Xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm: Hướng tới bảo đảm quyền con người

22/10/2019 16:05

Hiện nay, yêu cầu xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng, chống mại dâm cho phù hợp với thực tiễn.

Các đại biểu tham dự tập huấn hướng dẫn triển khai mô hình thí điểm giảm tác hại trong phòng, chống mại dâm. Ảnh Phạm Dũng

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương mà trong nhiều năm qua, công tác phòng, chống mại dâm của nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào việc ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trải qua 16 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm (năm 2003) và gần 20 năm thực hiện các Chương trình hành động phòng, chống mại dâm các giai đoạn: 2001-2005, 2006-2010, 2011-2015 và giai đoạn 2016 - 2020, tệ nạn mại dâm ở nước ta đã được kiềm chế về tốc độ và phạm vi; số tụ điểm mại dâm công cộng giảm mạnh, nhiều địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn được tình trạng mại dâm đứng đường, chào mời khách nơi công cộng; giảm số cơ sở kinh doanh dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, vũ trường, cơ sở karaoke...), giảm hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức; ngăn chặn, giảm số đối tượng tham gia hoạt động mại dâm, đặc biệt là mại dâm trẻ em, người chưa thành niên.

Các lĩnh vực công tác về phòng ngừa như tuyên truyền giáo dục, quản lý địa bàn, cơ sở kinh doanh dịch vụ; can thiệp, giảm tác hại, hỗ trợ phụ nữ mại dâm tái hoà nhập cộng đồng và đấu tranh xử lý vi phạm đã được các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện, đạt được nhiều kết quả. Công tác xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm được triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả. Quá trình thực hiện luôn gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” nên nhiều địa phương đã có chuyển biến mạnh mẽ, giữ vững địa bàn không phát sinh tệ nạn mại dâm, giảm đáng kể số xã, phường trọng điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm.

Tuy nhiên, kết quả công tác phòng, chống mại dâm chưa vững chắc, còn rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trong tình hình hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường và giao lưu, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với khu vực và trên thế giới. Tệ nạn mại dâm, các tội phạm liên quan đến mại dâm như chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người chưa thành niên, đặc biệt là hành vi mua bán người vì mục đích mại dâm gây ra nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc dư luận.

Các khó khăn, thách thức trên là do khuôn khổ pháp lý về phòng, chống mại dâm của nước ta hiện nay đã bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn; Pháp lệnh phòng, chống mại dâm sau 16 năm thi hành cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế và đòi hỏi phải sớm khắc phục với việc sửa đổi, bổ sung, đặc biệt cho phù hợp, đồng bộ và thống nhất hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013. Một số quy định của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm hiện hành tỏ ra không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống mại dâm nói riêng và phòng chống tội phạm nói chung trong điều kiện mới, nhất là các quy định liên quan đến người bán dâm.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm được thông qua và ban hành trong bối cảnh Việt Nam mới bắt đầu đẩy mạnh việc thực hiện công cuộc đổi mới cũng như xúc tiến thực hiện hội nhập quốc tế và khu vực ASEAN, đồng thời chuẩn bị gia nhập nhiều hơn những điều ước quốc tế về quyền con người, trong khi hệ thống pháp luật quốc gia lại chưa có cơ sở pháp lý thật sự đầy đủ, thuận lợi cho việc thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết với tư cách là quốc gia thành viên trong những điều ước quốc tế đã tham gia như Công ước về xóa bỏ tất cả những hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền trẻ em (CRC), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá và xã hội (ICSCR), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC), Nghị định thư về phòng chống buôn bán người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em (TIPP)...

