Người dành tất cả tâm huyết giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS

10/09/2019 18:27

Hơn 10 năm qua, ngoài thời gian làm việc, anh Nguyễn Anh Phong, sinh năm 1979, người đại diện của Mạng lưới người sống với HIV tại Việt Nam (VNP+) dành tất cả tâm huyết miệt mài giúp đỡ, hỗ trợ cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, và tìm kiếm, kêu gọi quỹ từ các nơi, làm công tác tư vấn tình thần cho những người đang suy sụp.

 Anh Nguyễn Anh Phong (bên phải) và Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh. Ảnh nhân vật cung cấp

Sống trong hoàn cảnh gia đình không mấy trọn vẹn, anh Phong hiểu cuộc sống con người nếu thiếu tình thương sẽ như thế nào. Chính vì lẽ đó, ngay từ thời còn là sinh viên, anh Phong đã thường xuyên tham gia vào các hoạt động thiện nguyện với mong muốn lan tỏa tình yêu thương đến nhiều người.

Qua những lần nấu ăn, phát cơm miễn phí tại bệnh viện, anh Phong nhận thấy có một nhóm bệnh nhân rất cần được cảm thông, hỗ trợ nhưng họ phải chịu sự dè bỉu từ cộng đồng, bị bỏ rơi từ chính gia đình. Điều này khiến anh nung nấu khao khát phải làm gì đó để giúp đỡ những bệnh nhân HIV/AIDS.

Chính vì vậy, anh Phong có một lời hứa với bản thân là luôn ưu tiên cho người nhiễm HIV, bởi anh quan niệm khi người ta kiếm mình nghĩa là họ cần mình. "Mình cứ tưởng tượng đang khoẻ mạnh, đang rất bình thường, đùng một cái bị bệnh. Cái đầu tiên mình nghĩ tới là mình thấy mình vô dụng, cảm giác mất hết tất cả, hụt hẫng. Đa số người bệnh khi nhận được kết quả dương tính họ trống rỗng, vô định. Những lúc như thế rất cần có ai đó bên cạnh động viên", anh Phong tâm sự.

Từ đầu năm 2018 các tổ chức quốc tế bắt đầu cắt giảm tài trợ, người bị phơi nhiễm HIV/AIDS phải tự chi trả cho quá trình điều trị thông qua bảo hiểm y tế, do vậy anh Phong luôn trăn trở phải hỗ trợ được thẻ BHYT để bệnh nhân được điều trị ARV xuyên suốt cũng như đứng ra giúp làm giấy tờ pháp lý để đủ điều kiện.

Nhận thấy bệnh nhân HIV/AIDS cần nhiều hơn những gì mình đang làm, hơn 1 năm trở lại đây, anh Phong quyết định nghỉ việc để tập trung toàn tâm toàn lực giúp đỡ cộng đồng nhiễm HIV. Tháng 6/2017, cùng với một số bác sĩ khác, anh Phong đã lập lên Phòng khám Nhà Mình - phòng khám hỗ trợ điều trị và tư vấn cho bệnh nhân nhiễm và phơi nhiễm HIV. Nhà Mình là tâm huyết bấy lâu của anh Phong nhằm giúp những người không có khả năng chi trả kinh phí điều trị và những người cần được chia sẻ, đồng cảm.

Ở Nhà Mình các bác sĩ đa số đều làm việc tận tâm mà không màng đến tiền bạc, bởi số "tiền lương" mà họ nhận chẳng đủ chi trả tiền xăng xe đi lại mỗi ngày. Nhà Mình hỗ trợ điều trị miễn phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và những gia đình có từ 3 người bệnh trở lên. Một điều đặc biệt là nơi đây luôn ở rộng cửa với người bệnh bất kể giờ nào trong ngày.

Căn nhà nhỏ nằm ở đường Ba Đình (phường 10, Q.8) được anh Phong tận dụng làm phòng khám. Đồng hành cùng anh là các bác sĩ đã về hưu nguyện góp một phần công sức để giúp đỡ cộng đồng HIV. Nguồn lực để duy trì và phát triển phòng khám được trích từ doanh thu công ty nhỏ của anh và quỹ được anh kêu gọi từ khắp nơi.

