Mở rộng dự án chăm sóc đúng bệnh lao tại các cơ sở y tế tư nhân

14/02/2020 13:56

Mới đây, Chương trình Chống lao quốc gia (CTCLQG) đã tổ chức Hội nghị Đồng thuận cấp Quốc gia mở rộng dự án chăm sóc đúng tại các cơ sở y tế tư nhân tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh Nhật Thy

Dự án “Chăm sóc đúng bệnh lao” do Tổ chức FIT của Đức tài trợ. Đây là dự án hướng đến tầm soát, tìm kiếm bệnh nhân lao trong các đối tượng nguy cơ và người có triệu chứng nghi lao trong cộng đồng, phát hiện sớm người bị bệnh lao đưa vào điều trị  đúng theo quy chuẩn của chương trình chống lao quốc gia; đồng thời tư vấn chăm sóc bệnh nhân lao trong suốt quá trình điều trị bệnh lao, giúp bệnh nhân lao an tâm, tuân thủ điều trị, tránh thất bại điều trị và giảm thiểu bệnh nhân lao kháng thuốc trong cộng đồng.

Hội nghị Đồng thuận cấp Quốc gia mở rộng dự án chăm sóc đúng tại các cơ sở y tế tư nhân (PCPS) tại Việt Nam tập trung vào mục tiêu tối ưu hoá sự phối hợp giữa các cơ sở y tế trong công tác phòng, chống lao, bao gồm: Mở rộng việc tiếp cận chuyển gửi bệnh nhân/ người nghi lao thông qua các cơ sở y tế công - công, công - tư; Tạo điều kiện cho việc thông báo các ca điều trị lao từ cơ sở y tế tư nhân; Xây dựng bằng chứng cho việc đánh giá cuộc đối thoại chính sách về mô hình phối hợp công - tư.

Hội nghị đã thông qua khung hành động để đưa ra từng bước triển khai kế hoạch dự án. Cuối dự án, CTCLQG sẽ tổng kết các hoạt động trong khuôn khổ dự án với các đối tác tham gia nhằm chia sẻ các bài học kinh nghiệm; báo cáo kết quả hoạt động, đưa ra các khuyến nghị cải thiện cơ chế phối hợp và triển khai dự án trong tương lai và đề xuất kế hoạch hoạt động cho giai đọan tiếp theo.

Tại Hội nghị, CTCLQG đã ký kết hợp đồng trách nhiệm với BV Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh, BV Phổi Hà Nội, BV Phổi Hải Phòng và tổ chức FIT để phối hợp triển khai dự án theo kế hoạch đề ra.

Theo CTCLQG, mặc dù đã cắt giảm được 50% số mắc và số chết do lao so với năm 2000 nhưng Việt Nam vẫn còn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có số bệnh nhân Lao cao nhất thế giới và xếp thứ 11/ 30 nước có bệnh nhân Lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.

Việt Nam đã áp dụng hiệu quả hầu hết các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, là một trong 9 quốc gia đi đầu và đã đạt được mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015. Hàng năm chúng ta phát hiện và điều trị cho hơn 100 ngàn người mắc lao và khoảng 3000 người mắc lao đa kháng hoặc siêu kháng, đã giảm được 5-6 % số mắc và chết do lao, cao hơn nhiều so với con số trên thế giới...

Top