Một bất cập khác hiện nay là Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm cũng như các văn bản liên quan khác không quy định biện pháp cụ thể nào về đối xử bình đẳng đối với phụ nữ bán dâm liên quan đến việc được bảo vệ trong những vụ án hiếp dâm và cưỡng bức tình dục khác mà họ rất dễ bị tổn thương trong khi hoạt động mại dâm. Trên thực tế khi xử lý các vụ án liên quan đến mua bán người hoặc tổ chức mại dâm, nhiều người bán dâm là nạn nhân của nạn mua bán người, bóc lột tình dục song lại bị đối xử như đã vi phạm pháp luật và phải bị tước quyền tự do trong một thời gian nhất định tại các cơ sở chữa bệnh bắt buộc trước đây.

Mặt khác, những người bị áp dụng biện pháp này còn bao gồm người bán dâm từ đủ 16 tuổi trở lên, đến dưới 18 tuổi mà theo quy định của Công ước về quyền trẻ em và Nghị định thư không bắt buộc về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em bổ sung Công ước về quyền trẻ em là không bị coi là đối tượng vi phạm pháp luật mà là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, cần có sự bảo vệ đặc biệt của xã hội, phải được đối xử như nạn nhân và không bị áp dụng bất cứ hình thức xử phạt nào.

Từ các vấn đề trên, yêu cầu xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về phòng, chống mại dâm cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội; đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan như phòng, chống mại dâm, phòng, chống mua bán người, phòng, chống ma túy và phòng, chống HIV/AIDS.

Luật cần xác định rõ những nguyên tắc cơ bản của việc phòng, chống mại dâm. Việc ghi nhận các nguyên tắc cơ bản này là rất cần thiết vì đây là những tư tưởng chính trị - pháp lý quan trọng chỉ đạo toàn bộ hoạt động phòng, chống mại dâm, đồng thời làm cơ sở cho việc quy định cụ thể các nội dung hoạt động phòng, chống mại dâm trong toàn bộ dự thảo. Vì thế, dự thảo Luật cần ghi nhận một số nguyên tắc cơ bản dựa trên năm tiêu chí sau:

Thứ nhất, lấy phòng ngừa là chính, kết hợp thông tin, giáo dục, truyền thông, tư vấn về phòng, chống mại dâm với quản lý an ninh, trật tự và kiểm soát các hoạt động dễ bị lợi dụng để mại dâm.

Như chúng ta đều biết, phòng chống mại dâm là một hoạt động hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp mới có kết quả. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống mại dâm cho thấy, việc phát hiện, truy bắt, xử lý hành vi tội phạm liên quan đến mại dâm chỉ giải quyết được phần ngọn chứ chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề - nguyên nhân, điều kiện của tình trạng mại dâm. Vì vậy, cuộc đấu tranh này chỉ thực sự có hiệu quả khi chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa (cả phòng ngừa chung lẫn phòng ngừa riêng) góp phần giải quyết cơ bản căn nguyên của hoạt động mại dâm; cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi người dân nhận thức được nguy cơ, mối hiểm họa của tình trạng mại dâm.

Thứ hai, mọi hành vi tội phạm liên quan đến mại dâm đều phải được ngăn chặn, phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời và chính xác theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, kết hợp sức mạnh của các cơ quan, tổ chức với sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống mại dâm.

Hiệu quả của hoạt động phòng, chống mại dâm không chỉ phụ thuộc vào những nỗ lực của Nhà nước mà còn phụ thuộc đáng kể vào sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách huy động các lực lượng xã hội tham gia phòng, chống mại dâm.

Nguyên tắc này đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi cơ quan và sự phối hợp chặt chẽ liên ngành trong đấu tranh phòng, chống mại dâm, đồng thời, phải tạo điều kiện huy động rộng rãi các lực lượng xã hội tham gia vào hoạt động phòng, chống mại dâm. Đặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mại dâm.

Thứ tư, phòng, chống mại dâm phải tôn trọng các quyền, lợi ích hợp pháp và không bị kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bán dâm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc họ tham gia vào bán dâm (điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xã hội....). Vì thế, việc quy định nguyên tắc này trong dự thảo Luật sẽ giúp họ phần nào giảm được những vấn đề về tinh thần và thể xác, đặc biệt đối với những người bị cưỡng ép bán dâm.

