Xử lý thế nào khi nghiện ma tuý trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại cấp xã

01/10/2021 12:41

Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, trong đó nhiều quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp này theo hướng rõ ràng, thuận lợi hơn.

Ảnh minh họa

Khó khăn trong việc xác định người không có nơi cư trú ổn định

Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP được ban hành đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa vi phạm hành chính, tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đưa các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành năm 2012 (Luật XLVPHC) về áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã phường thị trấn vào cuộc sống.

Tuy nhiên, qua 8 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, các Nghị định cũng đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc nhất định như: Khó khăn trong việc xác định người không có nơi cư trú ổn định; khó khăn trong việc tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; ai là người áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong trường hợp khuyết chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Bên cạnh đó, ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC (Luật số 67/2020/QH14), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022, theo đó, hệ thống các quy định về áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trong Luật XLVPHC số 15/2012/QH13 hiện hành đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế hiện nay.

Để xử lý kịp thời những hạn chế, vướng mắc như đã nêu trên, đồng thời, để phù hợp với các quy định của Luật mới sửa đổi, Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Theo đó có một số điểm mới đáng chú ý.

Bổ sung quy định về xét nghiệm chất ma túy

Do Luật số 67/2020/QH14 đã bỏ đối tượng là người nghiện ma túy mà thay vào đó là người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đến lần thứ ba là một trong những đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đồng thời, để có sự kết nối với Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, dự thảo Nghị định cũng đã bỏ quy định thu thập tài liệu về xác định tình trạng nghiện, mà thay vào đó là bổ sung một quy định riêng về việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy đối với đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy hoặc đối tượng đang trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, quy định về việc thu tập thông tin, tài liệu để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cũng đã được sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Đồng thời, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về việc xác định thế nào là “có nơi cư trú ổn định” và “không có nơi cư trú ổn định” theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn, dễ áp dụng trong thực tiễn, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc hiện nay, đồng thời, phù hợp với quy định của Luật Cư trú.

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về việc “quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục là người không có nơi cư trú ổn định”, trong đó quy định Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ giao Công an xã cùng cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục.

Ngoài ra, để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống ma túy về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, dự thảo Nghị định đã quy định về các trường hợp đang trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà bị xác định là người nghiện ma túy thì Chủ tịch UBND cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ phải ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thì việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy.

Top