Chia sẻ về sự ra đời của Nhà Mình, anh Phong cho hay: “Đối với bệnh nhân HIV/AIDS, điểm tựa lớn nhất là gia đình, nhưng đa số ở Sài Gòn là dân nhập cư, họ không có gia đình bên cạnh, một số thì không được gia đình chấp nhận. Nhà Mình giống như ngôi nhà của mình chỉ cần khi nào cảm thấy mệt mỏi, tuyệt vọng thì người bệnh có thể tìm đến đây để cảm thấy nhẹ lòng hơn. Bởi Sài Gòn rộng lớn và cô đơn lắm".

Anh Phong đã tận dụng những bạn là thành viên trong cộng đồng. Anh đã cùng một số bác sĩ đã nghỉ hưu tập huấn trang bị kiến thức cho thành viên nhóm, cùng xây dựng một dịch vụ trong phòng khám với tiêu chí xem như là gia đình của mình, để  khi họ đến họ cảm thấy an tâm. Việc quan trọng là giúp những bệnh nhân HIV/AIDS tuân thủ điều trị, cải thiện sức khỏe.

Ngoài công việc tại phòng khám Nhà mình, anh Phong thường xuyên nhận lời nói chuyện, tư vấn ở các trường đại học, các tổ chức, công ty với mong muốn giúp xã hội hiểu rõ về HIV, từ đó biết cách phòng tránh và có cái nhìn đồng cảm hơn với cộng đồng nhiễm HIV.

10 năm đồng hành, chứng kiến biết bao số phận khắc khổ, anh Phong vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc và yêu đời, niềm yêu đời được lan tỏa ngay từ trong chính những câu chuyện, những mảnh đời đầy bất hạnh mà anh gặp hàng ngày.

“Tôi nhớ có một người quê ở Bến Tre lên TP làm việc, tìm Facebook tôi kết bạn, có chia sẻ mình bị nhiễm nhưng buông trôi không điều trị vì nhiều lý do, người hiện gầy ốm và đề kháng rất yếu. Khi gặp mới biết bạn là bác sĩ của một bệnh viện lớn tại TPHCM, nhưng từ khi phát hiện mình bị nhiễm HIV/AIDS, bạn đã xin chuyển sang làm hành chính. Tôi dẫn ra đây để thấy rằng dù là ai đi nữa, nếu không may bị nhiễm HIV/AIDS, họ rất cần một chia sẻ ở nơi họ tin tưởng”, anh Phong chia sẻ.

Hay anh N.H.T. (Q.9) làm "trai bao" lây nhiễm HIV/AIDS từ bạn tình nên hận thù và suy nghĩ phải có người bị lây nhiễm như mình. Đạt được mục đích mình muốn, nhưng tối về là những đêm anh không tròn giấc ngủ.

“Tôi cũng bàng hoàng vì không biết có bao nhiêu người "đi qua" N.H.T. nhưng đã tư vấn, tâm sự để người nhiễm thấy rằng họ mất nhiều hơn được nếu suy nghĩ như vậy, trước hết là sức khỏe yếu đi rất nhiều. Sau đó, T. nghỉ hẳn công việc và tự động liên lạc với 5 người mình "chung sống" nói sự thật để họ đi xét nghiệm”, anh Phong nói.

Một trường hợp khác, cả gia đình (Q.Gò Vấp) gồm 2 vợ chồng và đứa con bị nhiễm HIV/AIDS. Anh Phong đã kết nối với bác sĩ về hưu xin tài trợ để lo cho họ chi phí, các hỗ trợ xã hội khác... Gia đình ấy hiện rất hạnh phúc, sống như bao tổ ấm khác.

