Cách thức hoạt động của mô hình phòng tiêm ma túy an toàn tại Châu Âu

21/08/2019 10:55

Trên khắp Châu Âu, các phòng tiêm an toàn dành cho người sử dụng ma túy, với mô hình hoạt động khá tương đồng, đã và đang góp phần giảm thiểu đáng kể các ca tử vong do dùng thuốc quá liều.

* “Phòng tiêm an toàn” là chìa khóa ngăn chặn tình trạng tử vong do ma túy

Các nhân viên y tế sẽ kiểm tra chất lượng ma túy trước khi dùng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nguồn: The Guardian

Theo thống kê, mỗi ngày có hàng nghìn người sử dụng ma túy tại 78 phòng tiêm an toàn trải khắp các nước thuộc khu vực Châu Âu.

Ông Anders Larsen, nhân viên y tế của một phòng tiêm an toàn tại Đan Mạch cho biết: “Chúng tôi làm mọi biện pháp để đảm bảo an toàn nhất có thể cho những người sử dụng ma túy tại đây. Đầu tiên ma túy sẽ được kiểm tra bằng các máy chuyên dụng để đảm bảo rằng chúng là an toàn khi sử dụng. Sau nữa là những người đến đây được dùng kim tiêm sạch đã được tiệt trùng. Trong quá trình sử dụng ma túy, nếu những người này có dấu hiệu sốc thuốc chúng tôi sẽ lập tức cho dùng thuốc chống ngộ độc ma túy và chuyển họ đến ngay bệnh viện để điều trị kịp thời”.

“Mỗi người tới đây sẽ có 35 phút nếu dùng thuốc dạng hút và 45 phút nếu dùng thuốc dạng tiêm. Ở đây chúng tôi mở cửa 24/24 trong tất cả các ngày. Mọi người tới phòng tiêm này đều được quan tâm chu đáo và đối xử công bằng”, ông Anders Larsen cho biết thêm.

Tại các phòng tiêm thuộc mô hình này, bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn tối đa cho những người sử dụng ma túy, các nhân viên y tế còn giới thiệu chi tiết các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện ma túy cho những người có nhu cầu.

Đã có những lo ngại rằng việc triển khai mô hình phòng tiêm an toàn sẽ làm tăng số lượng người sử dụng ma túy, nhưng thực tế điều này đã không xảy ra. Hơn nữa nó còn đem lại những hệ quả mang tính tích cực cho cộng đồng. Một khảo sát tại khu phố Vesterbo (Copenhagen, Đan Mạch) đưa ra kết quả rằng trước khi triển khai các phòng tiêm an toàn mỗi tuần có tới 10.000 ống tiêm bị vứt bỏ trên đường phố, nhưng sau khi các phòng tiêm này bắt đầu đi vào sử dụng từ 2012 con số này giảm mạnh xuống chỉ còn 1.000.

Hiện nay, quan điểm của chính quyền cũng như người dân các nước đối với mô hình phòng tiêm an toàn cũng vẫn còn nhiều sự khác biệt. Đức và Thụy Sỹ đã có luật cho phép các phòng tiêm an toàn chính thức hoạt động.

Tại Đan Mạch và Bồ Đào Nha mô hình phòng tiêm này đã thí điểm được 7 năm và được đa số người dân ủng hộ. Ở Pháp cũng đã triển khai thử nghiệm một số phòng tiêm toàn ở Paris và Strasbourg tuy nhiên vẫn còn có rất nhiều ý kiến tranh cãi xoay quah chủ trương này. Tại Anh, mô hình phòng tiêm an toàn hiện vẫn được thử nghiệm do vấp phải sự phản đối từ phía chính quyền.

Tuấn Minh

Theo The Guardian

Top