Mô hình hỗ trợ giúp đỡ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng

19/10/2020 16:05

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xây dựng nhiều mô hình tại cộng đồng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm trong phòng, chống HIV/AIDS và tái hòa nhập cộng đồng.

Tập huấn Mô hình hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Ảnh internet

Mô hình đầu tiên phải kể đến là mô hình thí điểm can thiệp giảm tác hại cho người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí trên địa bàn thành phố Vũng Tàu. Qua đó, phối hợp với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh và các cơ quan liên quan tại thành phố Vũng Tàu tổ chức 05 lớp hội nghị, tuyên truyền phòng, chống mại dâm, các quy định của Pháp luật về lao động, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm; các kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho gần 500 người là chủ cơ sở, nhân viên và các ban, ngành, đoàn thể tham dự. 

Tiếp đó là Mô hình cơ sở hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng. Với mô hình này, tỉnh tiếp tục duy trì và triển khai tại huyện Tân Thành, Long Điền, mỗi địa phương 1 mô hình với 10 người là người bán dâm hoàn lương, thành viên các nhóm đồng đẳng tự nguyện tham gia. Tại mỗi địa phương tổ chức duy trì sinh hoạt nhóm định kỳ hàng tháng với 20 người/đợt/nhóm. Hoạt động của mô hình tập trung tuyên truyền, tư vấn phòng, chống mại dâm và phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp phòng tránh; vận động và kết nối chủ và nhân viên các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí với các cơ sở khám chữa bệnh.

Năm 2019, 2020 tỉnh triển khai mô hình thí điểm hỗ trợ người bán dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Cụ thể, hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới. Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội tại thị xã Phú Mỹ với sự tham gia của nhóm đồng đẳng Câu lạc bộ Bình Đẳng Giới (8 thành viên: 3 lãnh đạo nhóm, 5 tiếp cận viên).

Bên cạnh đó, duy trì hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm tại TP.Vũng Tàu với sự tham gia của nhóm đồng đẳng Câu lạc bộ Chúng tôi là phụ nữ. Hằng năm, tổ chức 4 cuộc hội thảo với các cơ quan chức năng, đơn vị cung cấp dịch vụ tạo sự đồng thuận, phối hợp triển khai; 10 cuộc tập huấn bồi dưỡng năng lực về tổ chức các hoạt động truyền thông và kỹ năng kết nối dịch vụ; 26 cuộc tuyên truyền cho chủ và lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Định kỳ hằng tháng tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm cho 10 lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhằm tư vấn, tuyên truyền phòng, chống mại dâm, HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục… qua đó đã tiếp cận khoảng 600 lượt người bán dâm, tư vấn chuyển gửi 200 lượt người bán dâm đến các dịch vụ khám chữa bệnh. Cấp phát 1.830 bộ tài liệu, văn phòng phẩm, sổ tay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng mô hình phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng cũng gặp phải một số khó khăn nhất định như: Kinh phí dành cho công tác tiếp cận, tư vấn, truyền thông cho các tiếp viên, người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm còn hạn chế. Mô hình chỉ mới triển khai thí điểm tại một số địa phương, chưa có điều kiện để nhân rộng trong tỉnh. Người bán dâm còn tự kỳ thị, mặc cảm nên không tự tin tìm đến các dịch vụ để được hỗ trợ. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các hoạt động của mô hình chưa triển khai đồng bộ, nhiều thời điểm phải ngưng hoạt động.

 

Top