Gia Lai: Mỗi năm tăng từ 10-30% số vụ ma túy

08/11/2019 17:20

Tuy không phải là điểm nóng về ma túy và tệ nạn ma túy như một số tỉnh, thành khác trong toàn quốc, nhưng tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp. Các số vụ phát hiện, bắt giữ có chiều hướng gia tăng, trung bình mỗi năm tăng từ 10-30% số vụ.

Đoàn công tác làm việc tại UBND tỉnh Gia Lai

Sáng 8/11, Đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) do ông Đoàn Hữu Bẩy, Ủy viên Thư ký UBQG, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng Chính phủ làm Trưởng đoàn đã đến làm việc tại UBND tỉnh Gia Lai về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm.

Tiếp đoàn công tác, bà Huỳnh Nữ Thu Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và đại diện lãnh đạo các sở, ngành tại Gia Lai.

Tiềm ẩn nguy cơ là địa bàn trung chuyển

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp; số vụ phát hiện, bắt giữ gia tăng trung bình mỗi năm tăng từ 10%-30% số vụ. Cụ thể, năm 2015 bắt giữ 77 vụ/119 đối tượng; năm 2016, bắt giữ 117 vụ/303 đối tượng; năm 2017: 151 vụ/324 đối tượng; năm 2018 bắt giữ 189 vụ, 386 đối tượng; 9 tháng đầu năm 2019 bắt giữ 193 vụ, 528 đối tượng.

Ma túy được các đối tượng lấy từ các tỉnh phía Bắc, TPHCM, Đắk Lắk, Kon Tum... về Gia Lai tiêu thụ; thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi. Mặc dù chưa phát hiện đường dây vận chuyển, mua bán số lượng lớn từ địa phương khác và ma túy thẩm lậu từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh nhưng tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng chọn Gia Lai là địa bàn trung chuyển, tiêu thụ ma túy, do Bộ Công an đang tập trung đấu tranh quyết liệt vùng biên giới phía Bắc và Bắc miền Trung.

Tính đến ngày 14/6/2019, toàn tỉnh phát hiện 1.059 đối tượng liên quan ma túy (tăng 9 đối tượng so với năm 2015), trong đó có 982 người nghiện, sử dụng ma túy (297 người vừa nghiện, sử dụng ma túy vừa nghi vấn tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy) và 77 đối tượng nghi vấn tàng trữ, mua bán hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Về tình hình dịch HIV, tính đến thời điểm hiện tại, số nhiễm HIV phát hiện mới năm 2019 là 56 người, số người nhiễm HIV lũy tích trong toàn tỉnh là 1.527 người ( trong tỉnh: 1.105 người, ngoại tỉnh: 422 người). Bệnh nhân AIDS phát hiện mới là 07 người, số bệnh nhân AIDS lũy tích trong toàn tỉnh là 493 người ( trong tỉnh: 394 người, ngoại tỉnh: 99 người).

Công tác phòng, chống mại dâm được đặc biệt chú trọng, trên địa bàn toàn tỉnh có 2.052 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm có điều kiện. Trong đó, cơ sở lưu trú khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà cho thuê: 952 cơ sở; nhà hàng Karaoke và cơ sở massage: 245 cơ sở; vũ trường: 05 cơ sở; loại hình kinh doanh khác “nhà hàng ăn uống, quán cà phê, cắt tóc gội đầu thư giãn”: 850 cơ sở. Số cơ sở nghi vấn có liên quan đến tệ nạn mại dâm 04 cơ sở; 12 đối tượng nghi vấn liên quan đến việc chứa mại dâm.

Đầu tư mạnh mẽ các nguồn lực cho công tác cai nghiện

Nhìn chung, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn đều thành lập BCĐ phòng chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS. Một số địa phương cơ sở BCĐ được kiện toàn đến cấp xã để thống nhất chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng chống tệ nạn xã hội nói chung và cai nghiện phục hồi nói riêng. Nhiều nơi có cách làm sáng tạo, năng động, đầu tư mạnh mẽ các nguồn lực cho công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng như: Huyện Chư Sê, thị xã Ayun Pa, thành phố Pleiku,...

Nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm ma túy gắn với thực hiện “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Gia đình không có tệ nạn ma túy và tệ nạn xã hội” và “Xã, phường, cơ quan, đơn vị, trường học không có tệ nạn ma túy”; huy động các cấp, các ngành, đoàn thể, quần chúng nhân dân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng và người cai nghiện xong trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Tăng cường công tác lập hồ sơ quản lý giáo dục đối tượng tại cơ sở và hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc.

