Bảo đảm phát triển bền vững tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS

30/08/2019 17:14

Những năm gần đây, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được khu vực tư nhân và các tổ chức cộng đồng tham gia rất tích cực. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ đắc lực của các cơ quan, tổ chức quốc tế, điển hình là sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, hay Dự án Healthy Markets và Dự án PATH về HIV/TB... nhờ vậy các mô hình, hoạt động chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS được triển khai toàn diện, phong phú, cập nhật và hiệu quả.

Phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông đã có cuộc trao đổi với bà Caryn R. McClelland - Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và bà Kimberly Green, Giám đốc Dự án Healthy Markets - Giám đốc Toàn cầu của PATH về HIV/TB về những hỗ trợ mà Chính phủ Mỹ, Dự án Healthy Markets và Dự án PATH về HIV/TB đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

 Bà Caryn R. McClelland - Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam (bên trái ảnh). Ảnh: Thùy Chi

Thưa bà Caryn R. McClelland, xin bà cho biết tại sao Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực HIV/AIDS tại Việt Nam?

Caryn R. McClelland: Câu trả lời ngắn gọn chính là Chính phủ Mỹ tin chắc rằng giải pháp có sự tham gia của nhiều bên liên quan là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề. Tất cả các giải pháp nhằm giải quyết đại dịch HIV ở Việt Nam và trên toàn thế giới đều cần phải có sự kết hợp chặt chẽ, nỗ lực của nhiều bên bao gồm Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức cộng đồng. Đó chính là chìa khóa dẫn đến thành công của chương trình phòng chống HIV/AIDS. Trên tinh thần đó, Dự án Healthy Markets - Dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường của USAIDS do PATH thực hiện được thiết kế nhằm thúc đẩy sự hợp tác của nhiều bên liên quan này và cho phép khu vực tư nhân có thể tiếp quản nguồn lực từ khu vực công trong những nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS. Hay nói cách khác là chuyển giao trách nhiệm phòng, chống HIV/AIDS cho nhiều bên liên quan hơn trong toàn xã hội.

Bà đánh giá thế nào về tương lai của việc khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực HIV/AIDS?

Caryn R. McClelland: Tôi cho rằng sự tham gia của khu vực tư nhân vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS là rất tươi sáng. Chúng ta thấy rằng các doanh nghiệp xã hội, các tổ chức xã hội dân sự đã nâng cao được danh tiếng và tác động của mình cũng như lợi ích mà họ gặt hái được từ sự tham gia vào lĩnh vực này. Như vậy, điều đó mang lại lợi ích cho những người bị ảnh hưởng bởi HIV, cũng như lợi ích cho doanh nghiệp.

Đây là cách tiếp cận có nhiều bên tham gia, trong đó có Bộ Y tế, các doanh nghiệp tư nhân cũng như các tổ chức dựa vào cộng đồng, các tổ chức hiểu các nhóm đích của mình rõ nhất. Do đó, chúng tôi mong muốn sự chung tay của các bên liên quan, sự hợp tác đó chứng những kết quả rất tích cực trong nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS.

Ngoài ra, đây cũng là cách tiếp cận đa chiều để giải quyết một vấn đề đa chiều. Khu vực tư nhân là một thành phần then chốt và sẽ tiếp tục là một nguồn lực chính trong tương lai khi mà các nhà tài trợ quốc tế không còn tham gia tài trợ cho các nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS trong một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ như của Việt Nam.

 Bà Kimberly Green, Giám đốc Dự án Healthy Markets - Giám đốc Toàn cầu của PATH về HIV/TB (bên trái ảnh). Ảnh nhân vật cung cấp

Thưa bà Kimberly Green, tại sao sự tham gia của khu vực tư nhân lại đóng vai trò quan trọng góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam?

Bà Kimberly Green: Theo tôi, sự tham gia của khu vực tư nhân chính là một cột mốc quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Năm 2014, khoảng 80% các quỹ tại Việt Nam đến từ các nhà tài trợ nước ngoài. Đã đến lúc cần thiết phải khuyến khích huy động nguồn tiền trong nước, và nó đến từ sự tham gia đóng góp, đặc biệt là về mặt tài chính của khu vực tư nhân tại Việt Nam. Với sự lãnh đạo của Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIVAIDS (VAAC) chúng tôi cùng nhau thực hiện các dự án và nhận định sự đóng góp to lớn của khu vực tư nhân, đặc biệt về mặt tài chính.

Dự án USAIDS/PATH Healthy Market đã hợp tác với chính phủ, khu vực tư nhân các tổ chức xã hội như thế nào để hỗ trợ sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình HIV/AIDS tại Việt Nam, thưa Bà?

Bà Kimberly Green: Đầu tiên, chúng tôi cùng nhau đánh giá và nhìn vào tình hình thực trạng để đưa ra quyết định và giải pháp để có thể có sự tham gia tốt nhất của các bên. Ví dụ, chúng tôi cùng các công ty tại địa phương cung cấp bao cao su cho các đối tượng đích. Các tổ chức cộng đồng cũng tham gia vào việc bán bao cao su. Thêm vào đó, chúng tôi hợp tác với các công ty tư nhân trong việc đưa ra những cải tiến công nghệ và áp dụng chúng cho các đối tượng đích; hợp tác với các công ty chẩn đoán tại Mỹ đã tạo ra những bài kiểm tra đánh giá và sử dụng chúng tại Việt Nam cho lĩnh vực HIV/AIDS.

Bà muốn chia sẻ thông điệp gì với các đối tác tư nhân đang cân nhắc tham gia vào lĩnh vực HIV/AIDS tại Việt Nam?

Bà Kimberly Green: Hãy giam gia với chúng tôi và cùng nhau nỗ lực tạo ra những ảnh hưởng quan trọng trong việc đạt mục tiêu xóa bỏ AIDS vào năm 2030. Đến với chúng tôi, không chỉ cùng nhau tạo ra lợi ích mà còn giúp cho cuộc sống con người tốt hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Đại sứ Caryn R. McClelland và bà Kimberly Green!

Trong những năm qua, khu vực tư nhân tham gia khá sâu rộng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS giúp tăng khả năng tiếp cận của người sử dụng đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã quy định: “Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hợp tác, giúp đỡ dưới mọi hình thức trong phòng, chống HIV/AIDS”. Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cũng nêu chủ trương vận động các tổ chức, cá nhân tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế công. Ngoài ra, ước tính có khoảng 10.000 bệnh nhân khác đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế tư nhân, trong đó có cả những cơ sở y tế tư nhân điều trị HIV/AIDS sử dụng thuốc ARV nguồn BHYT. Sự tham gia của y tế tư nhân đã góp phần tăng sự lựa chọn cho người bệnh, đồng thời giúp mở rộng điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam.

Về điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP), cả nước hiện có hơn 3.000 khách hàng đang điều trị PrEP, trong đó hơn 70% số bệnh nhân này là điều trị tại các sở y tế tư nhân. Nhờ đó, tình hình dịch HIV ở Việt Nam đã giảm khoảng 2/3 trong 10 năm qua. Khoảng trên 400.000 người tránh không bị nhiễm HIV và 150.000 người tránh không bị tử vong vì HIV/AIDS.
Top