt trận phòng, chống ma túy, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các chi đoàn xây dựng, triển khai nhiều mô hình, phần việc thanh niên gắn với công tác chuyên môn của từng đơn vị trong đấu tranh phòng chống ma tuý và tệ nạn xã hội, đảm bảo ANTT trên địa bàn. Tiêu biểu là 2 mô hình “Tổ tuyên truyền phòng chống ma túy” và “Tổ đấu tranh với tội phạm ma túy trên mạng xã hội” thành lập năm 2016 của Chi đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.

“Tổ đấu tranh với tội phạm về ma túy trên mạng xã hội” gồm 12 thành viên thông thạo về tin học. Tổ hoạt động vào ngoài giờ hành chính, thứ bảy, chủ nhật, định kỳ sinh hoạt 1 buổi/tuần. Tại buổi sinh hoạt, các thành viên đánh giá, trao đổi thông tin nghiệp vụ, đề ra các biện pháp, phương án điều tra, xác minh, tiếp cận, phát hiện, bắt giữ đối tượng trên cơ sở các thông tin khai thác được qua các trang mạng xã hội.

Qua một thời gian hoạt động, Tổ đã nắm bắt được nhiều thông tin có giá trị về hoạt động mua bán ma túy, các địa điểm, tụ điểm mà thanh niên thường xuyên sử dụng ma túy, tiếp nhận thông tin, tin báo tố giác tội phạm ma túy qua mạng facebook, zalo… Từ đó, đề xuất nhiều phương án đấu tranh, xử lý có hiệu quả tội phạm ma túy trên địa bàn. Nổi bật: Phát hiện một số đối tượng chuyên bán hoa, quả thuốc phiện tại khu vực TP.Cẩm Phả; bắt giữ 1 đối tượng rao bán thuốc phiện trên facebook trong nhóm “Chợ đêm Cẩm Phả”; cung cấp nhiều thông tin cần thiết, như ảnh, số điện thoại, mối quan hệ của đối tượng…, phục vụ công tác đấu tranh chuyên án của đơn vị.

Theo Thượng úy Nguyễn Văn Hoàn, Tổ trưởng Tổ tuyên truyền phòng chống ma tuý thuộc Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Quảng Ninh, nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, Tổ đã xây dựng nội dung tuyên truyền bằng phần mềm trình chiếu PowerPoint, kết hợp xem hình ảnh, video, phát tờ rơi, sử dụng giáo cụ trực quan là dụng cụ mà các đối tượng sử dụng ma túy thường dùng, như bình đập đá, bình shisa…Sau đó tổ chức các buổi đi tuyên truyền cho từng đối tượng cụ thể. Từ năm 2016 đến nay, Tổ đã tổ chức trên 50 buổi tuyên truyền cho hơn 40.000 lượt người trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao, như học sinh, sinh viên các trường học, công nhân các khu công nghiệp, thanh niên tại các khu dân cư… Các buổi tuyên truyền đều đạt kết quả tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa, được các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, ban, ngành đánh giá cao.

Nhân rộng các mô hình, hỗ trợ thanh thiếu niên sau cai tái hoà nhập

Theo Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, trong năm 2018, các cấp bộ đoàn tổ chức đánh giá, tuyên dương và nhân rộng các mô hình, CLB hoạt động hiệu quả trong công tác phòng, chống ma tuý. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp được các tổ chức Đoàn áp dụng và nhân rộng mang lại kết quả quan trọng như: Tỉnh Yên Bái: CLB Thắp sáng niềm tin, CLB Tuổi trẻ pháp luật, CLB Văn hoá thanh niên; tỉnh Bình Thuận: Đội kịch tương tác; tỉnh Đồng Tháp: CLB Nhịp sống trẻ, CLB Giáo dục sức khoẻ sinh sản vị thành niên; tỉnh Sóc Trăng: Mô hình không ma tuý, xóm ngõ bình yên; tỉnh Bắc Ninh: CLB “Gia đình trẻ”, CLB “Chủ nhà trọ thân thiện”; TPHCM: Thành lập hơn 600 đội phản ứng nhanh…

Các cấp bộ đoàn tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức có hiệu quả chương trình giao lưu “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” giúp đỡ thanh niên sau cai tái hoà nhập cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình như: “Hòm thư tố giác”, vận động đoàn viên, thanh niên tham gia tố giác tội phạm ma tuý và tệ nạn ma tuý, cung cấp các thông tin có giá trị cho lực lượng Công an và các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý. Mô hình “Phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên”, lực lượng công an phối hợp với Đoàn Thanh niên các cấp tại địa bàn dân cư thường xuyên phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; phối hợp truy quét tội phạm. Mô hình “Phiên toà giả định” đang được triển khai, nhân rộng tại các huyện, thị, thành đoàn…

Trong hỗ trợ thanh thiếu niên sau cai tái hoà nhập cộng đồng, các cấp bộ Đoàn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ cho thanh niên tại các trại giam, trung tâm cai nghiện, nhân rộng mô hình “Hành trình vì niềm tin”, “Thắp sáng niềm tin” nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên. Đoàn thanh niên xã, phường, thị trấn phối hợp với công an và các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành rà soát các đối tượng sau cai trở về địa phương, lập danh sách đăng ký phân công các bộ tham gia phối hợp theo dõi, chia sẻ, giúp đỡ thanh niên sau cai tái hoà nhập cộng đồng.

