Mua dâm trẻ vị thành niên: Góc nhìn truyền thông báo chí

13/02/2020 16:54

Gần đây, vụ án đường dây học sinh trung học bán trinh ở Ba Vì (Hà Nội) nhận được sự chú ý từ phía báo chí và truyền thông. Rất nhiều các bài báo liên tục đưa tin, thậm chí có nhiều bài báo còn đăng những thông tin rất chi tiết và cụ thể (về trường lớp, tỉnh thành) của những học sinh này lên mặt báo cho cộng đồng theo dõi.

Trong khi đó, những bài báo bài viết phỏng vấn đòi trừng trị thủ phạm lại không có nhiều báo đưa lên. Số lượng bài đăng bảo vệ quyền trẻ em mang tính đơn lẻ trên mạng xã hội chưa đủ để tạo ra một làn sóng bảo vệ mang tính răn đe.

Theo luật Báo chí (2016) và Luật trẻ em (2016), trực tiếp để lộ những thông tin bí mật đời tư của các em và thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em là vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, các nhà báo cần nhận thức rõ hơn về giới hạn và trách nhiệm của mình nhằm bảo vệ nhóm yếu thế.

Tại Tọa đàm “Mua dâm trẻ vị thành niên –Góc nhìn truyền thông báo chí" tổ chức do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức, bà Nguyễn Vân Anh, chuyên gia giới, Giám đốc Trung tâm CSAGA cho biết, mua dâm trẻ em không phải là một vấn đề mới trong một xã hội vẫn còn quá coi trọng chữ trinh, trong một xã hội người ta vẫn còn quan niệm về giải đen, khi báo chí truyền thông vẫn gọi lần đầu quan hệ tình dục là mất một đời con gái. Điều này khiến các nạn nhân tự ti hơn rất nhiều. Truyền thông không đổ lỗi cho nạn nhân nhưng cách truyền thông miêu tả nạn nhân, miêu tả tội phạm, tạo nên trong suy nghĩ người đọc quan niệm đổ lỗi cho nạn nhân.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA. Ảnh Nhật Thy

“Tôi rất nhớ vụ án lâu lắm rồi khi một quan chức mua dâm trẻ vị thành niên, tờ báo khi đó miêu tả em đi đôi giầy đỏ, áo sặc sỡ, em lớn hơn tuổi 13 của mình (chứng tỏ em cũng không phải ngoan ngoãn). Làm sao chúng ta có thể nói về nạn nhân như vậy?”, bà Nguyễn Vân Anh nói.

Giám đốc CSAGA cho biết thêm, trước khi vụ bị cáo Sầm Đức Xương, nguyên Hiệu trưởng một trường cấp 3 Hà Giang bị khởi tố vì tội mua dâm trẻ vị thành niên, Trung tâm tình cờ có một nghiên cứu ở TPHCM, Quảng Ninh và Hà Giang trong học sinh cấp 2. Kết quả, khoảng 14% học sinh ở một ngôi trường tại Hà Giang cho biết từng bị xâm hại tình dục. Một nghiên cứu tại 30 trường ở Hà Nội của một tổ chức cũng chỉ ra con số mà trẻ em bị xâm hại tình dục khoảng 17%. Bị xâm hại có nhiều lý do trong đó có lý do liên quan đến mua bán dâm.

Nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra vấn đề trách nhiệm của một số bên khi mà cung cấp thông tin, hướng dẫn cho các nhà báo khi đưa tin về vụ việc. Các nhà báo có ý thức bảo vệ nhưng vẫn còn sơ hở có thể để lộ lọt thông tin của các nạn nhân.

Nhà báo Lê Nghiêm. Ảnh Nhật Thy

“Cách đưa tin giật gân hút được rất nhiều người xem, nhung định hướng người ta đến các thứ không lành mạnh đó là chỉ tò mò muốn xem đời tư của các nạn nhân này, những chuyện này nó lạ lùng như nào. Thật ra báo chí có thể dành thời gian để nói về nguy cơ tại sao lại bị lừa cách phòng tránh về mặt nhận thức, kỹ năng, hướng dẫn phòng tránh như thế nào”, nhà báo Lê Nghiêm chia sẻ.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật Fanci, khi một người sở hữu thông tin, bí mật thì chỉ người đó mới có quyền cung cấp, bố mẹ, người đại diện cũng không được ép nếu việc cung cấp thông tin gây bất lợi cho người được đại diện. Quyền lợi về mặt thông tin rất khó định lượng là có lợi hay không có lợi. Về trường hợp này cung cấp thông tin là sai. Thậm chí, trên tòa, việc cung cấp thông tin bản án còn phải hỏi bị cáo.

Luật sư Nguyễn Văn Tú. Ảnh Nhật Thy

Còn theo Nhà báo Phạm Gia Hiền, báo chí đã quá theo đuổi những thông tin mang tính câu view (lượng theo dõi), thay vào đó những thông tin về giáo dục pháp luật hay là những kỹ năng cơ bản để phòng vệ, để nhận thức ra mình có bị gày bẫy hay không thực ra là quá ít.

Để thực hiện tốt việc bảo vệ bí mật cá nhân của nạn nhân bị bạo lực tình dục, những đối tượng dễ bị tổn thương, theo Nhà báo Lê Nghiêm, cần cụ thể hóa những hướng dẫn thực thi văn bản pháp luật, định nghĩa như thế nào là bảo vệ bí mật đời tư cá nhân. Các cơ quan nhà nước là nơi nắm thông tin của người dân, các cơ quan điều tra phải có trách nhiệm nghiêm ngặt về bảo vệ bí mật đời tư.

Báo chí bên cạnh các quy định về luật pháp còn có quy định về đạo đức nghề nghiệp. Các tòa soạn cần phải quán triệt nâng cao tiêu chuẩn về đạo đức nghề báo trong những trường hợp này.

Còn theo bà Nguyễn Vân Anh, nếu như khi chúng ta viết về trường hợp nào đó liên quan đến bạo lực tình dục mà trẻ em là nạn nhân, thì hãy đặt vị trí vào em đó, vị trí là con em chúng ta để thận trọng, không làm tổn thương nạn nhân thêm nữa.

 

Top