Đắk Nông: Mở rộng khám, điều trị qua thẻ BHYT đến các tuyến cơ sở

06/06/2019 16:51

Từ tháng 3/2019, Đắk Nông đã bắt đầu triển khai khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS qua thẻ BHYT; trong đó, các huyện Đắk R’lấp và Cư Jút được chọn triển khai đầu tiên. Hiện tất cả các trung tâm y tế huyện, thị xã còn lại cũng đã hoàn thiện việc ký hợp đồng với cơ quan Bảo hiểm xã hội về khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV qua thẻ BHYT.

 Điều trị Methadone giúp giảm lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy - Ảnh: Thùy Chi

Đồng thời, từng bước hoàn thiện thủ tục hợp đồng trách nhiệm với Viện Pasteur TPHCM để chuyển dịch vụ xét nghiệm tải lượng HIV cho bệnh nhân.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến cuối năm 2018, lũy tích người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là 677 người. Trong đó, tổng số bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ARV là 283/296 người, chiếm 95,6%.

Để có được kết quả trên, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều hoạt động. Cùng với việc kiện toàn, củng cố và mở rộng các điểm cấp thuốc ARV, nâng cao năng lực cho các cán bộ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS các tuyến, ngành Y tế các địa phương cũng thường xuyên rà soát, tư vấn, vận động người dân, nhất là đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao tự nguyện làm xét nghiệm phát hiện HIV sớm.

Người nghiện chích ma túy cũng được vận động tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và người nhiễm HIV/AIDS điều trị ARV sớm.

Trong năm 2018, thông qua hoạt động xét nghiệm đã phát hiện 23 trường hợp nhiễm HIV; trong đó có 7 trường hợp là đối tượng nghiện chích ma túy, 1 phụ nữ mang thai, 1 bệnh nhân lao, 5 trường hợp là phạm nhân và 9 trường hợp phát hiện do làm xét nghiệm HIV tự nguyện. Các trường hợp nhiễm mới HIV đều được tư vấn, tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV.

Đối với các trường hợp bỏ điều trị giữa chừng, đội ngũ nhân viên y tế cũng tiếp cận, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và thuyết phục bệnh nhân tham gia điều trị trở lại. Cụ thể, trong năm 2018, toàn tỉnh có 15 bệnh nhân bỏ điều trị thì ngoài 8 trường hợp chuyển đi nơi khác, 7 trường hợp còn lại đã được tư vấn, thuyết phục điều trị trở lại.

Đặc biệt, trong năm 2019, ngành Y tế tỉnh sẽ mở rộng việc khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS qua thẻ BHYT đến tận các trạm y tế xã, phường, thị trấn để tạo thuận lợi cũng như tiết kiệm chi phí điều trị.

Điều trị ARV là quá trình liên tục và suốt đời. Vì vậy, để người nhiễm HIV/AIDS hiểu và tham gia điều trị ARV sớm cũng như hạn chế tình trạng bỏ điều trị giữa chừng, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, vận động để người nhiễm HIV hiểu về tầm quan trọng của việc điều trị bằng thuốc ARV. Các cơ sở y tế cũng như bác sĩ điều trị thường xuyên tiếp cận, tư vấn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân, từ đó có hướng điều trị phù hợp.

Trong quá trình triển khai việc khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS qua thẻ BHYT, ngành Y tế tỉnh sẽ nắm bắt tình hình thực tế để có những giải pháp phù hợp nhằm từng bước giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là thay đổi thái độ, hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV sẽ được chú trọng hơn nữa nhằm giúp người nhiễm HIV có thể yên tâm điều trị, sống hòa nhập cộng đồng.
Top