Hiệu quả công tác cai nghiện tại điểm nóng ma túy Sơn La

05/03/2021 15:13

Công tác cai nghiện ma túy và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng tại Sơn La, mặc dù đã đạt được nhiều thành quả, song cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị của địa phương, mỗi cá nhân, gia đình, dòng tộc và của cả cộng đồng.

Học viên cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sơn La tham gia thi đấu thể thao mừng năm mới

Thời gian qua, với những tác động trực tiếp từ tình hình tội phạm ma túy tại khu vực "Tam giác vàng", đặc biệt là địa bàn vùng biên giới, địa bàn giáp ranh..., tình hình tội phạm  ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với quy mô, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh; hoạt động của các đối tượng bán lẻ ma túy ngày càng tinh vi, đa dạng, nhằm tới mọi nhóm đối tượng. Từ đó, Sơn La là một trong những tỉnh có số người nghiện ma túy cao, có chiều hướng trẻ hóa và gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp. Tính đến tháng 9/2020 toàn tỉnh có trên 8.392 người nghiện có hồ sơ quản lý.

Theo kết quả khảo sát, thống kê đặc điểm tâm, sinh lý đối với 1.602 người nghiện ma túy tại các Cơ sở Điều trị nghiện ma túy (CSĐTNMT) trên địa bàn tỉnh thì người không có nghề nghiệp, không có việc làm ổn định chiếm tới 86%; về trình độ học vấn dưới trung học phổ thông chiếm 78,5%.

Qua kết quả khảo sát cũng cho thấy, số người sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng chiếm 37,8% (cùng kỳ năm 2018: 34%), sử dụng Heroin: 60,2% và có 2% sử dụng thuộc phiện; về hình thức sử dụng, chủ yếu là Hít: 80,96%, Tiêm chích: 18,23%; hút và khác là 0,81%.

Về số lần cai nghiện: Cai nghiện lần 1: 36%, cai lần 2: 54,96%, trên 3 lần: 9,04%. Trong đó, cá biệt có 01 trường hợp đã cai đến lần thứ 10 và có trường hợp cao tuổi nhất sinh năm 1947.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện các quy định, các chính sách của Đảng, Chính phủ, của tỉnh Sơn La về cai nghiện ma túy và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy. Triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về hiểm họa và tác hại việc sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp (ATS) đối với thế hệ trẻ; về trách nhiệm, vai trò của cá nhân, gia đình, dòng tộc, cộng đồng, trách nhiệm của tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại cơ sở trong công tác cai nghiện và hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy. Đảm bảo 100% người nghiện ma túy được phát hiện được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ điều trị, cai nghiện. Sở LĐTB&XH đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác nắm bắt tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn; chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy lựa chọn hình thức điều trị, cai nghiện phù hợp và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy.

Tính từ 2016 đến tháng 11/2020, toàn tỉnh đã thực hiện điều trị, cai nghiện ma túy cho 10.109 lượt người nghiện.

Xác định nghiện ma túy là bệnh mãn tính, điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài, vì vậy sự hỗ trợ có tính thường xuyên về tâm lý, xã hội, về sinh kế của gia đình, dòng tộc, của cộng đồng đối với người nghiện có vai trò hết sức quan trọng. Sở Lao động – TBXH đã phối hợp với UBND huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã thường xuyên rà soát kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của "Tổ công tác cai nghiện ma túy của xã" và các "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng" trong tư vấn, hỗ trợ người sử dụng ma túy tránh xa ma túy, giúp ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Trong giai đoạn 2016-2020, đã thực hiện quản lý sau cai đối với 3.297 người đã chấp hành xong quyết định cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy theo quy định. Các xã, phường, thị trấn đã thực hiện việc lập "Sổ theo dõi, đánh giá quá trình sau cai nghiện"; phân công tổ chức, cá nhân giúp đỡ, hướng dẫn người sau cai nghiện cách ly môi trường ma túy; thực hiện việc kiểm tra, xét nghiệm các chất ma túy và tổ chức kiểm điểm, đánh giá quá trình phấn đấu, rèn luyện đối với người sau cai nghiện ma túy, làm cơ sở để thanh loại ra khỏi danh sách người nghiện ma túy trên địa bàn hoặc có biện pháp giải quyết kịp thời đối với các trường hợp có biểu hiện tái sử dụng chất ma túy theo quy định.

Công tác tổ chức giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy là một nội dung luôn được chú trọng. Tại các Cơ sở Điều trị nghiện ma túy, từ năm 2016 đến tháng 9 năm 2020 đã có 350 học viên được dạy nghề và cấp chứng chỉ Sơ cấp nghề, với các nghề: Kỹ thuật Phòng và điều trị bệnh cho gia cầm; gò hàn và sửa chữa máy nông nghiệp; kỹ thuật trồng rau an toàn, từ nguồn kinh phí thực hiện Dự án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định số 1956/2011/QĐ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, trong suốt quá trình điều trị, cai nghiện tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy, các học viên được tham gia lao động trị liệu kết hợp với được hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, truyền thụ kinh nghiệm thực tế trong lao động sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, mây tre đan, khâu bóng da, nghề xây, nghề mộc... giúp cho mỗi học viên nắm bắt được kỹ thuật, hình thành kỹ năng tự tổ chức tăng gia sản xuất, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình.

Người nghiện ma túy đang tham gia quy trình quản lý, giáo dục, cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng, người sau cai nghiện ma túy trong thời gian thực hiện quy trình quản lý sau cai tại nơi cư trú, được UBND cấp xã chỉ đạo Tổ công tác cai nghiện của xã phân công thành viên phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể của xã và gia đình, họ tộc động viên, hướng dẫn tham gia lao động sản xuất cùng gia đình, tham gia các buổi sinh hoạt của cộng đồng,... được quan tâm tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các lớp dạy nghề được mở tại địa phương, được tiếp cận với các thông tin về giới thiệu việc làm... 

Họ cũng được tiếp cận với chính sách tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả đến thời điểm 31/12/2019, đã triển khai cho vay vốn đối với 32 hộ gia đình và cá nhân người sau cai nghiện ma túy, với số vốn giải ngân là 870 triệu đồng (năm 2016 cho vay 31 hộ gia đình và cá nhân, số tiền 740 triệu đồng; năm 2017 cho vay 01 hộ gia đình, số tiền 30 triệu đồng). Đến thời điểm 31/12/2019 đã thu hồi vốn vay 725 triệu đồng, số dư nợ tại các hộ gia đình và cá nhân là 145 triệu đồng.

Thời gian tới, Sơn La chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma túy và tác hại, hậu quả của tệ nạn ma túy đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số với các hình thức, nội dung phù hợp với đặc điểm tâm lý, xã hội của đồng bào. Tập trung vào những đối tượng và những vùng có nguy cơ cao liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma túy. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác, phát giác tội phạm, người nghiện ma túy.

Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy. Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu và của từng cán bộ, đảng viên đối với công tác phòng, chống ma túy trong đó có công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý sau cai theo hướng cung cấp dịch vụ cho người có nhu cầu. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các mô hình, các hình thức cai nghiện phục hồi gắn với dạy nghề, tạo việc làm, giảm tái nghiện và hòa nhập cộng đồng sau cai...

 


 

 

 

 

 

Top