Việt Nam có thể kết thúc dịch AIDS bằng nội lực

30/01/2020 09:18

Hơn 20 năm qua, Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong hành trình ngăn chặn và tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS. Từ chỗ coi AIDS là một bản án tử hình, người nhiễm HIV bị kỳ thị, xa lánh, thì đến nay, họ được xem như bệnh nhân. Người nhiễm HIV được điều trị và sống cuộc sống bình thường như bao người, có thể kết hôn và sinh con hoàn toàn khỏe mạnh.

Trở thành điểm sáng trong khu vực

Từ một điểm nóng về dịch AIDS khi cứ tìm ca, xét nghiệm là phát hiện HIV thì đến nay, Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, được nhận định có thể tiên phong kết thúc dịch AIDS.

Để có được những kết quả đáng ghi nhận như vậy, có sự quyết tâm rất lớn của hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ cả về chi phí, kỹ thuật và nhân lực từ các tổ chức quốc tế. Nhưng sự giúp đỡ nào rồi cũng sẽ dừng, khi Việt Nam thoát khỏi nhóm quốc gia thu nhập thấp, bước vào nhóm thu nhập trung bình.

 Tư vấn xét nghiệm cho người nguy cơ cao. Ảnh: Thùy Chi

Chỉ còn 1 năm nữa là đến cột mốc thực hiện cam kết 90-90-90, và khoảng 10 năm nữa, chúng ta cùng với nhân loại chấm dứt đại dịch AIDS, Việt Nam sẽ phải đi bằng đôi chân của chính mình.

Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam, tỉ lệ người điều trị ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng này lên tới 95%. Đây là thông điệp rất quan trọng, tạo ra một bước ngoặt mới trong công tác phòng chống AIDS, đặc biệt là liên quan đến giảm kỳ thị, phân biệt đối xử.

Chỉ số vừa nêu cũng là một trong 3 mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương triển khai thực hiện. Trong góc nhìn của nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam là một hình mẫu về phòng chống HIV/AIDS trong khu vực.

Ông Eamonn Murphy, Giám đốc điều phối chương trình HIV của Liên Hợp Quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UNAIDS) ngợi ca tính đoàn kết và nhất quán trong chiến lược về HIV của Việt Nam: “Việt Nam điều trị ARV rất tốt cho người nhiễm HIV. Các bạn cũng áp dụng nhiều cách điều trị mới như Prep điều trị trước phơi nhiễm. Hay xét nghiệm cũng có nhiều mô hình tương tự trên thế giới, như xét nghiệm tại cộng đồng, tự xét nghiệm. Đó là cách Việt Nam luôn thúc đẩy công cuộc phòng chống HIV”.

Hướng tới đạt được những mục tiêu đã đề ra, mặc dù nguồn tài trợ cho bệnh nhân điều trị ARV sẽ giảm 30%, nhưng Việt Nam quyết phấn đấu năm 2020, số bệnh nhân được chuyển đổi điều trị thuốc ARV sang nguồn BHYT có thể tăng lên 100.000.

Một nguồn nội lực nữa đang phát huy vai trò quan trọng ở giai đoạn này, đó là các nhóm, câu lạc bộ cộng đồng. Việt Nam hiện có khoảng 200-300 nhóm cả hoạt động tự lực và được trợ cấp. Họ vừa lập nên một sân chơi sinh hoạt bổ ích, chia sẻ kiến thức giữa những người đồng cảnh ngộ nhiễm HIV, vừa tự chuyển đổi trở thành những đồng đẳng viên, tiếp cận viên tuyên truyền, tư vấn trở lại cho các nhóm đối tượng chưa được phát hiện, điều trị.

Việc lan tỏa những mô hình này giúp hình thành những phòng tuyến tiên phong, đồng thời siết chặt “vòng vây” với dịch AIDS, vươn tới những địa hạt khó tiếp cận nhất, phức tạp nhất và là những vấn đề mới nổi, như các ổ nhóm sử dụng ma túy tổng hợp, các cá nhân, nhóm sinh hoạt tình dục là nam giới.

Phát huy vai trò tiên phong ngăn chặn sự lây lan của dịch AIDS

Các câu lạc bộ tự lực vì cộng đồng đang phát huy vai trò là phòng tuyến tiên phong ngăn chặn sự lây lan của dịch AIDS. Tuy nhiên, với cam kết đạt mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình - 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV - 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp) vào năm 2020, cùng thế giới loại trừ đại dịch AIDS vào năm 2030, Việt Nam vẫn còn một chặng đường đầy thách thức phía trước. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, liên quan tới mục tiêu 90-90-90, mục tiêu thứ ba Việt Nam đã vượt qua. Còn 2 mục tiêu đầu, tức 90% người nhiễm HIV biết tình trạng bệnh và được điều trị ARV, vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa.

