Thái Lan hợp pháp hóa cần sa và biện pháp phòng ngừa từ Việt Nam

28/10/2019 10:15

Xu thế nới lỏng quy định kiểm soát trồng, chế biến sản phẩm có nguồn gốc cần sa ở Đông Nam Á vốn là một trong những điểm nóng ma tuý toàn cầu sẽ tạo nguy cơ mới, khiến công tác kiểm soát ma tuý của các nước, trong đó có Việt Nam trở nên phức tạp hơn.

Nhà kính thử nghiệm trồng cần sa y tế tại Trạm Nông nghiệp Hoàng gia Pang Da, tỉnh Chiang Mai

Ngày 14/11/2018, Chính phủ Thái Lan đã thông qua dự luật cho phép sử dụng cần sa trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên nhà chức trách cũng ra điều kiện cho các tổ chức, đơn vị liên quan phải có đánh giá thận trọng, cụ thể và báo cáo sau 5 năm thực hiện.

Đến tháng 2/2019, Luật Chất gây nghiện có hiệu lực, Thái Lan đã triển khai các chính sách đưa cần sa vào mục đích y tế, nghiên cứu khoa học, cụ thể cấp phép trồng, sản xuất, phân phối cần sa độc quyền cho Tổ chức Dược phẩm Chính phủ (GPO) từ nay đến hết năm 2020, sau đó tiếp tục được xem xét mở rộng diện cấp phép cho các công ty tư nhân, liên doanh (nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 33% cổ phần). Cấp phép nghiên cứu khoa học phát triển cần sa y tế cho Viện Nghiện cứu và Phát triển Cao nguyên Thái Lan và Viện Nghiên cứu cần sa y tế, Đại học Rangsit.

Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA), Bộ Y tế Thái Lan được giao đào tạo, cấp chứng chỉ cho cán bộ y tế hoạt động trong lĩnh vực này. Triển khai thí điểm sử dụng cần sa cho điều trị, các bệnh viện lập danh sách bệnh nhân tham gia. Đến nay, Thái Lan đã thu thập thông tin của 20.000 người có nhu cầu và cấp phép tạm thời được sử dụng cần sa cho 2.000 bệnh nhân mắc các bệnh ung thư, đa xơ cứng có nhu cầu cấp bách.

Nhận thức rõ hệ luỵ gặp phải do hợp pháp cần sa vì mục đích y tế và cũng để trấn an dư luận trong nước, các nước, tổ chức quốc tế, Chính phủ Thái Lan đã ban hành quy định chặt chẽ trong kiểm soát, lưu hành, theo đó sản phẩm phải được kiểm nghiệm an toàn, chất lượng, được công nhận thuộc danh sách dược phẩm quốc gia thiết yếu trước khi lưu hành ngoài thị trường.

Hiện tại, Thái Lan mới cấp phép lưu hành đối với tinh dầu cần sa. Hạn chế phạm vi cấp phép sản xuất, phân phối cần sa trong giai đoạn thử nghiệm. Chỉ FDA mới có chức năng đào tạo, cấp chứng chỉ. Bệnh nhân cần phải có đơn thuốc do đội ngũ y bác sỹ được FDA đào tạo, cấp chứng chỉ kê đơn mới được mua thuốc. Chính phủ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về cần sa y tế, đề nghị người dân phối hợp, tố giác tội phạm ma tuý, trong đó có hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ cần sa trái phép.

Trước đó, luật này đã được trình Hội đồng Lập pháp Quốc gia (NLA). NLA đã yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số điểm để tiếp tục xin ý kiến của Hội đồng Nhà nước, Bộ Y tế và Ủy ban Kiểm soát ma túy Thái Lan (ONCB). Theo đó, luật không phân loại lại cần sa như một chất ma tuý ít kiểm soát. Tuy nhiên, cần sa được chuyển sang diện ít được kiểm soát hơn hoặc có cùng thứ hạng như morphin.

Ông Puttipong Punnakanta, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết, luật chỉ cho phép cần sa dùng vào việc điều trị và nghiên cứu trong y tế. Nội các đã quyết định bổ sung một chương tạm thời để đảm bảo rằng Bộ Y tế sẽ kiểm soát chặt việc sử dụng cần sa trong ít nhất 05 năm sau khi được hợp pháp hóa và luật sẽ được xem xét sau 5 năm để kiểm tra tính hiệu quả. Sau khi đã được kiểm chứng, đánh giá trong thực tế, việc sử dụng cần sa có thể được Chính phủ nới lỏng kiểm soát hoặc bị cấm hoàn toàn.

