Lâm Đồng đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện ma tuý: Khó khăn và giải pháp

09/07/2019 09:49

Tính đến ngày 31/5/2019, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 949 người nghiện ma tuý và 1.107 người nghi nghiện, 95 đối tượng có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” tiềm ẩn nhiều bất ổn về an ninh trật tư (ANTT) trên địa bàn. Trước tình hình đó, ngoài việc đẩy mạnh đấu tranh, thì việc vận động người nghiện tham gia cai nghiện là một trong các nhiệm vụ quan trọng để kiềm chế, làm giảm tệ nạn ma tuý trên địa bàn. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác này ở Lâm Đồng thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Lâm Đồng học nghề may- Ảnh: Kim Long

Việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện, hiện do lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma tuý lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (XLHC) đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (CNBB) đối với người có nơi cư trú ổn định trong tỉnh hoặc người tỉnh ngoài đến có đăng ký thường trú trên địa bàn nhưng sống nay đây mai đó.

Với người nghiện thường trú ở các tỉnh xa nhưng sống lang thang trong tỉnh thì chưa thực hiện được, do việc xác định tình trạng cư trú, lai lịch nhân thân mất nhiều thời gian dẫn đến không đảm bảo về thời hạn hồ sơ. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng lối sống sa đoạ, không ít trường hợp dưới 18 tuổi mắc nghiện ma tuý. Tuy nhiên, số này lại không được pháp luật quy định để áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở CNBB.

Quan hệ phối hợp giữa các ban ngành cơ bản thuận lợi, có sự thống nhất cao. Tuy nhiên từ khi lập hồ sơ đến lúc có quyết định của toà án đưa đi CNBB phải trải qua nhiều giai đoạn, gây khó cho việc quản lý. Nếu đối tượng tự ý bỏ trốn, phải mất nhiều công sức tìm kiếm về để đưa đi cai theo phán quyết.

Cơ quan công an tiến hành thu thập tài liệu về người nghiện hiện được thực hiện theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP, ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định biện pháp XLHC đưa vào cơ sở CNBB, Nghị định 136/2016/NĐ-CP ngày 9/9/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 221, Nghị định 97/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/8/2017, Thông tư 05/2018/TT-BCA ngày 7/2/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở CNBB. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự thống nhất trong việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ liên quan đến nhân thân người nghiện giữa Nghị định 136, Thông tư 05 và Pháp lệnh số 9/2014, ngày 20/1/2014 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 13.

Theo đó, khi hồ sơ được các cơ quan chức năng thẩm định tính pháp lý đầy đủ mới chuyển qua toà án nhân dân cấp huyện để đề nghị ra quyết định. Trong trường hợp, toà trả lại hồ sơ, yêu cầu bổ sung thêm danh chỉ bản, trích lục tiền án, tiền sự, các tài liệu chứng minh đã từng bị XLHC về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý trước đó, mặc dù các thông tư, nghị định trên không yêu cầu. Việc này mất nhiều thời gian, khi đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu của toà thì thời hiệu đưa đi CNBB đã hết.

Về thẩm quyền lập hồ sơ, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền lập hồ sơ là UBND cấp xã, công an cấp xã chỉ tham mưu cho chính quyền. Nhưng trong Nghị định 221/2013/NĐ-CP, thẩm quyền thuộc về cơ quan công an. Thực tế tại nhiều nơi trong tỉnh, việc triệu tập người để test thử ma tuý, lập hồ sơ ban đầu đều do lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma tuý cấp huyện làm. Đến giai đoạn làm thủ tục thẩm định hồ sơ mới chuyển công an cấp xã. Công an xã do thiếu kinh nghiệm, công cụ hỗ trợ, không đủ sức trấn áp nên đối tượng sẽ lợi dụng bỏ trốn. Với người nghiện lẩn trốn, chống đối khiến công an phải bắt giữ, dẫn họ đến trụ sở phục vụ việc lập và hoàn thiện hồ sơ.

Việc xác định nơi cư trú cũng gặp khó khăn, do họ thường trú ở một xã nhưng đến xã khác nghiện ma tuý dẫn đến tranh cãi không cần thiết. Đơn cử như ỏ TP. Đà Lạt, người vi phạm từ nơi khác đến sử dụng ma tuý bị bắt giữ song chưa thể bàn giao người và biên bản vi phạm cho công an cấp xã nơi người đó cư trú trong thời gian chờ áp dụng biện pháp đưa đi CNBB. Nếu người vi phạm là du khách nước ngoài hay ở các tỉnh xa thì rất mất thời gian để xác minh, bàn giao.

