Bắc Kạn: Tăng cường truyền thông phòng, chống mua bán người vì mục đích cưỡng bức tình dục

19/02/2020 14:21

Đó một trong những nội dung trong Kế hoạch “Truyền thông phòng, chống mua bán người” đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Cụ thể, theo Kế hoạch, các lực lượng chức năng, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó khi gặp nguy cơ và tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người. Gắn công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân về phòng, chống tội phạm với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác.

Phấn đấu năm 2020 đạt 100% số xã, phường, thị trấn nhận và triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật, tài liệu truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống mua bán người; ít nhất 30%  số xã thuộc địa bàn trọng điểm (địa bàn có vụ việc xảy ra, có nạn nhân bị mua bán trở về, địa bàn có nhiều nguy cơ nảy sinh vụ việc) có mô hình chuyên sâu về phòng ngừa mua bán người; 100% người dân trên địa bàn tỉnh đặc biệt là phụ nữ, trẻ em nhóm tuổi từ 14-16 được tiếp cận các thông tin có kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, kỹ năng xử lý tình huống liên quan đến mua, bán người.

Để đạt được điều này, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năn phối hợp xây dựng các tiểu phẩm, ký sự, phóng sự, bài viết đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, tạp chí in, báo điện tử, báo nói, báo hình, trang thông tin điện tử...), tập trung các tình huống trong thực tế đã xảy ra để người dân có thể nhận biết các dấu hiệu của tội phạm thực hiện việc lừa gạt, dụ dỗ để mua bán người, nhất là cách thức giải quyết, ứng phó giúp cho người dân nâng cao cảnh giác và tự bảo vệ mình, qua đó để cảnh giác, phòng tránh và thông báo cho cơ quan chức năng.

Giới thiệu những kinh nghiệm hay trong việc tham gia trong công tác phòng, chống mua bán người thông qua các phương tiện truyền thông, các hình thức văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phù hợp, kết hợp tuyên truyền gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Tăng cường truyền thông về các nội dung liên quan đến mua bán người vì mục đích cưỡng bức tình dục, cưỡng bức lao động, môi giới hôn nhân trái phép, đưa lao động qua biên giới trái phép và mua, bán nội tạng.

Phối hợp tuyên truyền về đường dây nóng 18001567 tư vấn và hỗ trợ phòng, chống mua bán người của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các đường dây nóng khác để hỗ trợ tư vấn cho người dân cộng đồng. Phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” và “Ngày quốc tế phòng, chống mua bán người”.

Các hình thức tuyên truyền thông qua tác phẩm báo chí, phát thanh, truyền hình; tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội thi… trong các tổ chức, đoàn thể, trường học; tổ chức tập huấn những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản mới trong phòng, chống mua bán người; bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức truyền thông về phòng, chống mua bán người; các vụ xét xử lưu động. Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng tham gia nắm tình hình liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người ở thôn, bản (đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước)...

Top