Giải pháp mới cho công cuộc ứng phó với AIDS

10/09/2019 12:11

Dự án Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 10 và sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 11. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS là cơ hội tốt cho các cơ quan thực thi pháp luật đề xuất các chính sách, giải pháp mới cho công cuộc ứng phó với AIDS, giúp duy trì các thành tựu đã đạt được cũng như những mục tiêu và cam kết trong giai đoạn tới.

 Ông Đặng Thuần Phong phát biểu tại hội thảo

Ngày 10/9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức Hội thảo Khu vực phía Bắc đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và bạo lực trên cơ sở giới.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV, nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về phòng, chống HIV/AIDS thể hiện tại Nghị quyết số 20/NQ –TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và thể hiện cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đó là: “Cơ bản chấm dứt AIDS vào năm 2030”. Quốc hội đã nhất trí đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật, phòng chống HIV/AIDS vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Dự án Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 10 và sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 11. Việc sửa đổi, bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS là cơ hội tốt cho các cơ quan thực thi pháp luật đề xuất các chính sách, giải pháp mới cho công cuộc ứng phó với AIDS, giúp duy trì các thành tựu đã đạt được cũng như những mục tiêu và cam kết trong giai đoạn tới.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay có hơn 115 nghìn người nhiễm HIV đang được điều trị ARV, con số này sẽ tiếp tục tăng khi nguồn viện trợ quốc tế cho hoạt đọng này đang giảm dần. Chủ trương sử dụng BHYT là nguồn thay thế và yêu cầu các địa phương phải bảo đảm 100% người nhiễm có thẻ BHYT được xem là chiến lược quan trọng để duy trì bền vững chương trình điều trị ARV. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển giao ARV nguồn viện trợ sang nguồn BHYT và năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện hướng dẫn các tỉnh, thành phố dự trù thuốc ARV nguồn BHYT nên việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn.

Các đại biểu cho rằng, việc triển khai Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác phòng chống HIV/AIDS cũng đối diện với một số khó khăn, thách thức như: sự hạn chế tiếp cận thông tin về người nhiễm HIV; nguồn lực dành cho công tác này còn hạn chế...

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, các ý kiến đề nghị, cần mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để thực hiện được công tác giám sát dịch HIV/AIDS, xét nghiệm, chuyển gửi, quản lý chăm sóc, điều trị ARV.

Cùng với đó, để bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của tất cả các đối tượng khác nhau trong dự phòng, chăm sóc, điều trị ARV, theo các đại biểu, Nhà nước cần bảo đảm nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường công tác truyền thông, các hoạt động nhằm xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong môi trường sống, học tập, đặc biệt là trong các cơ sở y tế; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT, đặc biệt trong điều trị HIV/AIDS thông qua BHYT…
Top