Thời gian qua, mặc dù nỗ lực gây quỹ, tìm kiếm nguồn hỗ trợ dù gặp nhiều khó khăn, anh Phong vẫn âm thầm cứu biết bao số phận. Rất nhiều ca sơ ý dẫm phải kim tiêm, không may tiếp xúc với dịch bệnh nhưng ngay lúc đó không đủ tiền để tiêm thuốc phơi nhiễm hay những ca cần cấp cứu gấp nhưng không đủ tiền nhập viện đã được anh Phong kịp thời cứu giúp.

Anh chia sẻ: “Có khi nửa đêm nghe có ca cấp cứu cần hỗ trợ, lúc đó anh cũng không đủ tiền đành phải chạy vạy mượn bạn bè, cứu người trước đã. Chủ trương của anh là 'lấy giàu hỗ trợ nghèo', cứu người ta trước, nào họ khỏe lại làm được tiền sẽ đến trả góp dần để duy trì quỹ cho những người sau”. Cứ thế, người có “H” được anh phong giúp đỡ quay trở lại cùng anh giúp đỡ cộng đồng ngày một nhiều, tình yêu thương lan tỏa ngày một rộng hơn.

“Giải băng đỏ”, “Góp một bàn tay”, “Hạt gạo chia đôi”,… là những chương trình anh Phong tổ chức được diễn ra định kỳ hằng năm nhằm một phần giúp bệnh nhân HIV có điều kiện điều trị và tinh thần lạc quan nhất để chống chọi và chiến đấu với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

10 năm đồng hành cùng bệnh nhân HIV/AIDS, anh Phong chẳng mảy may quan tâm đến cuộc sống của bản thân. Điều anh vẫn luôn đau đáu chính là tìm cách để cộng đồng có cái nhìn đồng cảm hơn đối với cộng đồng nhiễm HIV, để mong một cuộc sống tốt đẹp nhất đến với họ.

Mô hình Phòng khám Nhà Mình là mô hình dịch vụ tư nhân tiêu biểu đã hỗ trợ, giúp cho rất nhiều người nhiễm HIV cải thiện sức khỏe, vượt qua số phận. Bên cạnh việc điều trị bệnh tại các cơ sở y tế, nhiều người nhiễm HIV/AIDS vì lo ngại lộ danh tính đã lựa chọn mô hình dịch vụ tư nhân để tiếp cận xét nghiệm và điều trị.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, thời gian qua, tỉ lệ người nhiễm HIV sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV của khu vực tư nhân gia tăng. Ngoài lý do thủ tục đơn giản, dễ tiếp cận thì dịch vụ tư nhân cũng được người nhiễm HIV lựa chọn do yên tâm hơn về tính bảo mật thông tin cá nhân.

Theo Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, chủ trương chung của ngành y tế là muốn tăng cường hơn nữa sự tham gia của tư nhân trong phòng, chống AIDS, do đó các chủ trương chính sách được ban hành. Cùng đó là phối hợp với các đối tác để ban hành các hướng dẫn chuyên môn. Thông qua đó, các cơ sở tư nhân có thể dựa vào các hướng dẫn chuyên môn đó để triển khai.

Thời gian qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã nỗ lực tăng cường năng lực của khu vực tư nhân thông qua tập huấn và công tác hướng dẫn, giám sát kiểm tra để tăng cường huấn luyện; cung cấp những điều kiện cần thiết ví dụ như thuốc hoặc sinh phẩm, vật dụng để phối hợp với tư nhân cùng cung cấp các loại dịch vụ.

Cho đến nay các doanh nghiệp tư nhân tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS có khoảng chục cơ sở. Ưu điểm khi khu vực tư nhân tham gia thì có một số cái lợi thế như dễ tiếp cận trong đó có vấn đề liên quan đến địa lý ví dụ như gần dân, gần người bệnh; tính thông tin bảo mật yên tâm hơn hoặc là không bị lộ thông tin ra ngoài; quy trình thủ tục cũng rất đơn giản; các tổ chức tư nhân rất là linh hoạt và năng động thế là xuất hiện nhiều mô hình mới.
Top