Cai nghiện bắt buộc cần song hành với cai nghiện tự nguyện

08/06/2020 15:40

Cả dự thảo Luật Phòng chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung đều quy định: "Biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc áp dụng với người nghiện từ đủ 18 tuổi trở lên". * Có nên đưa người dưới 18 tuổi nghiện ma túy vào trường giáo dưỡng?

Hướng nghiệp dạy nghề cho người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng - Ảnh internet

Như vậy, nếu quy định này được Quốc hội thông qua, thì người không có nơi cư trú ổn định khi phát hiện nghiện ma túy sẽ tiến hành trình tự thủ tục đưa ngay vào cơ sở cai nghiện bắt buộc giống như quy định đã áp dụng cho người nghiện có nơi cư trú ổn định.

Thực tế, sau 7 năm thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, công tác giáo dục tại xã, phường, thị trấn được đánh giá là không hiệu quả với người nghiện ma túy với nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, pháp luật quy định trong khi bị giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người nghiện "Tùy vào thực tiễn của địa phương, người nghiện ma túy phải lựa chọn hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật. Người nghiện ma túy phải cam kết về việc tự nguyện cai nghiện, điều trị nghiện” (theo Nghị định 56/2016/NĐ-CP), nhưng ở phần lớn địa phương không tổ chức cai nghiện tại cộng đồng, gia đình nên giáo dục tại xã, phường, thị trấn không gắn với cai nghiện.

Người nghiện là đối tượng đặc thù, không thể chỉ giáo dục bằng các biện pháp hành chính như đối tượng khác mà không có cai nghiện cho họ. Mặt khác, ở một số nơi, giáo dục tại xã, phường, thị trấn có gắn với cai nghiện nhưng chủ yếu chỉ cai cắt cơn nên cũng kém hiệu quả.

Thứ hai, kéo dài thời gian trước khi đưa vào cai bắt buộc, cụ thể: "Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện" (Nghị định 136/2016/NĐ-CP).

Đây có lẽ là điều rất không phù hợp, cần phải sửa đổi riêng đối với người nghiện về "thời gian được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính" (Khoản 2 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Cụ thể, sau thời gian bị giáo dục tại xã, phường, thị trấn (3-6 tháng)  mà người nghiện vẫn còn nghiện thì phải chờ đến 2 năm nữa mới làm thủ tục đưa vào cai nghiện bắt buộc.

2 năm "chờ đợi" đó có biết bao chuyện có thể xảy ra: Hàng trăm triệu đồng họ tiêu phí cho ma túy; người nghiện thêm nghiện nặng do sử dụng ma túy thời gian dài, sức khỏe giảm sút, cai nghiện thêm khó khăn. Nhiều người khác bị họ lôi kéo vào ma túy, nhất là thanh thiếu niên. Việc quản lý người nghiện thêm phức tạp, có nhiều hành vi ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội. Rút ngắn thời gian" chưa bị coi xử lý vi phạm hành chính" sẽ tạo điều kiện cho người nghiện có cơ hội tiếp cận nhiều lần cai nghiện hơn.

Trở lại đối tượng cai nghiện bắt buộc theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống ma túy, việc yêu cầu tất cả người nghiện bắt buộc phải cai tập trung là biện pháp chế tài mạnh mẽ mang tính răn đe với người sử dụng ma túy trái phép, góp phần hạn chế sự gia tăng số người nghiện mới, giúp họ có điều kiện sớm tiếp cận các dịch vụ cai nghiện chính quy để hồi phục sức khỏe, hòa nhập cộng đồng.

Nhưng nếu thực hiện theo dự thảo sửa đổi sẽ nảy sinh nhiều vấn đề cần phải xem xét. Về lý luận và thực tiễn, một chương trình cai nghiện chủ yếu dựa trên chế tài hành chính sẽ không mang lại hiệu quả cao, không phù hợp với xu hướng quốc tế hiện nay, triệt tiêu vai trò chủ động, tự giác của bản thân người nghiện, sự tham gia của các tổ chức xã hội, của cộng đồng và sự đóng góp của gia đình người nghiện, đặt gánh nặng chi phí lên ngân sách nhà nước, tạo sức ép phải mở rộng, xây mới hệ thống cơ sở cai nghiện bắt buộc. Không thể áp dụng một biện pháp cai nghiện xử lý vi phạm hành chính, cho tất cả các đối tượng khác nhau như người mới nghiện, chưa có hành vi vi phạm pháp luật, vẫn đang đi làm, nghiện nặng, thời gian dài, có nhiều tiền án, tiền sự, đã cai nghiện nhiều lần…

Bên cạnh đó, không phù hợp với những quy định vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn và khoa học của Luật Phòng chống ma túy hiện hành. Cụ thể: Nhà nước có chính sách khuyến khích việc tự nguyện cai nghiện ma tuý; áp dụng chế độ cai nghiện đối với người nghiện ma tuý; tổ chức các cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc và khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện các hình thức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hỗ trợ các hoạt động cai nghiện ma túy. Các hình thức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng được áp dụng đối với tất cả người nghiện ma tuý. Các cơ quan, tổ chức ở địa phương có trách nhiệm hỗ trợ, kiểm tra, giám sát hoạt động cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Người nghiện ma tuý tự nguyện làm đơn xin cai nghiện thì được nhận vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc và không bị coi là bị xử lý vi phạm hành chính.

Điều này cũng không đồng nhất với quan điểm, mục tiêu, nội dung của Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020. Cụ thể: Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện bao gồm điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị nghiện bắt buộc. Tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại với lộ trình phù hợp. Điều trị nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội theo quyết định của Tòa án nhân dân. Tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện thích hợp tại cộng đồng. Cần tạo điều kiện cho người nghiện tham gia các chương trình cai nghiện trước khi bị cai nghiện bắt buộc. Cai nghiện bắt buộc chỉ là biện pháp cuối cùng… Cứ nghiện là cai bắt buộc sẽ triệt tiêu trách nhiệm tự khai báo tình trạng nghiện của người nghiện, vốn rất quan trọng trong thống kê người nghiện để phục vụ công tác phòng, chống ma túy.

Hiện nay, do những vấn đề về tổ chức thực hiện nên biện pháp cai nghiện cai nghiện tự nguyện, hình thức cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, tại gia đình chưa phát triển mạnh nhưng tại nhiều tỉnh thành phố đã có những mô hình có kết quả tốt, huy động được sức mạnh nhiều nguồn cho công tác này.

Từ những điều nêu trên đề nghị bổ sung quy định cụ thể đối tượng cai nghiện bắt buộc trên 18 tuổi, cụ thể: Không tự giác khai báo tình trạng nghiện của mình, không tham gia bất cứ một chương trình cai nghiện, điều trị thay thế nào; đang tham gia một chương trình cai nghiện tự nguyện, điều trị thay thế bị phát hiện  tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy; tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện bắt buộc; trong thời gian cai nghiện tự nguyện, điều trị thay thế có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh trật tự xã hội.

* Bài 4: Chống trốn khỏi cơ sở cai nghiện: Minh bạch, tâm huyết, trách nhiệm

Top