Quan điểm về phòng chống ma tuý của các nước trên thế giới

05/02/2019 08:38

Nhìn chung, các quốc gia trên thế giới đều nhận thức được những nguy hại mà tệ nạn và tội phạm ma túy (TPMT) gây ra cho sự hòa bình, an ninh toàn cầu.

Ảnh minh hoạ

Lo ngại về quy mô và xu hướng gia tăng các hoạt động sản xuất, buôn bán, tiêu thụ các chất ma túy và chất hướng thần đe dọa nghiêm trọng sức khỏe và hạnh phúc của con người, những ảnh hưởng bất lợi đối với nền kinh tế, văn hóa, chính trị của xã hội, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã ban hành 3 công ước kiểm soát ma túy, đó là: Công ước Thống nhất về các chất ma túy năm 1961; Công ước Về các chất hướng thần năm 1971 và Công ước LHQ về chống buôn bán bất hợp pháp chất ma túy và chất hướng thần năm 1988. Năm 1997, đã thành lập Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) và hiện nay tổ chức này có đại diện ở nhiều khu vực trên thế giới.

Trước hiểm họa phức tạp của tệ nạn ma túy, năm 1998, tại Hoa Kỳ, LHQ tổ chức Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ về vấn đề ma túy toàn cầu (UNGASS). Tại phiên họp này, các nước đã thông qua Tuyên bố chính trị khẳng định nhận thức và cam kết tăng cường các hoạt động phòng, chống ma túy (PCMT) trên toàn cầu.

Kể từ đó, tuyên bố chính trị tại UNGASS 1998 cùng với 3 công ước quốc tế về kiểm soát ma túy trở thành nền tảng định hướng mục tiêu, nội dung và giải pháp cho công tác kiểm soát ma túy toàn cầu. Tuy nhiên, sau 20 năm kể từ UNGASS 1998, tình hình ma túy thế giới vẫn diễn biến phức tạp với nhiều xu hướng mới nổi. Bên cạnh đó, gần đây có một số nước, tổ chức phi chính phủ đang có khuynh hướng thay đổi chính sách kiểm soát ma túy vốn đã định hình sau UNGASS 1998.

Trước diễn biến đó, Đại hội đồng LHQ đã quyết định tổ chức Phiên họp UNGASS 2016 tại trụ sở LHQ, New York, Hoa Kỳ, từ ngày 19-21/4/2016, với mục tiêu đánh giá những thành tựu và thách thức của công tác đấu tranh với vấn đề ma túy trên toàn thế giới và định hướng lại công tác đấu tranh PCMT trên toàn cầu cho giai đoạn tiếp theo. Đoàn Việt Nam đã tham dự phiên họp này, cùng với các nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN xây dựng và hoàn thiện Tuyên bố chung ASEAN về vấn đề ma túy toàn cầu, lần đầu tiên khẳng định quan điểm nhất quán của ASEAN trong công tác PCMT.

Tại UNGASS 2016, hầu hết các nước và các cơ quan LHQ đều đánh giá tình hình hình ma túy toàn cầu đang diễn biến phức tạp, sản lượng ma túy bất hợp pháp và số người sử dụng ma túy chưa giảm; TPMT, rửa tiền đang có xu hướng ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó có việc sử dụng công nghệ cao, mạng internet để mua bán trái phép ma túy; sự xuất hiện của các loại ma túy, chất kích thần, tiền chất mới; xu hướng sử dụng phổ biến ma túy tổng hợp trong giới trẻ; số lượng các chất kích thần mới gia tăng, vượt xa số lượng nằm trong danh mục kiểm soát của LHQ; ranh giới giữa khu vực sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ dần bị xóa mờ. Ma túy gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, phát triển xã hội và an ninh trật tự.

Trong khi thống nhất đánh giá về tình hình ma túy, đã có sự khác biệt về đánh giá hiệu quả của chính sách kiểm soát ma túy toàn cầu. Phần lớn cho rằng chính sách kiểm soát ma túy hiện nay được thể hiện trong 3 công ước LHQ vẫn phát huy tác dụng, góp phần kiềm chế không để tệ nạn ma túy phức tạp hơn. Số khác, nhất là đại diện các nước Nam Mỹ, các tổ chức phi chính phủ cho rằng việc thực hiện chính sách hiện tại không thành công, không đạt được các mục tiêu đề ra và không đáp ứng được đòi hỏi với những diễn biến mới của tình hình ma túy.