Các cấp bộ Đoàn nghiên cứu, phối hợp với các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm chữa bệnh do các Sở LĐTB&XH và Thanh niên xung phong các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình hỗ trợ việc làm cho người nghiện sau cai; tập trung thông tin, tuyên truyền, giới thiệu, định hướng cho các đối tượng thanh niên sau cai tiếp cận các mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương; kết hợp tuyên truyền cho cộng đồng xã hội chia sẻ, đồng cảm, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện và người nghiện sau cai.

Phối hợp tổ chức 30 Hội nghị tuyên dương các điển hình thanh niên tái hoà nhập cộng đồng, quản giáo trẻ giỏi, thanh niên có thành tích xuất sắc tham gia công tác phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm tại địa phương, đơn vị. Nhiều đơn vị tổ chức các chương trình kết nối đưa các đối tượng thanh niên hư, chậm tiến; học sinh, sinh viên đến tham quan và giao lưu với các học viên của các trung tâm giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện, trại giam thông qua chương trình “Thắp sáng ước mơ thanh niên hoàn lương”; “Hoạt động 3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt); Giao lưu tiếng hát tình đời”, “Dạy nghề, ôn tập văn hoá, tặng quà” với mục đích giúp cho thanh thiếu niên thấy được tác hại của ma tuý, mại dâm và các tệ nạn xã hội, từ đó, nâng cao ý thức phòng chống, bài trừ. Việc giao lưu với thanh niên cũng giúp cho các học viên tại các trung tâm có thêm động lực, ước mơ, tích cực rèn luyện để sớm hoàn lương, tiến bộ, tái hoà nhập cộng đồng.

Đặc biệt trong năm 2018, Trung ương Đoàn đã phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực công tác quản lý mô hình thanh niên yếu thế, thanh niên sau cai phát triển kinh tế với sự tham gia của 30 học viên trên địa bàn các tỉnh: Sơn La, Lạng Sơn, Thanh Hoá. Tại khoá tập huấn các học viên đã được cấp chuyên gia đến từ Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Nông Lâm Bắc Giang cung cấp những thông tin kiến thức về bài học thành công của những mô hình thanh niên yếu thế vượt khó phát triển kinh tế; kỹ thuật và chăm sóc một số loại cây: Bưởi, chanh leo, xoài, nhãn.

Ngoài ra, Trung ương Đoàn đã tổ chức đoàn công tác tiến hành khảo sát nắm bắt thông tin, đánh giá nhu cầu và khả năng của thanh niên yếu thế trên địa bàn và thống nhất xây dựng đề án hỗ trợ mô hình ở các tỉnh: Lạng Sơn, Sơn La, Thanh Hoá.

Tuy nhiên, theo Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, số lượng và chất lượng hoạt động của các mô hình tại cộng đồng chưa đáp ứng tình hình thực tế, mới dừng ở việc xây dựng mô hình điểm, việc chỉ đạo, nhân rộng còn hạn chế. Công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng của thanh thiếu niên chậm tiến, thanh niên sau cai còn chậm dẫn đến số thanh niên chậm tiến cảm hoá thành công có tỷ lệ tái phạm cao gây khó khăn trong công tác giúp đỡ tái hoà nhập cộng đồng…

Trong thời gian tới, Trung ương Đoàn tổ chức các hoạt động đồng hành, hỗ trợ, chăm lo cho đối tượng thanh niên có nguy cơ cao, thanh niên hoàn lương, thanh niên sau cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng thông qua các hoạt động trao học bổng học nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ thanh niên làm kinh tế tại địa phương; vận động tham gia các hoạt động phong trào chung, đặc biệt là các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; tổ chức các Ngày hội “Đồng hành cùng thanh niên tái hoà nhập cộng đồng”; tiếp tục thực hiện tốt chương trình “Hành trình của niềm tin”…

Đồng thời lựa chọn 10 tỉnh, thành đoàn để xây dựng và nhân rộng mô hình điểm tuyên truyền giáo dục về phòng, chống ma tuý trong thanh thiếu niên, gồm: Sơn La, Điện Biên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Cần Thơ, TPHCM.

Top