Nhận thức của người dân về tác hại của ma túy, mại dâm, HIV/AIDS đã được nâng lên rõ rệt; sự kỳ thị của cộng đồng không còn phổ biến như trước đây. Việc giám sát, theo dõi và đánh giá chương trình phòng chống HIV/AIDS được triển khai kịp thời trên toàn tỉnh. Các hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, hướng dẫn việc thu thập và xử lý số liệu giám sát trọng điểm để báo cáo và phân tích số liệu chính xác, kịp thời.

Đoàn công tác đi thăm khu điều trị cai nghiện ma túy cho nữ tại Cơ sở cai nghiện bắt buộc ở Gia Lai

Mặc dù tỷ lệ tái nghiện còn cao song được nhân dân đồng tình ủng hộ, người nghiện được gần gũi với gia đình. Các hoạt động hỗ trợ giúp đỡ người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng được tăng cường. Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng gắn với quản lý địa bàn, không để tồn tại các tụ điểm mua bán ma túy và hạn chế số người nghiện mới phát sinh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Gia Lai vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác này. Điển hình như địa phương còn gặp nhiều vướng mắc trong việc tổ chức, triển khai luật, nghị quyết; kết quả công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng trong những năm qua nhìn chung chưa được như mong muốn và thiếu sự bền vững, tỷ lệ tái nghiện cao; hoạt động cai nghiện ở nhiều xã phường, thị trấn chủ yếu ra quyết định và tập trung vào cắt cơn giải độc, chưa đánh giá nhu cầu và lập kế hoạch cai nghiện cho từng người, các hoạt động hỗ trợ sau cai nghiện chưa được chú trọng…

Mặt khác, Tổ công tác hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, thiếu phương pháp và cách tiếp cận để tạo sự tham gia của người nghiện trong các hoạt động phục hồi. Quá trình rà soát, thống kê, tập hợp số liệu người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý vô cùng khó khăn, nguyên nhân là do người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, vắng mặt khỏi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nhất là những người nghiện ma túy đi làm ăn ở các tỉnh khác, đi nước ngoài đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý người cai nghiện ma túy.

Cân đối nguồn lực địa phương để đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đã phân tích, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới; công tác điều trị Methadonne, hiệu quả điều trị; công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; các giải pháp ngăn ngừa tình trạng phạm tội và lây nhiễm HIV; định hướng thông tin công tác tuyên truyền phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ…

Đưa ra những kiến nghị để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong thời gian tới, Gia Lai kiến nghị, Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng chống ma túy cho phù hợp nhất quán với luật hành chính, cụ thể tại các điều khoản: Khoản 1 Điều 27 Luật Phòng chống ma túy, Khoản 2 Điều 28 Luật Phòng chống ma túy, Khoản 1 và 2 Điều 29 Luật Phòng chống ma túy, Điều 33 Luật Phòng chống ma túy, Điều l31 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Kiến nghị xem xét, sửa đổi bổ sung Điều 8, Điều 11, Điều 12 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đề nghị sửa đổi là không giao cho gia đình quản lý, xét nhiệm dương tính với ma túy thì lập hồ sơ trong ngày để họp xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên qua đến công tác phòng, chống ma túy để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương ban hành chính sách tổng thể, đầy đủ các nội dung chi cho công tác phòng chống ma tuý đáp ứng yêu cầu: Dễ tuyên truyền, triển khai và dễ kiểm tra, kiểm soát trong triển khai thực hiện, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Bộ Chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma tuý giai đoạn 2018- 2020 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế đặc thù riêng với công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma tuý và mại dâm ở các vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc ít người, miền núi.

Ban hành các thiết chế đủ mạnh, khả thi trong công tác phát hiện, cai nghiện, đặc biệt là công tác quản lý người nghiện, người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng, hạn chế tái nghiện, vi phạm pháp luật.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Đoàn Hữu Bẩy đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Gia Lai đã thực hiện thời gian qua. Đặc biệt, địa phương đã có 2 bệnh nhân hoàn thành chương trình điều trị Methadone. Đây là chương trình thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. 2 bệnh nhân này hiện đã dừng điều trị Methadone, không tái sử dụng ma túy và có sức khỏe, công việc ổn định.

Hiện tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng sử dụng ma túy tổng hợp, nên địa phương cần chủ động, có những ứng phó với ma túy tổng hợp; chủ động, tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm giai đoạn tiếp theo. Trong đó, tập trung dự báo đúng tình hình; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về tác hại của HIV/AIDS, ma túy, mại dâm; tăng cường công tác phối hợp liên ngành; cân đối nguồn lực địa phương để đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tốt người nghiện để không để tình trạng học viên phá cơ sở, bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện. Đồng thời, rà soát, mở rộng thêm cơ sở điều trị Methadone và duy trì điều trị bền vững chương trình này.

Bài, ảnh: Thùy Chi

Top