“Đánh sập” nhiều sào huyệt, đường dây ma túy

04/07/2019 08:58

Nếu như trước đây, phần lớn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam là do các băng nhóm mua bán, vận chuyển ma túy qua đường bộ, thì hiện nay, tội phạm buôn bán ma túy bằng nhiều con đường khác nhau từ biên giới đất liền, đường biển và cả đường hàng không. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy đang gia tăng một cách chóng mặt cả về số lượng, vụ việc, với phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh hơn...

Từ đầu năm 2019 đến nay, liên tiếp các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, xuyên quốc gia đã bị BĐBP, Công an và các lực lượng chức năng triệt phá. Đáng báo động là nhiều đường dây ma túy xuyên quốc gia đã chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển để đưa đi nước thứ 3 tiêu thụ.

Đối tượng Xênh Giàng cùng tang vật 30 bánh heroin trong Chuyên án 026AV - Ảnh: Hữu Chiến

“Cung đường” ma túy xuyên quốc gia

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, thời gian gần đây, cung đường vận chuyển ma túy đã có sự thay đổi, dịch chuyển địa bàn. Ma túy tổng hợp từ Trung Quốc vào Việt Nam đã giảm mạnh, thay vào đó là nguồn cung từ khu vực Tam giác vàng qua Lào về Việt Nam, sau đó tiếp tục được vận chuyển đi nước thứ 3 bằng nhiều con đường khác nhau.

Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng BĐBP và Công an của nước ta phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn Lào liên tục đấu tranh trấn áp tội phạm trên tuyến biên giới nên tội phạm đã dịch chuyển địa bàn, chuyển hướng vận chuyển ma túy từ Lào qua biên giới vào các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Các chất ma túy chủ yếu là ma túy tổng hợp dạng đá và dạng viên nén được sản xuất từ khu vực Tam giác vàng hoặc các tỉnh Bắc Lào.

Lợi dụng chính sách phát triển kinh tế của Lào, tội phạm ma túy quốc tế núp bóng các công ty nước ngoài thuê đất tại các tỉnh Bắc Lào để sản xuất, kinh doanh, sau đó tổ chức sản xuất ma túy số lượng lớn với giá thành rẻ. Các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Lào móc nối với các đối tượng người Việt Nam hình thành nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới, sau đó chúng tập kết ma túy sát biên giới rồi thuê người vận chuyển qua các đường tắt trong rừng hoặc qua khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu vào Việt Nam.

Sau khi vận chuyển ma túy vào Việt Nam, chúng thuê địa điểm cất giấu, đóng gói ma túy, thành lập các công ty trá hình có chức năng xuất, nhập khẩu các mặt hàng được hưởng chính sách hải quan thông thoáng theo “luồng xanh”, “luồng vàng” để trà trộn ma túy trong các lô hàng xuất khẩu trung chuyển ma túy đi nước thứ 3 qua các cửa khẩu cảng biển.

“Đánh sập” nhiều đường dây ma túy

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, nhiều đường dây mua bán, vận chuyển hàng tấn ma túy lần lượt được triệt phá tại TPHCM và các tỉnh miền Trung. Điển hình phải kể đến Chuyên án 218LP được hình thành từ cuối năm 2018, bắt đầu từ việc BĐBP Hà Tĩnh phát hiện đường dây ma túy xuyên quốc gia do một số đối tượng người Lào và Trung Quốc cầm đầu. Ma túy được lấy từ khu vực Tam giác vàng, chia nhỏ vào các bao tải rồi thuê người bản địa gùi qua đường tiểu ngạch ở cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Đây là đường dây ma túy cực lớn vận chuyển về Việt Nam có sự móc nối của nhiều thành phần, đối tượng trong và ngoài nước theo đường dây khép kín. Vì vậy, BĐBP Hà Tĩnh phối hợp Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy, Bộ Công an và Hải quan Hà Tĩnh tiến hành xác lập Chuyên án 218LP đấu tranh với đường dây ma túy xuyên quốc gia.