Sau những thảo luận căng thẳng, UNGASS 2016 đã nhất trí thông qua văn kiện về “Cam kết chung nhằm đấu tranh và ứng phó một cách hiệu quả đối với vấn đề ma túy thế giới”. Nội dung văn kiện gồm các khuyến nghị: (1) Giảm cầu và các biện pháp liên quan bao gồm phòng ngừa lạm dụng ma túy, điều trị cai nghiện và những vấn đề liên quan đến sức khỏe; (2) Bảo đảm tiếp cận các chất được kiểm soát sử dụng trong y tế và khoa học; (3) Giảm cung và các biện pháp liên quan, đối phó với TPMT, phòng chống rửa tiền và khuyến khích hợp tác tư pháp; (4) Những vấn đề liên quan như nhân quyền, thanh niên, trẻ em, phụ nữ, cộng đồng; (6) Tăng cường hợp tác quốc tế; (7) Phát triển thay thế, hợp tác quốc tế về chính sách kiểm soát ma túy toàn diện, cân bằng. Đây là những nguyên tắc, giải pháp chung của chính sách kiểm soát ma túy toàn cầu làm cơ sở cho các quốc gia xây dựng và thực hiện chính sách kiểm soát ma túy trong nước trong thời gian tới.

Tuy các nước đã thông qua được văn kiện chung, song quá trình xây dựng văn kiện và diễn biến phiên họp cho thấy còn những vấn đề chưa có sự đồng thuận, cụ thể là:

Chính sách ma túy toàn cầu

Phần lớn các nước đều nhấn mạnh vào nội dung phải có chính sách PCMT toàn diện, cân bằng cả giảm cung và giảm cầu, vừa đấu tranh chống tội phạm vừa phòng ngừa. Tuy nhiên, cách giải thích của các nước về chính sách toàn diện còn có nhiều khác biệt. Nga, Trung Quốc và nhiều nước châu Á, châu Phi tiếp tục xem 3 công ước về kiểm soát ma túy làm nền tảng của chính sách ma túy toàn cầu với 3 trụ cột: Giảm cung, giảm cầu và hợp tác quốc tế. Mỹ cũng ủng hộ các nguyên tắc của 3 công nước, tập trung nỗ lực đấu tranh chống TPMT. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và các nước Mỹ-La tinh muốn mở rộng nội hàm chính sách ma túy toàn cầu, gắn với nội dung tư pháp hình sự, phát triển, y tế và nhân quyền; ủng hộ giảm nhẹ hình phạt, thậm chí phi hình sự hóa TPMT.

Thái Lan, Peru, Đức và một số nước muốn đẩy mạnh nội dung “phát triển thay thế” (thay thế cây có chứa chất gây nghiện, phát triển, kinh tế, xã hội...). Tuy nhiên, các biện pháp này không được các nước Mỹ-La tinh ủng hộ.

Vấn đề nhân quyền trong PCMT

Các nước EU và Mỹ-La tinh nhấn mạnh nội dung nhân quyền trong phát biểu chính thức cũng như trong quá trình thương lượng văn kiện; đề xuất gắn việc thực hiện 3 công ước về kiểm soát ma túy với các công ước quốc tế về nhân quyền; nhấn mạnh quyền của người nghiện ma túy, quyền được chăm sóc y tế, tôn trọng nhân phẩm, quyền phụ nữ, trẻ em, quyền của người “bản địa”. Nga, Trung Quốc, nhiều nước châu Á và châu Phi không ủng hộ xu hướng này, tuy nhiên cuối cùng cũng đồng ý đề cập trong văn kiện UNGASS 2016 một số nội dung về nhân quyền.

Vấn đề phi hình sự hóa ma túy và việc áp dụng “hình phạt tương xứng”

EU, Úc và các nước Mỹ-La tinh muốn đẩy mạnh xu hướng phi hình sự hóa ma túy và xây dựng nguyên tắc “áp dụng hình phạt tương xứng”. Nguyên tắc này tuy được giải thích là tính đến các yếu tố tăng nặng, giảm nhẹ tội khi xét xử, song thực tế là nhằm giảm nhẹ hình phạt đối với TPMT và áp dụng các biện pháp thay thế (với TPMT không nghiêm trọng và không sử dụng bạo lực). Nga, Trung Quốc và nhiều nước châu Á vẫn xem TPMT là một trong những tội phạm nghiêm trọng nhất, do đó không đồng ý có nguyên tắc này. Sau quá trình đàm phán căng thẳng, văn kiện cuối cùng được thỏa hiệp khi đề cập đến nội dung này nhưng không coi là “nguyên tắc” và kèm theo điều kiện phải phù hợp với luật pháp quốc gia cũng như 3 công ước.

