Phòng, chống tệ nạn xã hội: Tăng cường các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả

09/02/2019 08:33

Sau hơn ba thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhiều thành tựu quan trọng với mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Tuy nhiên, nhiều vấn đề xã hội phức tạp đang nảy sinh, trong đó, tình hình tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có giải pháp đổi mới đồng bộ nhằm từng bước hạn chế, ngăn chặn, loại bỏ khỏi đời sống xã hội.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Tệ nạn xã hội (TNXH) là hiện tượng xã hội tiêu cực, trái với chuẩn mực, đạo đức, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc và quy định của pháp luật; là vấn nạn gây nhức nhối trong cộng đồng, làm suy thoái đạo đức, nhân cách của con người, gây nhiều hệ lụy đến đời sống của cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự, an toàn xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Nhiều biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội. Tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp”.

Tình hình tệ nạn ma túy đang có chiều hướng gia tăng, phức tạp với nhiều hoạt động tinh vi, khó kiểm soát. Nếu như trước đây, đại đa số người sử dụng các chất dạng thuốc phiện (Opiats) thì hiện nay, phần lớn chuyển sang dùng ma túy tổng hợp (ATS). Theo báo cáo, thống kê của Bộ Công an, tính đến 15/5/2018, cả nước có 224.690 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 2.108 người so với năm 2017 (222.582 người).

Tỷ lệ người sử dụng ATS chiếm từ 60-70%, đặc biệt, tại các tỉnh khu vực miền Trung và Nam Bộ, tỷ lệ này lên tới 70-85%. Điều đáng lo ngại là số người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng tăng cao, gây nên rối loạn tâm thần (“ngáo đá”) dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc, lo lắng trong quần chúng nhân dân và ảnh hưởng tới an ninh, trật tự xã hội. Gần đây nhất là vụ một thanh niên “ngáo đá” chém hàng chục gương chiếu hậu ô tô ở thành phố Hồ Chí Minh (10/2017); vụ việc ca sỹ Châu Việt Cường sử dụng ma túy dẫn đến hành động giết người (3/2018); vụ 7 người hít “bóng cười” tử vong tại lễ hội âm nhạc Tây Hồ (9/2018)...

Đối với tệ nạn mại dâm, tuy đã đạt được những kết quả nhất định trong giai đoạn trước song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, bất cập. Hoạt động mại dâm vẫn diễn biến phức tạp; thiếu các chính sách và các chương trình can thiệp tích cực, phù hợp, đặc biệt là vấn đề giảm hại, phòng, chống bạo lực và hỗ trợ thay đổi công việc đối với người bán dâm. Chính vì vậy, ngày 7/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 361/QĐ-TTg với mục tiêu lấy phòng ngừa làm trọng tâm. Chú trọng các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với đời sống xã hội; bảo vệ quyền con người, tăng khả năng tiếp cận của người bán dâm, nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm; từng bước xã hội hóa, huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng trong công tác phòng ngừa mại dâm. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương tiếp tục thí điểm các mô hình can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cho người bán dâm, hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng theo Quyết định số 361/QĐ-TTg.

Theo báo cáo của các địa phương, tính từ năm 2014 đến 2018, có 5.993 lượt người bán dâm được hỗ trợ từ các mô hình thí điểm. Riêng năm 2018, có 1.194/3.709 người bán dâm được hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng. Trong đó: 231 lượt người được hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; tư vấn trợ giúp pháp lý cho 937 lượt người; 13 người được hỗ trợ học nghề và 13 người được vay vốn, tạo việc làm.

Tuy nhiên, hiện tình hình tệ nạn mại dâm và các nhóm tội phạm liên quan ngày càng hoạt động dưới nhiều hình thức tinh vi. Lợi dụng sự phát triển của công nghệ và quá trình mở cửa hội nhập kinh tế, các hình thức mại dâm sử dụng công nghệ cao được nhóm đối tượng phạm tội lựa chọn sử dụng như thông qua mạng internet, điện thoại thông minh, hệ thống máy tính, các kênh liên lạc trực tuyến… Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của người nước ngoài và đưa người ra nước ngoài hoạt động mại dâm. Nhiều đường dây mua bán dâm cao cấp (diễn viên, người mẫu…) được hình thành và tổ chức chặt chẽ, khó phát hiện, dẫn đến hàng loạt hệ lụy cho xã hội, khiến cho tình hình ngày càng phức tạp hơn.

