Nhận rõ nguy cơ "tín dụng đen" đi kèm tội phạm ma túy và tệ nạn xã hội

16/12/2019 12:31

Cho đến thời điểm này của năm 2019, “231” không đơn thuần là Kế hoạch, Chuyên đề của CATP Hà Nội; mà nó đã được ngay cả nhiều người dân “tính từ hóa” để nói về sự bình yên, về quyết tâm của lực lượng công an, trên mặt trận phòng ngừa, xử lý phức tạp hình sự tiềm ẩn từng có giai đoạn hết sức nhức nhối.

Ngày 25/8/2016, CATP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 231/KH-CAHN-PV11 (gọi tắt là Kế hoạch 231) về “Tổ chức điều tra cơ bản công tác quản lý về an ninh trật tự (ANTT) và phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) đối với các cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố”.

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, CATP Hà Nội không chỉ thể hiện rõ “Là đơn vị tiên phong phòng chống tội phạm “tín dụng đen” (như ghi nhận, đánh giá của Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an), mà điều quan trọng, đã định hình cơ bản biện pháp, giải pháp bóc gỡ, triệt tiêu từng “mầm, nhánh” của các loại tội phạm.

Lực lượng công an kiểm tra, hướng dẫn cơ sở cầm đồ tuân thủ các quy định pháp luật

Nhìn nhận rõ nguy cơ

Đã hơn 3 năm, nhưng đối với Thượng tá Đồng Thị Ánh Vân, Phó trưởng Phòng Tham mưu, và tập thể cán bộ chiến sỹ Đội Nghiên cứu chuyên đề Cảnh sát phòng chống tội phạm, vẫn “nằm lòng” tinh thần chỉ đạo của Kế hoạch 231 mà Ban Giám đốc, khi ấy trực tiếp là Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội (hiện nay, đồng chí Nguyễn Duy Ngọc đã được phong cấp bậc hàm Thiếu tướng, được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an) truyền đạt: “Tín dụng đen” là nguồn gốc nảy sinh các vấn đề phức tạp về tội phạm hình sự, ma túy và tệ nạn xã hội. Để nâng cao hiệu quả công tác của Công an các cấp trong quản lý Nhà nước về ANTT đối với các cơ sở kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, tạo thế chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Ban Giám đốc CATP đã trực tiếp chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ tham mưu xây dựng, ban hành Kế hoạch 231, đánh dấu lần đầu tiên trong công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm hình sự nói chung và hoạt động “tín dụng đen” nói riêng có một kế hoạch chi tiết, cụ thể từ khâu nắm tình hình, điều tra cơ bản đến tổ chức phân công, quản lý, đấu tranh”.

Ngày 25/8/2016, CATP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 231; và để thống nhất xác định các bước tiến hành đấu tranh, ngày 14/10/2016, CATP ban hành Hướng dẫn số 23/HD-CAHN-PV11 nêu chi tiết, đầy đủ các bước tiến hành thực hiện Kế hoạch 231 từ công tác điều tra cơ bản, rà soát, lập danh sách, mở hồ sơ quản lý đối với các cơ sở kinh doanh tài chính đến công tác đánh giá, tham mưu, đề xuất giải pháp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh tài chính trên địa bàn.

Có điều kiện thường xuyên cập nhật số liệu, tình hình tội phạm, chỉ huy Đội Nghiên cứu chuyên đề Cảnh sát phòng chống tội phạm, Phòng Tham mưu, CATP Hà Nội nhớ lại, trước năm 2016, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự bất hợp pháp đã và đang trở thành vấn nạn của xã hội, len lỏi từ nông thôn đến thành thị, gây thiệt hại kinh tế lớn cho người dân, doanh nghiệp. Quá trình hoạt động, loại tội phạm, vi phạm này dẫn đến nhiều hậu quả gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng ANTT trên địa bàn.

Đáng lo ngại là sự xuất hiện các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng (đặc biệt là “tín dụng đen”) công khai hoặc núp dưới các hình thức cầm đồ, hỗ trợ tài chính, thậm chí hình thành các ổ nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động manh động, liều lĩnh, hoạt động lưu động, có quan hệ phức tạp với nhiều đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, gây ra nhiều vụ án xuất phát từ hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Thời điểm ấy, không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương gần như “báo động” về tình trạng khủng bố tinh thần bằng các hình thức đổ chất bẩn chất thải, bom xăng, đặt vòng hoa tang... mục đích để đòi tiền, và đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT, gây bức xúc nhân dân.

