Tiếp tục đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm

11/01/2021 15:47

Đó là một trong nhiệm vụ đề ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 của Bộ LĐTB&XH được tổ chức sáng nay (11/1).

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh Đình Nam

Theo Bộ LĐTB&XH, năm 2020, các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm ở 21 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Triển khai và duy trì 113 điểm thực hiện can thiệp theo 03 mô hình của Chương trình, trong đó, có 12 địa phương tổ chức xây dựng mô hình tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực của người bán dâm trong tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, 9 địa phương triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng và trung tâm công tác xã hội, 17 địa phương triển khai mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm với tổng số người bán dâm tham gia ban chủ nhiệm câu lạc bộ, nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng trên là 4.463 người.

Theo báo cáo của các lực lượng chức năng, từ năm 2016 đến tháng 7/2020, toàn quốc đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận, xác minh gần 4.000 người, trong đó xác định 1.715 người là nạn nhân bị mua bán; 100% nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Nhìn chung, giai đoạn 2016-2020, việc xây dựng và tổ chức triển khai thí điểm các mô hình, dịch vụ hỗ trợ xã hội người bán dâm ở cộng đồng bước đầu có hiệu quả, mang lại nhiều cách tiếp cận mới, làm cơ sở cho việc đề xuất các chính sách, pháp luật trong thời gian tới

Năm 2021, cần đổi mới việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống tệ nạn xã hội; đa dạng hóa hình thức và nội dung truyền thông, chú trọng truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, truyền thông bằng tiếng dân tộc, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh giáp biên để từ đó phát động và thực hiện phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội.

Tiếp tục đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm. Đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể, tổ chức cộng đồng và mọi người dân tham gia, đóng góp vào công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Tăng cường quản lý địa bàn, không để tệ nạn mại dâm gây bức xúc xã hội; duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả về can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội của người bán dâm tại cộng đồng và các trung tâm hỗ trợ xã hội; hỗ trợ người bán dâm hoàn lương vay vốn, phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Top