Việc áp dụng án tử hình đối với TPMT

EU, Úc, Canada, New Zealand và các nước Mỹ-La tinh phản đối việc áp dụng án tử hình; tìm cách đưa nội dung này vào văn kiện UNGASS 2016 nhưng không thành công, do đó có bài phát biểu chung tỏ thất vọng khi văn kiện UNGASS 2016 không đưa vào nội dung bàn về án tử hình; kêu gọi bỏ áp dụng án tử hình đối với TPMT.

Trung Quốc, Singapore và các nước Hồi giáo phản đối mạnh mẽ việc đề cập đến án tử hình, khẳng định chủ quyền quốc gia trong việc áp dụng các hình phạt với tội phạm; cho rằng TPMT, nhất là mua bán trái phép chất ma túy, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên cần thiết phải áp dụng án tử hình; nhấn mạnh việc thảo luận về án tử hình trong khuôn khổ PCMT là không phù hợp.

Vấn đề hợp pháp hóa việc sử dụng một số loại ma túy

Xu hướng hợp pháp hóa việc sử dụng một số loại ma túy đang được nhiều quốc gia Mỹ-La tinh và châu Âu thúc đẩy với lý do bảo đảm quyền tiếp cận với thuốc giảm đau, quyền duy trì văn hóa truyền thống, tập tục của người dân bản địa (thực chất là do nhiều nước Mỹ-La tinh vẫn duy trì trồng các loại cây có chất ma túy; các nước châu Âu có nhiều công ty dược phẩm sản xuất thuốc có chất ma túy). Đặc biệt Chile, Peru, Bolivia, Colombia, Uruguay kêu gọi hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa. Trong khi đó, Nga, Trung Quốc và nhiều nước châu Á và cả Mỹ không ủng hộ xu hướng này; nhấn mạnh cần kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, vận chuyển các chất hướng thần theo đúng tinh thần 3 công ước quốc tế về kiểm soát ma túy.

Qua UNGASS 2016 và nội dung văn kiện chung được thông qua, có thể thấy chính sách PCMT toàn cầu vẫn tiếp tục dựa trên nền tảng của 3 công ước quốc tế về kiểm soát ma túy, áp dụng biện pháp PCMT toàn diện, cân bằng giữa giảm cung, giảm cầu, vừa đấu tranh chống tội phạm, vừa phòng ngừa. Tuy nhiên, chính sách hiện nay có chuyển biến khác so với giai đoạn trước theo hướng: mở rộng nội hàm chính sách ma túy toàn cầu, gắn với nội dung tư pháp hình sự, phát triển, y tế và nhân quyền; giảm nhẹ hình phạt liên quan đến TPMT.

Bên cạnh đó, quan điểm và chính sách kiểm soát ma túy ở các quốc gia đang có nhiều sự khác biệt lớn giữa 2 thái cực: Kiên quyết đấu tranh, áp dụng các biện pháp mạnh, không chấp nhận thỏa hiệp (như Trung Quốc, Singapore, Nga…) và tự do hóa, hợp thức hóa, phi hình sự hóa (các nước châu Âu và Nam Mỹ). Bên cạnh đó là xu hướng đưa thêm các yếu tố nhân quyền, y tế, xã hội, bỏ án tử hình nhằm hướng tới một chính sách kiểm soát ma túy “nhân văn”. Sự khác biệt về quan điểm trên một mặt phản ánh tính chất phức tạp vấn đề ma túy, mặt khác thể hiện những bất đồng trong chính sách kiểm soát ma túy toàn cầu hiện nay.

Trước những xu hướng thay đổi trong kiểm soát ma túy toàn cầu, tại UNGASS 2016, Việt Nam chia sẻ quan điểm với các nước ASEAN coi 3 công ước quốc tế về kiểm soát ma túy tiếp tục là nền tảng của chính sách kiểm soát ma túy toàn cầu; nhấn mạnh không khoan nhượng với ma túy và theo đuổi mục tiêu hướng tới một khu vực và thế giới không có ma túy; không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy; khẳng định chủ quyền quốc gia trong việc lựa chọn các giải pháp tối ưu, cân bằng giữa giảm cung và giảm cầu, kết hợp với các giải pháp kinh tế xã hội, phù hợp về mặt lịch sử, chính trị, kinh tế và đặc trưng văn hóa xã hội để giải quyết vấn đề ma túy ở trong nước, trong đó coi trọng biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của ma túy.

Trên cơ sở những nguyên tắc trên, Việt Nam sẽ tham khảo, cân nhắc lựa chọn những nội dung trong văn kiện UNGASS 2016 phù hợp với đặc điểm kinh tế chính trị, xã hội của quốc gia để triển khai thực hiện góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh PCMT trong nước và trên thế giới.

Top