Tăng cường mạnh mẽ công tác phòng, chống mại dâm

09/09/2019 16:28

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội co biết, công tác phòng chống mại dâm những tháng cuối năm 2019 và năm 2020 sẽ tập trung xây dựng, đề xuất dự án Luật Phòng, chống mại dâm; tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 và đề xuất các nội dung, giải pháp giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 178/2004/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP…

Các tụ điểm hoạt động mại dâm vẫn phức tạp

Đánh giá công tác phòng, chống tệ nạn xã hội 7 tháng năm 2019, báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, công tác phòng chống tệ nạn xã hội đã đạt được một số kết quả nhất định như từng bước xây dựng và hướng dẫn kịp thời các văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành giữa các sở, ngành trong phòng, chống mại dâm, ma túy đã được tăng cường một cách mạnh mẽ; công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, triệt phá ổ nhóm, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mại dâm được thực hiện một cách tích cực, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với hành vi mại dâm trẻ em và người chưa thành niên…

 Ảnh minh họa

Tuy nhiên, các tụ điểm hoạt động mại dâm vẫn còn phức tạp, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các khu du lịch, khu công nghiệp. Toàn quốc hiện có 91.026 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, trong đó: 44.722 cơ sở lưu trú, 17.015 nhà hàng, karaoke và mát xa, 531 vũ trường và các loại hình khác (quán bia, cắt tóc, gội đầu, quán cafe…).

Theo rà soát của các ngành chức năng, trên cả nước còn khoảng 922 tụ điểm, địa bàn trọng điểm về tệ nạn mại dâm. Số người bán dâm theo thống kê ước tính của các tỉnh, thành phố là 11.639 người. Song thực tế có thể lớn hơn gấp nhiều lần do đặc điểm xã hội, tính di biến động cao nên rất khó khăn trong việc nắm bắt, thống kê.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, theo các đại biểu, khuôn khổ pháp lý về vấn đề mại dâm của Việt Nam hiện nay đã bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn; những quy định hiện hành không bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; thiếu cơ sở pháp lý cho việc triển khai các giải pháp, biện pháp, phương pháp tiếp cận mới trong công tác quản lý mại dâm; chưa cụ thể về điều kiện để bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng ngừa mại dâm; chưa có các chính sách, quy định dịch vụ hỗ trợ phù hợp đối với người bán dâm khi họ có nhu cầu thay đổi công việc, thay đổi cuộc sống.

Thúc đẩy lồng ghép và triển khai các chính sách sẵn có

Để khắc phục những khó khăn trong công tác phòng chống mại dâm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM đã kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 10/PL-UBTVQH về phòng, chống mại dâm. Trong đó bổ sung các quy định về “mại dâm đồng tính” và quy định cụ thể về “trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh” để phát sinh tệ nạn xã hội do mình quản lý.

Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/2004/NĐ-CP và Nghị định số 167/2013/NĐ-CP cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để làm cơ sở kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến tệ nạn mại dâm.

Thực tế cho thấy, năm 2003, Pháp lệnh về Phòng, chống mại dâm ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để giải quyết vấn đề mại dâm ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện và đi vào cuộc sống những chính sách này bắt đầu thể hiện những bất cập, hạn chế đòi hỏi phải sớm khắc phục bằng việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ và thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013.

Yêu cầu xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về quản lý mại dâm cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội; bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan như phòng, chống mua bán người, phòng, chống ma túy và HIV/AIDS.

Theo nhiều chuyên gia, để việc hoàn thiện chính sách, chương trình can thiệp và hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm đạt hiệu quả phù hợp với tình hình thực tiễn cần bảo đảm theo hướng: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật theo hướng bảo đảm tôn trọng quyền con người, chú trọng các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với chính người mại dâm và xã hội, góp phần vào sự ổn định và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo, điều hành, giám sát trong thực thi các chính sách phòng, chống mại dâm và các chương trình hỗ trợ can thiệp. Đồng thời, thúc đẩy lồng ghép và triển khai các chính sách sẵn có về các dịch vụ trợ giúp dành cho người bán dâm trên cơ sở tôn trọng các quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người bán dâm.
Top