Không chỉ “làm mọi cách để đòi tiền”, nhiều cơ sở kinh doanh cầm đồ, tín dụng khi nảy sinh mâu thuẫn trong kinh doanh, tranh chấp địa bàn đã sử dụng hung khí để gây thanh thế và sẵn sàng giải quyết bằng bạo lực. Thượng tá Vũ Văn Tấn, Đội trưởng Đội Nghiên cứu chuyên đề Cảnh sát phòng chống tội phạm, thống kê: Trước năm 2016, lúc phức tạp nhất, trên địa bàn thành phố 1 năm xảy ra gần 500 vụ đổ chất bẩn, chất thải, hủy hoại tài sản…; trong đó trên 90% vụ việc bắt nguồn từ các mâu thuẫn có liên quan đến kinh doanh tài chính, các hoạt động vay nợ “tín dụng đen”, rải họ, cầm đồ... chậm trả hoặc không có khả năng chi trả, đã bỏ trốn dẫn đến việc các đối tượng có hành vi khủng bố tinh thần, đe dọa. “Tín dụng đen” - “Đòi nợ thuê” khi ấy là những cụm từ mà người dân lành nhắc đến với cả sự e dè, ám ảnh.

Xây thế trận phòng ngừa, đánh chặn ngay từ phường, xã

Như đã đề cập, Kế hoạch 231 của Công an Hà Nội đánh dấu lần đầu tiên trong công tác phòng ngừa đấu tranh với tội phạm hình sự nói chung và hoạt động “tín dụng đen” nói riêng có một kế hoạch chi tiết, cụ thể từ khâu nắm tình hình, điều tra cơ bản đến tổ chức phân công, quản lý, đấu tranh.  “231” xác định rõ trách nhiệm, yêu cầu đối với Công an từ cấp phường, xã, nghiêm túc, quyết liệt điều tra cơ bản, rà soát, lập danh sách, mở hồ sơ quản lý đối với các cơ sở kinh doanh tài chính; chủ động đánh giá, tham mưu, đề xuất giải pháp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh tài chính trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch 231 được thành lập, và một trong những động thái quan trọng đầu tiên, là yêu cầu các đơn vị ký cam kết không để hoạt động “tín dụng đen” công khai, lộng hành. Chỉ huy cấp trưởng các đơn vị phải ký cam kết chịu trách nhiệm trước Ban giám đốc CATP trong công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng, cơ sở, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen”.

Bắt tay thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị đã chủ động triển khai, phân công từng phần việc cụ thể đến từng đội nghiệp vụ, Công an các phường, đồn, trạm, thị trấn và từng cán bộ chiến sỹ tổ chức điều tra cơ bản, mở hồ sơ theo dõi, quản lý các cơ sở, đối tượng hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn; góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chuyển biến nhận thức của mỗi cán bộ, chiến sỹ về nhận diện nguy cơ từ các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

Hơn lúc nào hết, hai yêu cầu của công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ được xác định triển khai đồng bộ với những giải pháp, định hướng chi tiết. Công an các cấp phải tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm nói chung và tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng.

Từ phường, xã đến các phòng nghiệp vụ CATP thiết lập, duy trì “đường dây nóng”, hòm thư tố giác tội phạm để nhân dân kịp thời cung cấp các thông tin về hoạt động tội phạm cho các cơ quan chức năng, đồng thời nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

CATP cũng đã chủ động phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân thành phố lựa chọn, đưa ra xét xử điểm một số vụ án do các ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” gây ra, nhằm tạo sự phòng ngừa và răn đe.

Ở góc độ nghiệp vụ, công tác trực ban hình sự được tổ chức thực hiện nghiêm túc, tiếp nhận, giải quyết kịp thời các tin báo, tố giác tội phạm, mọi thông tin về các vụ việc có dấu hiệu hoạt động của  hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, khủng bố tinh thần bằng hình thức đổ chất bẩn, chất thải, bắt giữ người trái pháp luật, gây thương tích, sử dụng vũ khí nóng, vũ khí tự chế, vật liệu nổ... Tinh thần là tất cả các tin báo, phản ánh đều được tổ chức xác minh triệt để.

Nội dung quan trọng khác, là đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các địa phương trong đấu tranh, phòng chống tội phạm có tổ chức liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như Ngân hàng, Tài chính thường xuyên đánh giá những phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn đồng thời đưa vào nội dung tuyên truyền, phổ biến đến quần chúng nhân dân để người dân tự nhận biết, cảnh giác và tránh các hành vi vay tiền, cho vay tiền dưới hình thức “tín dụng đen”.

Top