Ở thời điểm này, có nhiều nghiên cứu chỉ ra lợi ích của cần sa đối với ngành y tế Thái Lan. Cần sa có thể sử dụng làm thuốc giảm đau do tổn thương thần kinh, ung thư và giảm buồn nôn do hóa trị, xạ trị và chán ăn ở những bệnh nhân HIV/AIDS. Nó có tác dụng đối với bệnh nhân động kinh và viêm dây thần kinh mãn tính. Tuy nhiên, cũng có những quan ngại, liệu cần sa y tế có được kiểm soát hiệu quả khi bệnh nhân sử dụng tại nhà. Điều này khiến Chính phủ từng nhiều lần cân nhắc biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

Chủ tịch Hội đồng Nông dân Quốc gia Thái Lan Prapat Panyachartrak cũng bày tỏ hoài nghi liệu các biện pháp này có nhằm sinh lợi cho các công ty dược phẩm đa quốc gia. Đối với nông dân có thể sẽ không được hưởng những lợi ích từ cần sa hợp pháp, cho dù họ bị bệnh nan y. Hội Nông dân nước này mong muốn để người bệnh được thụ hưởng quyền lợi từ việc điều trị bằng cần sa bởi chúng được trồng với chi phí thấp. Người trồng cần sa hứa hẹn sẽ có nguồn thu nhập tốt. Hiện nay cần sa nhập khẩu được bán ở mức khoảng 5.000 bath/kg. 

Quỹ Đa dạng sinh học và Hành động vì nông nghiệp bền vững Thái Lan (BIOTHAI) cam kết sẽ đưa ra ánh sáng việc Cục Sở hữu trí tuệ quảng cáo về 8 ứng dụng sáng chế liên quan đến cần sa. BIOTHAI viện dẫn điều luật bất kỳ nỗ lực nào nhằm đăng ký bằng sáng chế cho chiết xuất cần sa sẽ không được chính quyền xem xét. Theo luật pháp Thái Lan, các chiết xuất từ thảo dược không được coi là sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, những đơn xin cấp bằng sáng chế này có thể cấu thành hành vi phạm pháp luật.

Hiện nay, nhiều quốc gia như: Hà Lan, Đức, Romania, Séc, Croatia, Canada, Colombia, Uruguay, Ecuador, Israel, Ấn Độ, Úc… đã hợp pháp hóa cần sa cho mục đích y tế và tiêu khiển. Tại Mỹ, California là tiểu bang thứ sáu cho phép sử dụng cần sa để giải trí sau hơn 20 năm hợp pháp hóa trong lĩnh vực y tế. Còn tại Lào đã tổ chức hội thảo về cây cần sa. Nhiều doanh nghiệp đang vận động hành lang xin phép Chính phủ Lào cho phép trồng cần sa tại các tỉnh giáp biên với nước ta như: Xiêng Khoảng, Khăm Muộn, Sa La Van, Át Ta Pư, Chăm Pa Sắc.

Trước tình hình Thái Lan hợp pháp hoá cần sa vì mục đích y tế, chúng ta cần có ứng xử thế nào với vấn đề này đã đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước nhiều vấn đề cần giải đáp. Trước tiên là xu thế nới lỏng quy định kiểm soát trồng, chế biến sản phẩm có nguồn gốc cần sa ở Đông Nam Á, vốn là một trong những điểm nóng ma tuý toàn cầu sẽ tạo nguy cơ mới, khiến công tác kiểm soát ma tuý của các nước, trong đó có Việt Nam trở nên phức tạp hơn. Vấn đề này còn tạo ra nhận thức chủ quan sai lệch của người dân về tác dụng của chúng dẫn đến tình trạng lạm dụng. Các đường dây tội phạm ma tuý quốc tế sẽ tìm cách mua bán, vận chuyển cần sa bất hợp pháp vào nước ta từ đó làm gia tăng số người nghiện, phức tạp thêm tình hình tệ nạn ma tuý.

Trước tình hình này, các lực lượng công an, hải quan, biên phòng cần đẩy mạnh phối hợp trao đổi thông tin tội phạm, hiệp đồng tác chiến ngăn chặn ma tuý từ nước ngoài xâm nhập vào nội địa. Điều cần nhất là các cơ quan chức năng nước ta cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của tệ nạn ma tuý nói chung, cần sa nói riêng để người dân nâng cao nhận thức tự phòng tránh.

Các ngành cùng chung tay xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư, thu hút người dân nhất là thanh thiếu niên tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh để tránh xa tệ nạn ma tuý. Ngành y tế, công thương phối hợp kiểm soát chặt chẽ các loại thuốc, nguyên liệu dùng làm thuốc chứa chất gây nghiện, hướng thần trong quá trình xuất nhập khẩu, phân phối, kê đơn, sử dụng. Nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc mới có tác dụng giảm đau, an thần, hỗ trợ điều trị ung thư, các bệnh hiểm nghèo, ít có khả năng gây nghiện nhằm hạn chế việc kê đơn, sử dụng thuốc chiết xuất từ các chất ma tuý.

Top