Tăng tỷ lệ kết nối thành công người nhiễm HIV đến cơ sở điều trị

03/02/2019 13:19

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, việc mở rộng phòng xét nghiệm tuyến huyện sẽ giúp rút ngắn thời gian trả kết quả, tránh mất dấu người nhiễm HIV sau xét nghiệm HIV dương tính, tăng tỷ lệ kết nối thành công người nhiễm HIV đến cơ sở điều trị ARV.

Hơn 1.300 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV sàng lọc

Theo PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, việc xét nghiệm HIV rất quan trọng, chỉ có xét nghiệm HIV mới biết một người có bị nhiễm HIV hay không. Dịch vụ xét nghiệm HIV hiện nay đã được triển khai rộng rãi với hơn 1.300 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV sàng lọc ở 100% các huyện. Cả nước hiện có 138 phòng xét nghiệm HIV ở tất cả các tỉnh và một số huyện vùng sâu, vùng xa.

 Trả kết quả xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao. Ảnh: Thùy Chi

Ngoài các cơ sở y tế, các cán bộ y tế và các nhân viên tiếp cận cộng đồng (là những người không chuyên) cũng có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV. Xét nghiệm dựa vào cộng đồng cũng đang được triển khai tại nhiều tỉnh thành phố. Với kỹ thuật ngày càng đơn giản, xét nghiệm HIV hiện nay thậm chí có thể được tự thực hiện qua lấy máu đầu ngón tay để xét nghiệm hoặc tự xét nghiệm bằng dịch miệng.

Tuy nhiên, vẫn nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Theo ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV còn sống, tuy nhiên chỉ có gần 200.000 người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.

Như vậy vẫn còn nhiều người nhiễm HIV chưa biết tình trạng nhiễm HIV. Họ có thể “vô tình” là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng, họ cũng không được tiếp cận các dịch vụ điều trị ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân họ và làm giảm lây truyền HIV ra cộng đồng.

Cũng dựa trên ước tính, hiện Việt Nam mới chỉ có khoảng 80% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, trong khi chỉ còn 2 năm để đạt tới mục tiêu 90% thứ nhất, đó là khoảng cách lớn cần sự nỗ lực.

Việc điều trị ARV đã được mở rộng tới tất cả các tỉnh, thành phố trong toàn quốc với 429 cơ sở điều trị ARV ở tất cả các tỉnh/thành phố và hầu hết các huyện, có tới 652 cơ sở cấp phát thuốc ARV tại trạm y tế xã. Thuốc ARV đang được các dự án cấp miễn phí và sẽ được cấp thông qua bảo hiểm y tế.

Việc điều trị ARV đã được Bộ Y tế mở rộng cho tất cả mọi người được chẩn đoán nhiễm HIV sẽ điều trị ngay mà không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng. Tuy nhiên hiện nay mới chỉ có 131.600 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, đạt được khoảng 70% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV. Như vậy vẫn có khoảng 60.000 người được chẩn đoán nhiễm HIV chưa tham gia điều trị ARV.

Tiếp tục theo đuổi mục tiêu 90-90-90

Việt Nam vẫn đang tiếp tục theo đuổi và thực hiện mục tiêu 90-90-90. Công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, nhiều khó khăn, thách thức vẫn đang tồn tại: Dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát vì vẫn còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện đặc biệt khu vực miền núi, vùng sâu trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại; lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong nhóm MSM trẻ tuổi; sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp; sự thay đổi về tổ chức và sự cắt giảm các nguồn lực viện trợ quốc tế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Hành lang pháp lý của Việt Nam khá đầy đủ, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Các cam kết chính trị cho phòng, chống HIV/AIDS cũng ở mức cao ở cả cấp trung ương và địa phương. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu 90-90-90 chỉ cam kết không là không đủ mà cần phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa của mỗi người lãnh đạo, mỗi người dân trong việc phòng, chống HIV/AIDS. Nó cũng đòi hỏi chương trình phòng, chống HIV/AIDS cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới để đạt được mục tiêu 90-90-90.

Đây là những mục tiêu hết sức tham vọng và rất thách thức. Tuy nhiên, nếu đạt được những mục tiêu này, không chỉ là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người mà còn là sự ổn định và phát triển của quốc gia. Trong bối cảnh dịch HIV mang tính toàn cầu và tác động toàn cầu, nếu làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90 thì nó không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân mà cả với cộng đồng quốc tế và điều quan trọng đó là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, tại thời điểm hiện nay, đối với mục tiêu 90 thứ nhất, ước tính cả nước đã có khoảng với 80% người nhiễm HIV đã biết tình trạng HIV.