Về lĩnh vực phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo thống kê, từ năm 2012-2017, cả nước có 3.090 người là nạn nhân và nghi bị mua bán; số trở về là 2.571 người. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em (chiếm hơn 90%), tập trung tại các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa (80%). Các nạn nhân bị mua bán chủ yếu đưa ra nước ngoài (chiếm trên 98%), trong đó sang Trung Quốc trên 90%. Đa số nạn nhân bị cưỡng ép kết hôn, làm vợ, đẻ thuê, bóc lột tình dục, sức lao động… Một số nạn nhân là nam giới bị lừa bán nội tạng. Đặc biệt, nhiều trẻ em là học sinh tại các nhà trường, cơ sở giáo dục - nơi được xem là an toàn nhất cũng bị các đối tượng mua bán người nhắm đến, dẫn đến tình trạng mua bán trẻ em trở thành vấn đề đáng báo động.

Theo quy định, nhiều chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về thực hiện rất kịp thời và nhân văn tại các cơ sở bảo trợ xã hội và cộng đồng: 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, hỗ trợ pháp lý; trên 50 % nạn nhân được trợ cấp khó khăn, học văn hóa – học nghề, vay vốn lãi suất thấp để phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nơi chưa thực sự quan tâm, nhiều chính sách thực hiện chưa đồng bộ; mức hỗ trợ tiền ăn, khám bệnh trong thời gian tạm trú ở cơ sở bảo trợ xã hội còn thấp; thủ tục hỗ trợ khó khăn ban đầu, vay vốn còn rườm rà; cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở tiếp nhận nạn nhân còn thiếu thốn, hạn chế… Ngoài ra, nhu cầu về việc làm, có thu nhập là một nhu cầu chính đáng của người lao động nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ. Một số người có tâm lý không muốn làm nhưng muốn hưởng thụ cuộc sống sung sướng đã trở thành nạn nhân của mua bán người hoặc bất chấp pháp luật trở thành tội phạm trong đường dây mua bán người.

Có thể nói, công tác phòng, chống TNXH hiện vẫn nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế, do: Quan điểm, nhận thức về phòng, chống TNXH của một số lãnh đạo địa phương, đơn vị chưa nhất quán, thiếu kiên quyết, triệt để. Một số nơi, chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng còn có biểu hiện tắc trách, làm ngơ; Công tác thông tin, tuyên truyền chưa đạt hiệu quả; Một số chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới - nhất là các chính sách giảm hại thực hiện tại cộng đồng chưa phát huy hiệu quả; Các nguồn lực đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống TNXH còn hạn chế; Đội ngũ cán bộ còn thiếu kỹ năng, trình độ, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ bài bản, nhất là cán bộ cấp cơ sở.

Tăng cường các giải pháp đồng bộ, tập trung đổi mới có hiệu quả
 
Phòng, chống TNXH là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và lâu dài của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở. Đảng, Nhà nước xác định, phát triển kinh tế phải gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội.

Dự báo thời gian tới, tính chất, mức độ của các TNXH ngày càng phức tạp, nguy hiểm hơn. Hậu quả của nó không những xâm phạm nghiêm trọng đến tình hình an ninh-trật tự, kỷ cương xã hội, lợi ích của Nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của mỗi cá nhân, hạnh phúc của từng gia đình; các nhóm tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh; độ tuổi người vi phạm ngày một trẻ hóa; địa bàn hoạt động của các TNXH không chỉ tập trung ở các thành phố lớn, các tuyến trọng điểm mà lan rộng, chuyển hướng tới các vùng nông thôn, địa bàn khó khăn… Vì vậy, từ nay tới năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, các cấp, các ngành và địa phương tập trung thực hiện những nội dung trọng tâm.

