Hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm ma túy: Cấp thiết, thời sự và đặc biệt quan trọng

10/09/2019 11:52

Chiều nay (10/9), Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia sẽ chính thức khai mạc. * 10 nước sẽ dự Hội nghị cấp Bộ trưởng về chống tội phạm ma tuý xuyên quốc gia

 Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước ASEAN về phòng chống ma tuý do Việt Nam đăng cai tổ chức năm 2018. Ảnh: H.Anh

Hội nghị do Việt Nam đăng cai tổ chức sẽ bao gồm các phiên họp nhóm, song phương và phiên họp toàn thể với sự tham dự của hơn 200 đại biểu, trong đó gần 100 đại biểu nước ngoài. Trong đó, gồm 10 nước/đối tác là Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines, Trung Quốc; Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Cơ quan phòng, chống ma túy Hoa Kỳ (DEA), Cảnh sát Liên bang Australia (AFP).

Trước khi diễn ra khai mạc Hội nghị, các Đoàn đại biểu các nước sẽ họp nhóm đồng thời theo tuyến: Việt Nam - Thái Lan - Lào - Myanmar; Việt Nam - Philippines - DEA - AFP - UNODC; Việt Nam - Trung Quốc - Lào; Việt Nam - Thái Lan - Campuchia.

Dự kiến, Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình sẽ có bài phát biểu khai mạc Hội nghị; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị. Sau đó là phiên họp toàn thể với báo cáo tổng quan về tình hình tội phạm ma túy xuyên quốc gia trên thế giới và khu vực; phát biểu của Trưởng đoàn cấp Bộ trưởng các nước…

Trước khi kết thúc Hội nghị, dưới sự chủ trì của Việt Nam, các bên dự kiến cùng thông qua Tuyên bố chung, trong đó khẳng định cam kết chung trong chia sẻ nhận thức cấp cao về tính cấp thiết của việc tăng cường hợp tác và phối hợp tác chiến trong đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy ở trong và ngoài khu vực.

Trong hơn 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán về chính sách, tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp giảm cung, giảm cầu kết hợp với giảm tác hại do ma túy gây ra.

Việt Nam đã rà soát, đánh giá việc thi hành và sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 nhằm củng cố cơ sở pháp lý trong nước phù hợp với diễn biến tội phạm ma túy trong tình hình mới; đề ra các chính sách vĩ mô như: Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy với mục tiêu dài hạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đầu tư có trọng điểm các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy của Chính phủ; đã tổ chức cai nghiện bằng các hình thức cho hơn 50 nghìn lượt người mỗi năm kết hợp với điều trị thay thế bằng Methadone; phá nhổ cơ bản diện tích gieo trồng và chống tái trồng cây thuốc phiện.

Hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ngày càng được nâng lên. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng của Việt Nam đã điều tra, triệt phá gần 12 nghìn vụ án liên quan đến hoạt động mua bán, sản xuất và vận chuyển ma túy, thu giữ hàng tấn ma túy tổng hợp, bóc gỡ nhiều đường dây tội phạm ma túy có tổ chức xuyên quốc gia, bắt giữ nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu người nước ngoài.

Việt Nam luôn tích cực, chủ động tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy với các nước ký kết Hiệp định hợp tác, các nước có chung đường biên giới, các tổ chức quốc tế, khu vực và các nước đối tác tài trợ như Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC), Cơ quan phòng, chống ma túy của Hoa Kỳ (DEA), Cảnh sát Liên bang Úc (AFP), các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines, Myanma... Qua đó góp phần tăng cường sự gắn kết, thúc đẩy hiệu quả thực thi pháp luật, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phòng, chống ma túy ở trong nước.

Trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp diễn ra “Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia”, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đang là một đòi hỏi mang tính cấp thiết, thời sự và đặc biệt quan trọng.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm. Việc mua bán, vận chuyển ma túy đã mang lại siêu lợi nhuận, khiến các tổ chức tội phạm không từ bỏ mọi thủ đoạn, phương thức tinh vi, sẵn sàng chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ.

Thế giới đang chứng kiến sự gia tăng các chất hướng thần mới. Trong đó, ma túy tổng hợp, đặc biệt dạng đá đã thay thế các loại ma túy truyền thống. Tại Việt Nam, với chính sách mở cửa, thông thương tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng các tổ chức tội phạm quốc tế đã lợi dụng chính sách này để vận chuyển ma túy đến nước thứ ba. Tội phạm ma túy hình thành các băng nhóm có tổ chức, xuyên quốc gia, có sự móc nối giữa đối tượng bản địa và quốc tế; thường núp bóng doanh nghiệp để vận chuyển ma túy.

Tội phạm ma túy đã và đang là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của cộng đồng quốc tế. Không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết nếu không có sự hợp tác với các nước khác. Vì vậy, hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đang là một đòi hỏi mang tính cấp thiết, thời sự và đặc biệt quan trọng.

Đứng trước những thách thức mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, Đảng, Nhà nước và Bộ Công an Việt Nam thường xuyên quan tâm chỉ đạo đấu tranh quyết liệt và luôn coi trọng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Trong đó đã mở rộng quan hệ hợp tác song phương, đa phương về phòng, chống ma túy với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, các nước ASEAN, các quốc gia có chung đường biên giới, các Cơ quan phòng, chống ma túy của Liên Hợp Quốc.

Đặc biệt đã tăng cường hợp tác theo chiều sâu, trên cơ sở những thông tin chia sẻ của các nước đối tác, các nước có chung đường biên giới, Bộ Công an Việt Nam đã tiến hành phối hợp, triệt phá thu giữ hàng tấn ma túy tổng hợp, phần lớn trong số đó được xác định sẽ tiếp tục chuyển ra nước ngoài; bắt giữ hàng chục đối tượng chủ mưu, cầm đầu các băng nhóm tội phạm ma túy lớn. Điều này, đã khẳng định được vai trò quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm ma túy trong khu vực và trên thế giới hiện nay.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đấu tranh, ngăn chặn hiểm họa về ma túy là cuộc đấu tranh lâu dài, cam go và phức tạp. Để làm tốt được điều này, đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của các quốc gia, cả hệ thống chính trị, mà nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân.

Bộ Công an Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức “Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia”, nhằm phát huy vai trò Chủ tịch đương nhiệm ASEAN của Việt Nam trong công tác phòng, chống ma túy, đồng thời kêu gọi các nước chung tay cùng Việt Nam đối phó với hiểm họa ma túy. Hội nghị cấp Bộ trưởng lần này sẽ là những cơ hội góp phần thúc đẩy, tăng cường sự hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy hiện nay.

Top