Từ các manh mối chắp ghép, Ban Chuyên án nắm được, ngày 15/2/2019, đối tượng Vàng Chu Giang Bria Chơ (25 tuổi, quốc tịch Lào) thuê nhiều đối tượng băng rừng gùi ma túy đá, tập kết tại cánh rừng gần quốc lộ 8A, đoạn qua xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn. Ban Chuyên án họp bàn, quyết định phải bắt được đối tượng cầm đầu Bria Chơ, tránh không để “rút dây động rừng”.

Sau nhiều giờ mật phục, đến khoảng 1 giờ, ngày 16/2/2019, Bria Chơ cùng đàn em lái ô tô đi vào rừng kiểm tra ma túy. Tại đây, hàng chục trinh sát từ nhiều phía đã ập tới khống chế Bria Chơ, thu tại hiện trường 12 bao tải đựng 294kg ma túy tổng hợp dạng đá.

Tiếp đó, ngày 6/3/2019, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP và Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với Cục Cảnh sát chống ma túy, Bộ An ninh Lào phá thành công Chuyên án 015AV, bắt quả tang 2 đối tượng người Lào là Tếnh Và và Kay Lỳ khi chúng đang cắt rừng vận chuyển 600.000 viên ma túy tổng hợp, 36 bánh heroin từ Lào vào Việt Nam. Gần đây nhất, vào ngày 10/6/2019, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP chủ trì phối hợp với BĐBP Nghệ An, Công an tỉnh Hủa Phăn (Lào) đấu tranh thành công Chuyên án 026AV, bắt quả tang đối tượng Xênh Giàng (21 tuổi, người Lào) vận chuyển 30 bánh heroin từ bên kia biên giới vào Việt Nam...

Tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, tinh vi và liều lĩnh, lượng ma túy tuồn vào Việt Nam ngày càng lớn. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm soát, đấu tranh, phòng chống ma túy từ nước ngoài thẩm lậu vào Việt Nam.

Ngày 27/3/2019, tại ngã tư An Sương, huyện Hóc Môn, TPHCM, Công an TPHCM và lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ các đối tượng sử dụng xe ô tô chở 900 bánh heroin (khoảng 350 kg) từ tỉnh Bình Dương lên kho hàng ở quận Bình Chánh, TPHCM. Trước đó, ngày 20/3/2019, Công an đã khám xét một kho hàng ở phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM). Qua đó, thu giữ 300 kg ma túy đá, bắt giữ 11 người liên quan, gồm 8 người Trung Quốc và 3 người Việt Nam...

Cả 2 vụ án trên, đối tượng cầm đầu đều là người Đài Loan, Trung Quốc. Ngày 12/4/2019, tại địa bàn quận 5, TPHCM, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, thu giữ nhiều gói ma túy ngụy trang trong các gói trà, cà phê đặt trong loa thùng đang được chất sẵn trên 3 xe ô tô. Mở rộng điều tra, Công an thu giữ tổng cộng 1,1 tấn ma túy các loại. Nhiều đối tượng liên quan trong đường dây này mang hộ chiếu Đài Loan. Ngày 10/5/2019, lực lượng chức năng thu giữ khoảng 500 kg ketamine tại nhiều kho hàng ở quận Bình Chánh, TPHCM. Gần đây nhất, ngày 15/5/2019, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đã bắt 1 đối tượng dùng ô tô vận chuyển 20 bánh heroin và 57 kg heroin từ Long An lên TPHCM tiêu thụ.

Nhìn vào quá trình hoạt động của nhiều đường dây ma túy “khủng” đã bị triệt phá có thể thấy rất nhiều điểm chung. Đó là các đối tượng cầm đầu là người nước ngoài, nhập cảnh vào TPHCM dưới danh nghĩa du lịch. Chúng cấu kết với một vài người bản địa rồi tìm cách đưa ma túy về các kho hàng ở ngoại ô TPHCM. Sau đó, chúng đưa ma túy ra nước ngoài để tiêu thụ. Sau những bàng hoàng bởi những vụ án với hàng tạ, hàng tấn ma túy như vậy, không chỉ cơ quan chức năng mà ngay cả người dân giật mình đặt câu hỏi, tại sao TPHCM lại là nơi được các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia chọn làm nơi trung chuyển?

