Tuyên Quang: Giải pháp hiệu quả giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng

10/06/2019 17:26

Việc điều trị, tổ chức cai nghiện ma túy gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện đã góp phần giảm tình trạng tái nghiện trên địa bàn tỉnh, giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

  Dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho học viên cai nghiện. Ảnh: Thùy Chi

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, trong thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07 năm 2016 về mức trợ cấp đặc thù áp dụng đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh (nay là Cơ sở cai nghiện tỉnh); Quyết định số 380 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án xã hội hóa điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2014 - 2020...

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn công tác quản lý cai nghiện theo mô hình 3 giai đoạn và phối hợp triển khai các biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú. Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, trợ giúp người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. 

Hiện tỉnh có 1 Cơ sở cai nghiện ma túy được thành lập năm 2014. Mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng đã khắc phục khó khăn để tổ chức tốt công tác tiếp nhận, quản lý, cai nghiện cho người nghiện ma túy. Đến nay, Cơ sở đã tiếp nhận, quản lý, điều trị cai nghiện cho 252 người nghiện ma túy, trong đó tiếp nhận 141 người đang cai nghiện theo quy trình 3 giai đoạn của tỉnh; 23 đối tượng cai nghiện tự nguyện, 88 người cai nghiện bắt buộc theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP, Nghị định số 136/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài việc điều trị, cai nghiện, Cơ sở còn phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho các học viên để tăng cơ hội có việc làm sau khi hoàn thành cai nghiện tại cơ sở.

Bên cạnh đó, 141/141 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập các Tổ công tác cai nghiện. 100% trường hợp sau khi hoàn thành cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện được Ban chỉ đạo cấp huyện, thành phố bàn giao cho Ban chỉ đạo cấp xã quản lý, theo dõi, giúp đỡ. 

Từ năm 2008 đến nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức được 36 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 1.000 đối tượng cai nghiện với tổng số kinh phí dạy nghề trên 100 triệu đồng.

Đồng thời, tổ chức thẩm định, xét duyệt trên 149 dự án vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm cho đối tượng cai nghiện giai đoạn III, đối tượng được công nhận hoàn thành cai nghiện ma túy với tổng số tiền vay trên 1,6 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 300 lao động có thu nhập ổn định. 

Thực hiện tốt công tác cai nghiện, đồng thời dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện là giải pháp hiệu quả giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Từ đó, giảm tỷ lệ tái nghiện, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Thời gian tới, địa phương tổ chức rà soát, kiện toàn hoặc thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy tại xã, phường, thị trấn (theo Điều 17 Nghị định số 94/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng).

Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Tổ chức quản lý, cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (kèm theo Quyết định số 374/QĐ-UBND ngày 05/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

Xây dựng các điểm cắt cơn, tư vấn cai nghiện tại cộng đồng; nghiên cứu triển khai nhân rộng các mô hình cai nghiện hiệu quả, nhất là mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Đánh giá về tình trạng nghiện, hoàn cảnh gia đình, nhân thân của người nghiện ma túy để lập kế hoạch cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; quản lý, theo dõi và hỗ trợ người cai nghiện ma túy tại gia đình.

Tổ chức tập huấn cho các thành viên tổ công tác cai nghiện về cách thức tư vấn, quản lý người nghiện tại gia đình và cộng đồng. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tổ công tác cai nghiện thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và các hoạt động xã hội khác nhằm giúp người cai nghiện ma túy phục hồi sức khỏe, nhân cách và hòa nhập cộng đồng.

Tạo điều kiện, hỗ trợ người đã cai nghiện được học nghề, tìm việc làm, vay vốn, sản xuất, kinh doanh và tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội nhằm phòng, chống tái nghiện ma túy. Huy động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ, tạo điều kiện cho người đã cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng các mô hình quản lý sau cai.
Top