Với người không có nơi cư trú ổn định, nếu tạm gửi vào cơ sở cai nghiện ma tuý của tỉnh trong thời gian chờ lập hồ sơ chưa có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền của UBND cấp xã. Còn giao cho gia đình quản lý, đối tượng sẽ lợi dụng bỏ trốn gây khó khăn cho việc tìm kiếm. 

Ở địa phương, việc xác minh tình trạng nghiện do các trung tâm y tế cấp huyện tiến hành theo Thông tư số 17/2015/TTLB-BYT-BLĐTBH-BCA, ngày 9/7/2015 của liên Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an. Tuy nhiên, việc dựa trên kết quả xét nhiệm nước tiểu và trả lời tiêu chí xác định tình trạng nghiện chỉ xác định họ nghiện các loại ma tuý truyền thống như thuốc phiện, heroin. Còn đối với người nghiện ma tuý dạng amphetamine, nếu dựa vào biểu hiện nhất thời sẽ không phát hiện ra. Còn giữ lại để theo dõi lâu hơn để có kết quả chính xác thì chưa có cơ chế trong việc quản lý, tạm giữ họ. Phòng y tế cấp huyện hiện chưa bố trí đủ số y, bác sỹ có đủ chuyên môn về công tác ở các trạm y tế tuyến xã, cùng với trang bị vật chất nhiều nơi không đáp ứng được yêu cầu của việc xác định tình trạng nghiện theo Điều 10, Nghị định 221.

Để đẩy mạnh công tác cai nghiện trên địa bàn, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma tuý đã quán triệt chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng chủ động quản lý, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý đối tượng nghiện ma tuý có hành vi phạm tội. Phối hợp với chính quyền địa phương quản lý, giáo dục, vận động người nghiện, nghi nghiện ra trình báo và tham gia các hình thức điều trị phù hợp tại cộng đồng. Lực lượng công an cơ sở bám địa bàn để rà soát, lên danh sách đối tượng nghi vấn để có biện pháp ngăn chặn, bóc gỡ các đường dây đưa ma tuý từ ngoài vào địa bàn. Tăng cường quản lý cư trú, hoạt động kinh doanh karaoke, quán bar, nhà nghỉ, khách sạn… không để đối tượng lợi dụng để mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý.

Các cấp, các ngành trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ma tuý, dấu hiệu nhận biết người nghiện để người dân nâng cao nhận thức, biết cách phòng tránh đồng thời cung cấp tin báo về tình hình tội phạm, tệ nạn ma tuý ở khu dân cư làm cơ sở để đấu tranh, bóc gỡ.

Các cấp, các ngành trong tỉnh đề xuất Chính phủ, Quốc hội và các bộ liên quan tiến hành sửa đổi, bổ sung luật theo hướng thống nhất cơ quan nào có thẩm quyền lập hồ sơ, kéo dài thời hạn hoàn thiện hồ sơ. Việc dẫn giải người bị đề nghị đến nơi lập hồ sơ trong trường hợp họ bỏ trốn cần được quan tâm theo hướng giao cho công an xã nơi họ cư trú đảm trách. Với người nghiện dưới 18 tuổi, nên có quy định giao cho các trường giáo dưỡng của ngành công an quản lý, giáo dục, điều trị cắt cơn, dạy nghề…

Sửa đổi quy trình xác định tình trạng nghiện phù hợp với tình hình địa phương theo hướng giao cho cơ sở cai nghiện ma tuý cấp tỉnh xác minh tình trạng nghiện, loại chất ma tuý trong thời gian lập hồ sơ chờ toà án ra phán quyết. Cũng trong thời gian này cần giao cơ sở cai nghiện của tỉnh bố trí nơi tạm giữ đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người nghiện đang chờ xét nghiệm chất ma tuý, người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ toà ra phán quyết .

Làm tốt công tác quản lý, giáo dục gắn với hỗ trợ người sau cai phát triển kinh tế, vươn lên tái hoà nhập cộng đồng để không tái nghiện từ đó làm giảm tệ nạn ma tuý trong cộng đồng.

Top