“Trước mắt chúng ta còn rất nhiều thách thức cần phải vượt qua như nhận thức của một bộ phận người dân về lợi ích, hiệu quả điều trị HIV còn rất hạn chế; tiếp cận nhóm người HIV trong nhóm nguy cơ cao còn gặp nhiều khó khăn, thị trường cung ứng HIV trong nước còn nhỏ bé. Khó khăn như việc cung ứng thuốc liên tục, đặc biệt là đối với thuốc điều trị cho trẻ em, thuốc điều trị bậc 2, bậc 3”. Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử dù đã giảm nhưng vẫn tồn tại từ gia đình, người thân, cộng đồng, ở nơi công tác, nơi làm việc, ở nơi học tập và ngay cả các cơ sở y tế. Đặc biệt, có hiện tượng người nhiễm HIV tự kỳ thị bản thân mình. Trong khi nguy cơ mới trong nhóm nam quan hệ đồng giới đã phát triển trở lại, đòi hỏi Việt Nam phải tổ chức can thiệp mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, do các nguồn viện trợ, chương trình mục tiêu giảm dần, BHYT ở giai đoạn mới bắt đầu triển khai nên kinh phí phòng chống HIV/AIDS đang khó khăn, ảnh hưởng tới nhân lực y tế.

Căn bệnh thế kỷ AIDS có một đặc điểm, chỉ một thoáng lơ là phòng chống, dịch có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Do đó, nếu lơ là, thành quả 20 năm vun đắp, hoàn toàn có thể bị sụp đổ ở chặng đường 10 năm cuối. Bài học mang tên Philippines quá nhãn tiền, khi quốc gia này lơi lỏng vài năm, lập tức tỉ lệ mắc mới HIV tăng vọt tới mức báo động đỏ 200%.

Hơn lúc nào hết, trong giai đoạn “về đích”, Việt Nam cần tập trung mọi nguồn nội lực để phát huy những mô hình, những dự án, những kỹ thuật chúng ta đang làm chủ, đẩy mạnh những việc còn dang dở, giữ vững quyết tâm, kiên định với con đường đã chọn.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long- Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, kể từ ca đầu tiên năm 1990, đến nay, Việt Nam đã phát hiện hơn 300 nghìn trường hợp nhiễm HIV, trong đó hơn 100 nghìn người đã chết. Trong số hơn 200 nghìn người nhiễm HIV còn sống, Việt Nam đã điều trị cho 142 nghìn bệnh nhân ở tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, bao phủ 70% những người nhiễm HIV được phát hiện và điều trị. Việc điều trị cũng được lồng ghép vào cơ sở y tế, phân cấp xuống các địa phương, gần 700 xã, phường đã cấp ARV, giúp người bệnh dễ dàng tiếp cận.

Theo PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, Việt Nam cũng làm tốt công tác phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con, hiện chúng ta có những giải pháp dự phòng những bà mẹ không may bị HIV hoặc cả những cặp vợ chồng đều dương tính với HIV nếu được quản lý, điều trị dự phòng thì có thể nói đến 98% là các cháu sinh ra hoàn toàn khoẻ mạnh. Đây là thành quả rất nhân văn.

Những phương pháp điều trị mới nhất trên thế giới đều được Việt Nam cập nhật. Trước đây, chúng ta điều trị bệnh nhân phụ thuộc vào tế bào CD4, tức là bệnh đã nặng thì mới được điều trị, nhưng hiện nay chúng ta đã có chính sách điều trị cho tất cả những trường hợp nhiễm HIV dương tính và điều trị ngay trong ngày. Trước đây, chúng ta mất khoảng 6 tuần từ lúc người bệnh phát hiện ra HIV đến lúc được uống thuốc thì hiện nay chúng tôi đã giảm được xuống còn 6 giờ.

Những con số trên cho thấy chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên để đạt được cái đích mà Việt Nam đang hướng tới, cần sự chung tay của cả cộng đồng và xã hội. Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, còn một khoảng cách khá xa với mục tiêu. Chúng ta cần biết chấm dứt đại dịch AIDS không có nghĩa là kết thúc mà được định nghĩa AIDS khi đó không còn là mối quan ngại hàng đầu của xã hội, cộng đồng.

Vì 10 năm mang tính quyết định sắp tới, vì 20 năm thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đang tiếp tục nỗ lực và hướng tới kết thúc dịch AIDS bằng nội lực.
Top