LHQ kêu gọi tập trung chống lãnh chúa ma túy Tam giác Vàng

13/10/2017 10:00

Các nhà chức trách Đông Nam Á nên tập trung bắt giữ các lãnh chúa ma túy ở Tam giác Vàng, chứ không phải những kẻ buôn bán nhỏ và người sử dụng.

Đó là chia sẻ của ông Jeremy Douglas, người đứng đầu Cơ quan chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC ) ở Đông Nam Á tại cuộc thảo luận mới nhất về vấn đề này tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Bangkok với sự tham dự của các chuyên gia Thái Lan và Myanmar.

Ông Douglas cho biết khu vực Tam giác Vàng đang chuyển sang sản xuất hàng loạt Methamphetamine và “ma túy đá” (crystal meth), với số lượng lớn các tiền hóa chất được nhập từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Khu vực Tam giác vàng giữa Lào và Thái Lan. Ảnh: Asia Times

Buôn bán Methamphetamine và “ma túy đá” đã trở nên phổ biến. Loại ma túy nguy hiểm này đã có mặt khắp Myanmar, Thái Lan và ở nhiều quốc gia láng giềng. Các nhà chức trách thường xuyên bắt giữ các loại ma túy bất hợp pháp, nhưng số lượng ma túy tịch thu được chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi".

Theo ông Douglas, các tập đoàn ma túy xuyên quốc gia đang kiểm soát việc "sản xuất quy mô công nghiệp" chất Methamphetamine, với "các phòng thí nghiệm có thể sản xuất hàng trăm ngàn kg trong một chu trình".

Ông Douglas cho biết: "Tinh thể meth (crystal meth) là loại ma túy rất gây nghiện và tác hại rất nhiều  đến người dùng. Cũng có những tác động về kinh tế. Tại nhiều vùng của bang Shan, nền kinh tế ma túy có hàng ngàn người trồng và buôn bán thuốc phiện. Tuy nhiên, sản xuất Methamphetamine lại sinh lợi gấp bội và chỉ cần vài chục người sản xuất (trong phòng thí nghiệm di động) và phân phối”.

UNODC ước tính rằng các tập đoàn ma túy đã kiếm được "30-35 tỷ USD mỗi năm thông qua việc sản xuất và buôn bán Methamphetamine, Heroin và thuốc phiện”.

Ông Douglas nói: "Các nhóm tội phạm có tổ chức rất lớn và được tài trợ tốt đang nhắm đến các khu vực cụ thể ở miền Bắc Myanmar”. Các tập đoàn tội phạm ma túy thường hoạt động ở hai hoặc ba nước và chuyển địa điểm các hoạt động rất nhanh "tháng này ở Campuchia, tháng tới có thể ở Philippines".

Hệ thống cảnh sát và tư pháp bị quá tải

Buôn bán ma túy đã tác động lớn đến bộ máy quản trị trong khu vực, khiến cho hệ thống cảnh sát và tư pháp ở Myanmar, Thái Lan và các nước khác bị quá tải. Các nhà tù ở Thái Lan hiện đang giam giữ hàng ngàn tù nhân "sau nhiều năm chiến tranh ma túy", trong đó hầu hết là các tội phạm tương đối nhỏ.

Đại tá cảnh sát Zaw Lin Tun, Trưởng ban quản lý dự án của Ủy ban Trung ương về Kiểm soát lạm dụng ma túy của Myanmar (CCDAC) cho biết, do cuộc xung đột kéo dài tại Myanmar, nhiều người ở một số khu vực biên giới do điều kiện giáo dục, sức khỏe, kinh tế khó khăn nên dễ bị tội phạm buôn bán ma túy cám dỗ.

Theo Đại tác Zaw Lin Tun, Myanmar đã đưa ra "hình phạt thay thế" với khung thấp hơn cho các đại lý nhỏ hoặc người sử dụng ma túy trong năm 2009, nhưng 40% tù nhân trên toàn quốc vẫn là người nghiện ma tuý hoặc người buôn bán nhỏ. Con số này tăng gấp đôi (tức 80%) ở vùng Kachin State, nơi bị tàn phá bởi chiến tranh trong những năm gần đây.

Đại tá Zaw Lin Tun cho biết, Luật chống ma túy đang được Thượng viện Myanmar sửa lại để giảm nhẹ hình phạt cho người sử dụng ma túy.

Tiến sĩ Apinun Aramrattana của Đại học Chiang Mai cho biết ở Thái Lan có hàng trăm nghìn người sử dụng “ma túy đá” cộng với hơn 70.000 người tiêm chích ma tuý.

Ông nói rằng hơn một nửa ngân sách của Bộ Tư pháp Thái Lan đã được sử dụng để phân loại tội phạm, giam giữ hơn 300.000 tù nhân, trong đó 70% là những kẻ buôn bán ma túy nhỏ hoặc người sử dụng.

Tại Thái Lan, sự thúc đẩy của LHQ đối với việc xử phạt nhẹ hơn những người buôn bán ma túy lẻ và người sử dụng ma túy thời gian gần đây cùng với động thái chấm dứt sử dụng cần sa ở một số nơi trên thế giới đã thúc đẩy các quan chức Thái Lan xem xét luật phòng, chống ma túy. Trong đó có nhắc đến việc thay đổi sang tập trung vào sức khoẻ cộng đồng. Người sử dụng ma túy sẽ không bị truy tố. Họ sẽ được chăm sóc xã hội. Nhưng các tội ác lớn vẫn sẽ bị trừng phạt.

 

Top