Sát cánh cùng các nước xây dựng một khu vực không có ma tuý

10/09/2019 16:35

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khẳng định quyết tâm, thiện chí và cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc, với các quốc gia trong khu vực và thế giới trong công tác phòng, chống ma túy.

* 10 nước sẽ dự Hội nghị cấp Bộ trưởng về chống tội phạm ma tuý xuyên quốc gia

* Hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm ma túy: Cấp thiết, thời sự và đặc biệt quan trọng

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: Hoàng Anh

Chiều ngày 10/9, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia, tại Hà Nội.

Hội nghị có sự tham dự của gần 200 đại biểu đại diện cho các nước và tổ chức quốc tế: Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Philippines, Việt Nam, Cơ quan phòng, chống ma túy (DEA) Hoa Kỳ, Văn phòng Cảnh sát Liên bang Úc (AFP), Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), cùng đại diện các Bộ, ngành thành viên Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm và các tỉnh giáp biên với Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Chính phủ Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, ma túy là hiểm họa và là vấn nạn chung của toàn cầu, đã và đang gây ra những hậu quả tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong khi đó, chính sách phòng, chống ma túy khác biệt trên toàn cầu đã gây ra những khó khăn nhất định trong giải quyết có hiệu quả vấn đề này.

Theo thống kê, diện tích gieo trồng thuốc phiện trên toàn cầu hiện nay đã tăng khoảng 60% so với một thập kỷ trước; số người sử dụng ma túy ngày càng tăng, hiện nay đã cao hơn 30% so với năm 2009; số lượng thuốc phiện, ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới ngày càng lớn hơn...

Khu vực Đông Nam Á, đặc biệt tại khu vực 6 nước tiểu vùng sông Mê Công, diện tích gieo trồng cây thuốc phiện vẫn đứng thứ hai trên thế giới. Khu vực Tam Giác Vàng ở tiểu vùng sông Mê Công đã trở thành trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới. Số lượng người sử dụng ma túy trong các nước khu vực không giảm, thậm chí có xu hướng gia tăng.

Nhiều tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia đóng vai trò làm cầu nối giữa cung và cầu với nhiều phương thức thủ đoạn đối phó, thậm chí chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng. Những diễn biến phức tạp này đang tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự cho các nước trong khu vực, thách thức lộ trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Trong hơn 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán về chính sách, tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp giảm cung, giảm cầu kết hợp với giảm tác hại do ma túy gây ra.

Việt Nam đã rà soát, đánh giá việc thi hành và sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 nhằm củng cố cơ sở pháp lý trong nước phù hợp với diễn biến tội phạm ma túy trong tình hình mới; đề ra các chính sách vĩ mô như Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy với mục tiêu dài hạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đầu tư có trọng điểm các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy của Chính phủ; đã tổ chức cai nghiện bằng các hình thức cho hơn 50 nghìn lượt người mỗi năm kết hợp với điều trị thay thế bằng Methadone; phá nhổ cơ bản diện tích gieo trồng và chống tái trồng cây thuốc phiện.

Hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ngày càng được nâng lên. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng của Việt Nam đã điều tra, triệt phá gần 12 nghìn vụ án liên quan đến hoạt động mua bán, sản xuất và vận chuyển ma túy, thu giữ hàng tấn ma túy tổng hợp, bóc gỡ nhiều đường dây tội phạm ma túy có tổ chức xuyên quốc gia, bắt giữ nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu người nước ngoài.

Phó Thủ tướng thường trực nhấn mạnh Việt Nam luôn tích cực, chủ động tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy với các nước ký kết Hiệp định hợp tác, các nước có chung đường biên giới, các tổ chức quốc tế, khu vực và các nước đối tác tài trợ như Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC), Cơ quan phòng, chống ma túy của Hoa Kỳ (DEA), Cảnh sát Liên bang Úc (AFP), các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar..Qua đó góp phần tăng cường sự gắn kết, thúc đẩy hiệu quả thực thi pháp luật, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phòng, chống ma túy ở trong nước.

