Từ những vụ ma tuý ‘khủng’: Cảnh báo tội phạm núp bóng doanh nghiệp

03/04/2019 16:38

Qua những vụ án ma tuý “khủng” vừa được triệt phá đã cho thấy có những sơ hở trong quản lý nhà nước mà tội phạm ma túy đang lợi dụng. Nhiều công ty lợi dụng kinh doanh, lợi dụng danh nghĩa đầu tư để núp bóng, buôn bán, vận chuyển ma túy.

Một đối tượng bị bắt giữ tại kho hàng Công ty Hansan

Kẻ hở trong quản lý

Liên tiếp chỉ trong một tuần, tại TPHCM, các lực lượng chức năng đã triệt phá 2 vụ ma túy với số lượng cực lớn. Chuyên án thứ nhất do Cục CSĐT tội phạm về ma túy chủ trì, triệt phá giai đoạn 3 của chuyên án, thu giữ gần 300kg ma túy tổng hợp dạng “đá” vào ngày 19/3. Tiếp đó, ngày 27/3, Công an TPHCM tiếp tục triệt phá một đường dây mua bán, vận chuyển ma túy “khủng” khác, thu giữ 895 bánh heroin.

Cơ quan công an xác định nguồn ma túy phần lớn từ Khu Tam giác vàng (Myanmar – Lào). Cùng nguồn hàng ma túy nhưng hai đường dây mà Cục CSĐT tội phạm về ma tuý triệt phá và vụ bắt 895 bánh ma túy ở An Sương là độc lập.

Tuy là 2 đường dây khác nhau nhưng chúng lại vô cùng giống nhau về phương thức, thủ đoạn phạm tội. Cầm đầu là những nhóm người nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc). Các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam, ngụy trang hoạt động bằng các công ty kinh doanh có chức năng sản xuất, xuất nhập khẩu.

Theo Bộ Công an, hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều tội phạm hoạt động theo phương thức đan xen giữa các yếu tố kinh tế, hình sự, ma túy, “núp bóng” doanh nghiệp, liên kết vùng miền, thể hiện rõ nét tính chuyên nghiệp trong hoạt động và có sự đối phó tinh vi, biến thể dần để thích hợp với cơ chế, điều kiện xã hội.

“Qua những vụ án ma tuý lớn vừa được triệt phá cho thấy có những sơ hở trong quản lý nhà nước mà tội phạm ma túy đang lợi dụng. Điển hình như việc quản lý công tác đầu tư. Nhiều công ty lợi dụng kinh doanh, lợi dụng danh nghĩa đầu tư để núp bóng, vận chuyển ma túy. Trong thời gian tới, chúng ta cần kiện toàn công tác quản lý nhà nước, giải quyết những kẽ hở mà tội phạm ma túy có thể lợi dụng”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm từng nhận định tại Lễ khen thưởng các lực lượng triệt phá 2 đường dây ma tuý trên.

Trở lại vụ gần 300 kg ma tuý đá do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý bắt giữ tại quận Bình Tân ngày 19/3, cơ quan điều tra xác định kẻ cầm đầu đường dây ma túy xuyên quốc gia này là Wu He Shan. Đối tượng Wu He Shan thường xuyên lẩn trốn ở Úc, Trung Quốc và Myanmar để thuận tiện cho việc điều hành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.

Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, Wu He Shan và đồng bọn mở công ty TNHH TM&DV Hasan (quận Bình Tân, TPHCM) để làm “bình phong”, dựng lên bà Phan Thị M.N làm giám đốc. Bà N chính là người yêu của Wu He Shan.

Qua kiểm tra công ty này, lực lượng chức năng phát hiện 30 vỏ bao tải cùng loại với số bao đựng 300kg ma túy bị bắt giữ trước đó. Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, một số người Trung Quốc đã nhập hàng vào công ty Hasan với danh nghĩa ngành nghề may mặc, xuất khẩu hàng hóa.

Mặc dù đăng ký kinh doanh ngành nghề may mặc, xuất khẩu… nhưng qua kiểm tra các tờ khai hải quan, trong 5 năm qua, công ty này chỉ mới có 40 tờ khai, còn hoạt động chủ yếu là ngụy trang cho hành vi buôn ma túy. Kho hàng của Công ty Hasan là một dãy nhà cấp 4 lợp mái tôn khá sơ sài nhưng kín mít như lô cốt, trong kho và xung quanh gắn camera theo dõi dày đặc.

Còn trong vụ 895 bánh heroin tại cầu vượt An Sương, bước đầu xác định kẻ điều hành đường dây ma túy này là nhóm 4 người Đài Loan. Người cầm đầu đường dây này là Trần Vỹ (SN 1986, người Đài Loan - Trung Quốc). Tại cơ quan công an Trần Vỹ khai đã 3 lần nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất. Những người này nhập cảnh vào Việt Nam và “núp bóng” doanh nghiệp, thuê kho bãi ở Bình Dương làm nơi cất giấu ma túy.

Rà soát các doanh nghiệp, công ty có dấu hiệu nghi vấn

Theo Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hasan trong vụ ma túy “đá” do Cục CSĐT tội phạm về ma tuý triệt phá thì có chức năng nghề buôn bán hàng may mặc, xuất khẩu đồ chơi trẻ em, còn công ty trong vụ 895 bánh heroin thì có chức năng sản xuất băng keo dính điện.

Tuy nhiên, thực chất, các đối tượng không hoạt động đúng chức năng, mà thường thuê kho để đóng gói ma túy lẫn với mặt hàng khác, sau đó, "hàng" được đóng vào container, thuê các công ty chuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái, TPHCM đi các nước khác.

Khi vận chuyển hay đóng gói "hàng", đều chỉ có nhóm người nước ngoài thực hiện, một số đối tượng người Việt Nam được thuê chỉ là giám đốc bù nhìn hay bảo vệ ở bên ngoài. Các đối tượng cũng thường chọn địa điểm thuê kho, xưởng chứa ma túy ở các khu vực giáp ranh, hoặc ở các quận mới chuyển từ huyện lên như Bình Tân, địa hình còn vắng vẻ, công tác quản lý lỏng lẻo…

Thiếu tướng Phạm Văn Các cũng cảnh báo còn những đường dây mua bán ma túy khác do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu đã và đang vào Việt Nam thành lập các doanh nghiệp, công ty kinh doanh để ngụy trang vận chuyển, mua bán ma túy. Bởi chúng đang triệt để lợi dụng chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam và sự quản lý còn lỏng lẻo của các cơ quan chức năng tại các khu vực giáp ranh cũng như một số kẽ hở của chúng ta trong công tác kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu…

Hiện Cục CSĐT tội phạm về ma túy đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp, công ty do người nước ngoài thuê có dấu hiệu nghi vấn; tăng cường công tác quản lý, tăng cường các hoạt động nghiệp vụ để phát hiện kịp thời tội phạm núp bóng doanh nghiệp; đồng thời phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quan siết chặt kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu có dấu hiệu ngụy trang ma túy tại các cửa khẩu, cảng biển.

Top