Cần quy định biện pháp quản lý, xử lý đối với người nghiện ma tuý dưới 18 tuổi

10/02/2020 17:50

Hiện nay, tình trạng người nghiện các chất ma túy có độ tuổi dưới 18 ngày càng gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng cần quy định biện pháp quản lý, xử lý đối với người nghiện ma tuý dưới 18 tuổi.

 Ảnh minh hoạ

Theo Bộ Tư pháp, các nghiên cứu khoa học và tham khảo kinh nghiệm của một số nước về vấn đề người nghiện ma túy cho thấy cách tiếp cận của họ khác Việt Nam. Các nhà khoa học quan niệm rằng, nghiện ma túy là hiện tượng bệnh lý và chưa có thuốc đặc trị hiệu quả.

Để cai nghiện ma túy thành công phải có sự hỗ trợ lâu dài kiên trì từ phía gia đình, cộng đồng cũng như toàn thể xã hội đối với người nghiện thông qua việc dạy nghề, tạo việc làm, thực hiện các liệu pháp tâm lý, thường xuyên quan tâm, động viên người nghiện xóa bỏ mặc cảm, vượt qua cám dỗ để làm lại cuộc đời.

Mặt khác, quy định của Công ước về phòng, chống ma túy mà nước ta là thành viên (gồm Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961; Công ước về chất hướng thần năm 1971; Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần năm 1988) không yêu cầu các quốc gia thành viên phải hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Do đó, trong lần sửa đổi, bổ sung năm 2009, Quốc hội đã phi hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong Bộ luật hình sự và thay vào đó là áp dụng các biện pháp cai nghiện để giúp người nghiện thực hiện việc cai nghiện đối với họ.

Hiện nay, các vấn đề liên quan đến người nghiện ma túy được điều chỉnh tại các Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008). Trong đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính không có quy định về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy chưa đủ 18 tuổi. Do vậy, việc xử lý đối tượng này được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, cụ thể: Khoản 1 Điều 29 của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định, “người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ”.

Bên cạnh đó, cần lưu ý, theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy, thì việc cai nghiện ma túy cho người chưa thành niên trong trường hợp này không bị coi là áp dụng chế tài hành chính (biện pháp xử lý hành chính).

Hiện tại, Bộ Công an đang hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để gửi Bộ Tư pháp bổ sung vào Đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để Chính phủ xem xét, quyết định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có nhiệm vụ rà soát, đánh giá, hoàn thiện các chính sách quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; xây dựng quy định về phòng, chống ma túy đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật (trong đó dự kiến sẽ sửa đổi một số quy định của Luật phòng, chống ma túy chưa bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Top