Trên cơ sở thực tế công tác phòng, chống mại dâm những năm qua và bối cảnh kinh tế - xã hội trong những năm tới cũng đặt ra các yêu cầu mới về phòng, chống mại dâm, trong đó vấn đề quan tâm đầu tiên là phải tăng cường các hoạt động phòng ngừa tệ nạn mại dâm; tập trung vào xây dựng khung pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm hại trong phòng, chống mại dâm; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với nhóm người bán dâm. Đồng thời, xây dựng hệ thống dịch vụ xã hội phù hợp, thân thiện, tạo điều kiện cho người bán dâm dễ dàng tiếp cận, sử dụng khi họ có nhu cầu thay đổi công việc, thay đổi cuộc sống. Điều này là hoàn toàn phù hợp với phương pháp tiếp cận về đảm bảo quyền của các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội ghi nhận trong Hiến pháp của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt là phương pháp tiếp cận dựa trên quyền, đảm bảo bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội của nhóm đổi tượng này.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên, xét dưới góc độ hỗ trợ xã hội, người bán dâm là một trong các nhóm dân cư dễ bị tổn thương (bị ngược đãi, bạo lực, bị chà đạp nhân phẩm, bị bóc lột, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phân biệt đối xử, không tiếp cận được các dịch vụ y tế, xã hội). Do vậy, cần thiết phải có các biện pháp, giải pháp nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của họ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng tình dục an toàn, và tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản, cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản khác, đặc biệt tạo cho họ cơ hội có việc làm, có thu nhập khác để giảm tần suất hoặc dừng công việc bán dâm, ổn định cuộc sống và hoà nhập xã hội.

Mặc dù các chính sách, quy định của nhà nước không ngăn cản người bán dâm tham gia một số dịch vụ xã hội, tuy nhiên việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ này đối với nhiều người bán dâm là rất khó khăn do nhiều rào cản, có thể là do sự phù hợp của chương trình, sự có sẵn của dịch vụ, nhân lực cung cấp dịch vụ, chất lượng, quy trình phức tạp hay sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Hiện nay, chưa có nhiều thông tin tin cậy về việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm. Điều này tạo ra thách thức cho các đơn vị quản lý công và các tổ chức xã hội trong việc thiết kế, thực hiện các chính sách, chương trình can thiệp dựa trên bằng chứng.

Đối với người bán dâm, các chương trình dịch vụ hỗ trợ xã hội có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sự yếu thế và bất bình đẳng, có thể giúp người bán dâm được đảm bảo sức khỏe, được khẳng định quyền con người, được hòa nhập và tham gia vào các hoạt động cộng đồng, xã hội cũng như thị trường lao động. Hiện tại có nhiều dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm cung cấp bởi tổ chức công lập và các đơn vị ngoài chính phủ, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như: đào tạo nghề, cho vay vốn hộ gia đình, các dịch vụ y tế, sức khỏe.

Thực hiện Chương trình Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 361/QĐ-TTg ngày 7/3/2016 và các dự án phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bán dâm và nạn nhân bị buôn bán thuộc Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020, tính đến nay đã có 41 tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng thí điểm hoặc duy trì mô hình can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cho người bán dâm, bao gồm cả mô hình triển khai tại địa phương thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội tại địa bàn cơ sở, trong đó có khoảng 3.709 người bán dâm. Mô hình được thực hiện với mục tiêu giúp người có nguy cơ cao, người yếu thế và người hoạt động mại dâm tại địa bàn thực hiện mô hình được tiếp cận ít nhất một hoạt động can thiệp nhằm giảm tác hại về HIV/AIDS, ngăn ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Nhà nước cũng như sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương, mục tiêu thời gian tới từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm, quá trình xây dựng, đề xuất dự án Luật phòng, chống mại dâm sẽ gấp rút được thực hiện để sớm trình lên Chính phủ, để báo cáo Quốc hội.

Top