Trưởng đoàn các nước, tổ chức quốc tế chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: Hoàng Anh

Kịp thời ứng phó với tội phạm ma túy

Trong bối cảnh thế giới hiện đang đối mặt với những quan điểm bất đồng trong chính sách phòng, chống ma túy ở một số quốc gia và khu vực, đặc biệt là xu hướng hợp pháp hóa việc sử dụng ma túy hiện nay, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị các nước khẳng định tính chất nền tảng trong xây dựng và điều chỉnh chính sách phòng chống ma túy của 3 Công ước Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy, Tuyên bố chính trị và kế hoạch hành động phòng, chống ma túy năm 2009, Tuyên bố Bộ trưởng 2014, Văn kiện UNGASS 2016.

Trên cơ sở đó, các nước chủ động vận dụng chính sách phòng, chống ma túy một cách linh hoạt, phù hợp bối cảnh và tình hình ma túy ở mỗi nước. Bảo đảm nguyên tắc cốt lõi, chính sách, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy nói chung và tội phạm ma túy xuyên quốc gia nói riêng của mỗi quốc gia không làm ảnh hưởng, hạn chế tới nỗ lực, giải pháp phòng chống ma túy của quốc gia khác.

Bên cạnh đó, các nước tham gia tích cực và nâng cao hơn nữa vai trò chủ đạo trong xây dựng các chính sách, chiến lược kiểm soát ma túy của quốc gia và khu vực; tăng cường hơn nữa tính tự chủ, trực tiếp tham gia đóng góp và chia sẻ trách nhiệm huy động các nguồn lực cho các sáng kiến phòng, chống ma tuý của khu vực và thế giới, trong bối cảnh nguồn lực của quốc tế dành cho công tác phòng, chống ma túy suy giảm.

Các chương trình, khuôn khổ hợp tác quốc tế phòng, chống ma túy của khu vực cần được xây dựng, thiết kế đảm bảo tính thực tiễn, phù hợp với tình hình của khu vực và khả năng nguồn lực; gắn kết các cơ chế hợp tác khu vực hiện có với các nỗ lực chung của thế giới và các khu vực khác; khuyến khích các hoạt động hợp tác song phương giữa các quốc gia thành viên.

Các nước đối tác, tổ chức ủng hộ các sáng kiến phòng, chống ma túy của các nước khu vực, hỗ trợ các nguồn lực để triển khai các sáng kiến hợp tác phòng, chống ma túy; tài trợ trang thiết bị, tổ chức các khóa tập huấn nâng cao nghiệp vụ về phòng, chống ma túy cho sĩ quan các nước trong khu vực.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định lại quyết tâm, thiện chí và cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc, với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

“Việt Nam đã, đang và sẽ luôn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, luôn sát cánh cùng các nước trong khu vực và trên thế giới thực hiện nghiêm túc những cam kết và thỏa thuận đã đạt được; nỗ lực phấn đấu cho các mục tiêu chung của khu vực, vì hoà bình, ổn định, phát triển thịnh vượng và xây dựng một khu vực không có ma tuý”, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Tại Hội nghị lần này, đại biểu các nước cùng thảo luận thẳng thắn và thực chất về những thách thức, cơ hội, hướng đi hợp tác trong giai đoạn tới, tạo tiền đề cho những bước tiến mới trong công tác phối hợp kiểm soát ma tuý giữa các nước, đặc biệt là đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia; tìm ra những biện pháp cụ thể nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới.

Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia do Việt Nam khởi xướng được kỳ vọng sẽ là một diễn đàn thiết thực để lực lượng chức năng phòng, chống ma túy các nước chia sẻ, trao đổi thông tin cập nhật về diễn biến tình hình, kết quả đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy, cũng như bàn các giải pháp cụ thể và có hiệu quả để kịp thời ứng phó với tội phạm ma túy.

Hoàng Anh

Top