Các băng nhóm ma túy lập “kho hàng” ở các tỉnh giáp ranh

Theo phân tích của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến TPHCM là nơi mà tội phạm ma túy chọn lựa, trong đó, quan trọng nhất là nơi đây có đông lượng người nhập cư, nhất là nhiều người nước ngoài cư trú. Vì thế, tội phạm có thể dễ dàng trà trộn vào thành phố mà ít bị nghi ngờ. Bên cạnh đó, đây còn là “thị trường” tiêu thụ ma túy lớn do số đối tượng nghiện ma túy tập trung rất nhiều. Theo báo cáo của lực lượng Công an, người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý tính đến thời điểm hiện tại ở TPHCM là hơn 20.000 người (thực tế còn cao hơn rất nhiều), chiếm hơn 10% so với người nghiện cả nước. Các băng nhóm ma túy lập “kho hàng” ở các tỉnh giáp ranh với những phương thức, thủ đoạn mới.

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh BĐBP cho biết: “Điều kiện để một địa phương bị lợi dụng làm nơi trung chuyển ma túy, tái xuất ma túy sang các nước khác, đầu tiên phải có kết nối giao thông rất tốt, rất nhanh với các trung tâm sản xuất ma túy lớn và các nước tiêu thụ. Điều này TPHCM cơ bản hội đủ vì có cả cảng hàng không và cảng biển”.

Tính riêng 3 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng cả nước đã phá 6.562 vụ mua bán, vận chuyển ma túy, bắt giữ hàng chục đối tượng, thu giữ hơn 6 tấn ma túy các loại, trong đó, TPHCM chiếm khoảng 30% các chỉ số trên.

Theo Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, sau khi Bộ Công an, BĐBP đánh mạnh ở một số tỉnh phía Bắc, các đường dây, băng nhóm mua bán ma túy có hướng chuyển dịch vào phía Nam, nhất là TPHCM. Trên thực tế, công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng của chính quyền, lực lượng chức năng cơ sở còn hạn chế. “Điển hình như vụ án vừa bị Bộ Công an triệt phá có một mắt xích ở quận Bình Tân. Người nước ngoài đến đây đầu tư, thuê kho xưởng, lập trụ sở nhưng không thấy họ sản xuất gì. Đã vậy, người lạ thường xuyên ra vào. Công ty sản xuất hàng, xuất khẩu nhưng chỉ có vài ba công nhân làm việc, 2-3 năm mới xuất vài công-te-nơ. Đáng ngờ vậy nhưng cảnh sát khu vực, chính quyền địa phương lại không biết, không đặt dấu hỏi. Đến khi lực lượng của Bộ Công an vào bắt các đối tượng núp bóng doanh nghiệp mua bán ma túy thì mới vỡ lẽ. Điều đó chứng tỏ lực lượng cơ sở không sâu sát, thiếu chặt chẽ trong quản lý, theo dõi địa bàn”, Đại tướng Tô Lâm dẫn chứng.

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM đồng quan điểm: “Đây là xu hướng ma túy mới, phải hết sức cảnh giác. Qua đường đi của các đường dây ma túy, TPHCM phải thấy trách nhiệm quản lý địa bàn. Đối tượng vận chuyển ma túy vào TPHCM đăng ký hoạt động doanh nghiệp, mà thực tế không hoạt động thường xuyên”.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, tội phạm ma túy trên địa bàn TPHCM có dấu hiệu diễn biến rất phức tạp. Ma túy không chỉ đến TPHCM từ khu vực “Tam giác vàng”, Nam Mỹ, mà còn được vận chuyển đến từ một số quốc gia châu Âu dưới hình thức quà biếu phi mậu dịch thông qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh... Hơn nữa, nhiều “trùm ma túy” đã nghiên cứu rất kỹ để lợi dụng kẽ hở của cơ chế chính sách thông quan qua việc phân luồng tự động để buôn lậu hàng hóa có giá trị cao, không loại trừ cả ma túy.

Top