Dùng thuốc trong cai nghiện ma túy đá

05/11/2019 14:41

Khi bị nghiện ma túy đá người nghiện cần được điều trị tại các khoa tâm thần hoặc các trung tâm cai nghiện. Vậy có những thuốc nào dùng trong trường hợp này?

Theo PGS. TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103), ma túy đá bao gồm methamphetamin và MDMA (ecstasy) có tinh thể màu trắng như nước đá nên được gọi là ma túy đá (bắt nguồn từ chữ ice trong tiếng Anh). Ngoài ra nó còn được gọi là viên lắc.

Hiện nay số người sử dụng methamphetamin và MDMA trên toàn thế giới ước tính khoảng 26 triệu người (hoặc 0,6% dân số thế giới trong độ tuổi 15-64). Gần hai phần ba số người sử dụng methamphetamin và MDMA sống ở châu Á, tỷ lệ sử dụng được báo cáo cao nhất ở châu Đại Dương.

Tỷ lệ sử dụng cao nhất là trong số những người thuộc nhóm tuổi từ 20-24 tuổi (20% đã từng sử dụng và 11% đã sử dụng gần đây), tiếp theo là nhóm từ 19 tuổi trở xuống. Nhóm tuổi 20-24 cũng có tỷ lệ người sử dụng thường xuyên cao. Độ tuổi trung bình của người sử dụng methamphetamin và MDMA lần đầu tiên là 20,8 tuổi.

Phát hiện methamphetamin và MDMA trong cơ thể

Theo PGS. TS. Bùi Quang Huy, methamphetamin và MDMA thường được phát hiện bằng cách xét nghiệm nước tiểu, mồ hôi, nước bọt bằng các que thử (test nhanh). Các xét nghiệm này có độ nhạy cao nhưng chỉ mang tính chất định tính (xác định có dùng methamphetamin và MDMA hay không) chứ không định lượng được (liều dùng, thời gian dùng). Test nước tiểu thường chỉ dương tính trong vòng 48 giờ sau khi sử dụng methamphetamin và MDMA lần cuối.

Xét nghiệm tìm các chất này trong huyết tương và huyết thanh được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc phải vào viện điều trị. Xét nghiệm tìm methamphetamin và MDMA trong máu áp dụng cả với giám định pháp y các trường hợp tai nạn giao thông, hành vi bạo lực và các trường hợp đột tử. Test huyết tương cho kết quả dương tính trong vòng 72 giờ, sau khi sử dụng methamphetamin và MDMA lần cuối.

Người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ

Điều trị nghiện ma túy đá

Theo PGS. TS. Bùi Quang Huym để điều trị nghiện ma túy đã cần có các bước cụ thể sau.

Thứ nhất là điều trị cắt cơn. Bệnh nhân cần được điều trị nội trú tại các khoa tâm thần để đảm bảo ngừng sử dụng tuyệt đối methamphetamin và MDMA và đảm bảo quá trình điều trị diễn ra đúng dự kiến. Người bệnh được điều trị bằng thuốc an thần, phối hợp với thuốc chống trầm cảm và thuốc bình thần trong thời gian 4 tuần.

Các thuốc điều trị cắt cơn là thuốc an thần thế hệ mới (như olanzapine, quetiapine, aripiprazole, risperidone), có chung các tác dụng: Cắt trạng thái thèm ma túy; ngủ tốt, ăn tốt; chống hoang tưởng, ảo giác; chống tình trạng kích động vận động, ngôn ngữ. Các thuốc an thần mới nhìn chung đều an toàn, không gây ngoại tháp, không gây hội chứng an thần kinh cấp tính, không độc với gan, thận, cơ tim. Tuy nhiên chúng gây ngủ nhiều và tăng cân khi điều trị kéo dài.

Các thuốc chống trầm cảm (sertraline, paroxetine, escitalopram...) có tác dụng cải thiện tình trạng cảm xúc của bệnh nhân, cụ thể là: Giảm tình trạng buồn chán sau cai; giảm lo âu; cải thiện giấc ngủ, giảm cảm giác mệt mỏi; giảm triệu chứng tê, buồn bực chân tay. Một số tác dụng phụ của nhóm thuốc này có thể gặp như khô miệng, đắng miệng, táo bón trong thời gian đầu dùng thuốc.

Các thuốc bình thần (diazepam, bromazepam, clonazepam...) có tác dụng giảm tình trạng lo âu của bệnh nhân như: Giảm lo lắng, bồn chồn; giảm rối loạn thần kinh thực vật; giúp cải thiện giấc ngủ.

Trong thực tế lâm sàng, người ta cần phối hợp ba loại thuốc này với nhau để tăng hiệu quả điều trị. Các thuốc này sẽ được điều chỉnh liều theo thời gian cho phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân cụ thể. Chẳng hạn như tuần thứ nhất bệnh nhân dùng kết hợp 3 loại thuốc olanzapin, mirtazapin và lexomil, olanzapin và lexomil uống làm 2 lần sáng và tối, còn mirtazapin uống vào buổi tối. Đến tuần thứ hai bệnh nhân về cơ bản vẫn uống như tuần đầu nhưng thuốc lexomil thì giảm một nửa liều. Sang tuần thứ ba giữ nguyên hai thuốc olanzapin và mirtazapin như hai tuần đầu, riêng lexomil chỉ uống liều thấp một lần duy nhất vào buổi tối. Đến tuần thứ tư bệnh nhân chỉ sử dụng hai loại thuốc là olanzapin và mirtazapin, thuốc lexomil cắt, không dùng nữa.

Thứ hai là điều trị củng cố. Điều trị củng cố cho bệnh nhân thực hiện ở nhà (ngoại trú). Bệnh nhân vừa đi học hoặc đi làm, vừa uống thuốc. Tuy nhiên, do không có thuốc đối kháng đặc hiệu cho ma túy đá nên tỷ lệ tái phát vẫn cao nếu gia đình không quản lý tốt bệnh nhân. Các thuốc dùng sau chỉ là điều trị hỗ trợ chống tái phát: olanzapin và mirtazapin, cả hai thuốc này đều chỉ uống một lần duy nhất trong ngày vào buổi tối với liều thấp. Thời gian điều trị củng cố cần duy trì trong tối thiểu 6 năm.

Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng, sự phối hợp thuốc, liệu trình điều trị. Khi có tác dụng không mong muốn xảy ra cần thông báo cho bác sĩ để được xử lý hoặc có những lời khuyên thích hợp.

Top