Về nhiệm vụ chung, trước hết cần nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền theo nhiệm vụ, nội dung tại Quyết định 2140/QĐ-TTg ngày 30/12/2017 nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống TNXH. Chú trọng các biện pháp phòng ngừa xã hội ngay từ trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư.

Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, đổi mới công tác quản lý, điều hành của chính quyền, đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống TNXH.

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống TNXH và các đạo luật có liên quan. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan Thường trực của Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) với các cơ quan tư pháp như Viện kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân trong việc phòng ngừa, đấu tranh, xét xử các vụ việc liên quan tới TNXH.

 Tiếp tục bồi dưỡng năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, tư vấn viên, tình nguyện viên ở cơ sở; từng bước tập trung đổi mới phương pháp, cách thức phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống TNXH.

Thực hiện có hiệu quả Quyết định 565/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển dịch vụ hỗ trợ xã hội, giai đoạn 2016-2020. Xây dựng, hoàn thiện khung kinh tế - kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ xã hội để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhận bị mua bán tại cộng đồng. Đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống TNXH. Huy động các nguồn lực xã hội hóa, kể cả trong nước và ngoài nước.

Chủ động, tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ, học tập kinh nghiệm, mô hình tiên tiến, nhân văn trong phòng, chống TNXH.

Về các giải pháp cụ thể, đối với công tác điều trị, cai nghiện phục hồi: Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2596/QĐ-TTg, Quyết định số 424/QĐ-TTg, Chỉ thị số 25/CT-TTg theo hướng tăng cường công tác cai nghiện tự nguyện; tổ chức hội thảo giữa các Bộ, ngành và địa phương nhằm thống nhất quan điểm về cai nghiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các hoạt động can thiệp, hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của người cai nghiện.

Đẩy nhanh tiến độ rà soát sửa đổi, bổ sung những bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính (phần liên quan đến lĩnh vực điều trị, cai nghiện ma túy) phù hợp với quan điểm điều trị, cai nghiện mới, tiến bộ.

Xây dựng hoàn thiện các chế độ, chính sách hỗ trợ người cai nghiện. Đảm bảo kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Cơ sở cai nghiện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy, nhất là cán bộ trực tiếp ở cơ sở theo Thông tư số 04/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Về lĩnh vực phòng, chống mại dâm, tiếp tục triển khai Quyết định 361/QĐ-TTg về Chương trình phòng, chống mại dâm, giai đoạn 2016-2020; nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật về mại dâm, đảm bảo tính nhất quán và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này; tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ nảy sinh TNXH; lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm với các chương trình an sinh xã hội ở địa phương như Chương trình xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm; phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống mua bán người… Trong đó, ưu tiên cho các khu vực trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền có hiệu quả về việc giáo dục hành vi tình dục an toàn, lành mạnh; phòng chống HIV/AIDS và tội phạm mua bán người tại cộng đồng, các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ… nhằm nâng cao nhận thức, hạn chế nguy cơ bị mua bán, bị ép buộc làm mại dâm-nhất là đối với nhóm lao động di cư, tìm kiếm việc làm.

Thực hiện nhân rộng các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội tại cộng đồng cho người bán dâm nhằm từng bước phòng, chống bạo lực, giảm tác hại do mại dâm gây ra với đời sống xã hội; khuyến khích, hỗ trợ người bán dâm từng bước chuyển đổi việc làm, có thu nhập, tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Với công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, các cấp, các ngành tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 2546/QĐ-TTg, Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg. Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 1057/QĐ-LĐTBXH. Nghiên cứu, rà soát, đánh giá thực trạng chính sách, pháp luật về công tác hỗ trợ nạn nhân, từ đó đề xuất, sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.

Triển khai xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng trên phạm vi toàn quốc. Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân trong cơ sở bảo trợ xã hội tại các địa phương.

Phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về tình hình nạn nhân bị mua bán; tham mưu, đề xuất với Bộ trình Chính phủ, UBQG tổ chức ký kết hợp tác song phương/đa phương với các nước (trước hết là các quốc gia có chung đường biên giới) nhằm hạn chế những rào cản trong việc xác minh, giải cứu, hồi hương và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng và xử lý các tội phạm liên quan tới TNXH nói chung.

Top