Mục tiêu 90 thứ hai, tại các cơ sở y tế công hiện đang cung cấp thuốc ARV điều trị cho 131.600 người nhiễm HIV, cộng với số bệnh nhân đang điều trị ARV do tự chi trả hoặc huy động từ các nguồn khác. Như vậy trong số những người đã biết tình trạng HIV có khoảng 70% người nhiễm HIV được điều trị ARV.

Ở mục tiêu 90 thứ ba, theo kết quả xét nghiệm tải lượng virus cho gần 40.000 người đang điều trị ARV thì có 94% có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

Xét nghiệm HIV là đầu vào cho các mục tiêu 90-90-90

Để đạt được mục tiêu 90-90-90 đã cam kết, PGS. TS Nguyễn Hoàng Long cho rằng, cần đẩy mạnh công tác chỉ đạo, lãnh đạo của chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trước mắt, các địa phương cấp xã để xẩy ra tình trạng gia tăng người nhiễm mới HIV hoặc người nhiễm HIV tử vong do AIDS sẽ báo cáo Chính phủ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu có trách nhiệm từ cấp tỉnh xuống xã.

Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung theo Chỉ thị số 1139/CT-BYT ngày 25/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường phòng, chống HIV/AIDS. Bao gồm: Đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV; tăng cường công tác giám sát dịch HIV chủ động và triển khai đa dạng các mô hình cung cấp dịch vụ xét nghiệm phát hiện HIV; mở rộng cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị ARV và điều trị sớm ARV ngay khi người nhiễm HIV được phát hiện; tăng cường đầu tư ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống, đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế, quản lý tốt và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng, chống HIV; Duy trì và nâng cao năng lực cán bộ phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh chuyển đổi tổ chức hệ thống y tế dự phòng.

Xét nghiệm HIV là đầu vào cho các mục tiêu 90-90-90. Hiện nay Cục Phòng, chống HIV/AIDS có những biện pháp để làm tăng số người xét nghiệm HIV để biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Cụ thể, truyền thông lợi ích xét nghiệm và điều trị sớm HIV, quảng bá các dịch vụ xét nghiệm HIV để người dân dễ dàng lựa chọn và tiếp cận.

Đa dạng hóa các dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV: Xét nghiệm HIV lưu động tại các khu vực trọng điểm về HIV; xét nghiệm HIV không chuyên: Triển khai xét nghiệm do các tổ chức cộng đồng thực hiện, tập huấn và nâng cao năng lực cho tổ chức cộng đồng về kỹ năng tư vấn và thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm đơn giản. Các tổ chức cộng đồng sẽ tự tiếp cận nhóm nguy cơ cao để làm xét nghiệm HIV. Triển khai xét nghiệm HIV do nhân viên y tế thôn bản thực hiện. Lựa chọn các địa bàn trọng điểm về HIV, tập huấn cho nhân viên y tế thôn bản về kỹ năng tư vấn và thực kiện kỹ thuật xét nghiệm HIV đơn giản, những nhân viên y tế thôn bản sẽ tiếp cận những người có nguy cơ cao tại các làng bản của họ để thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV.

Đẩy mạnh hoạt động tự xét nghiệm HIV như, cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV bằng nước bọt cho những người trong nhóm nguy cơ cao, hoặc vợ, bạn tình của người nhiễm HIV để họ tự làm xét nghiệm HIV. Trường hợp tự xét nghiệm HIV dương tính sẽ thông báo cho nhân viên tiếp cận cộng đồng, nhân viên y tế để giới thiệu đến cơ sở y tế để tiếp tục làm xét nghiệm khẳng định HIV và đăng ký điều trị ARV. Ngoài ra, ngành Y tế sẽ tiến tới cung cấp thêm dịch vụ tự xét nghiệm HIV qua các quầy thuốc hoặc các siêu thị khi có đủ điều kiện...

Mở rộng mạng lưới phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV tuyến huyện: Đầu tư trang thiết bị và nâng cao năng lực cán bộ phòng xét nghiệm tuyến huyện để bảo đảm đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm khẳng định HIV dương tính. Việc mở rộng phòng xét nghiệm khẳng định tuyến huyện sẽ giúp rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm khẳng định, tránh mất dấu người nhiễm HIV sau xét nghiệm HIV dương tính, tăng tỷ lệ kết nối thành công người nhiễm HIV đến cơ sở điều trị ARV.

Top