Ký ức khó quên của thiếu tá biên phòng bắt ma túy

08/11/2019 09:22

Mai phục nhiều giờ đồng hồ, cắn răng chịu để muỗi tấn công trong thời gian dài hay những giây phút hồi hộp đối diện thời khắc quan trọng… là những kỷ niệm khó quên trong gần 20 năm công tác của vị thiếu tá biên phòng.

Nhìn nụ cười hiền, giọng nói ấm áp của người đàn ông trước mặt, ít ai ngờ anh chính là trinh sát rất giỏi trên mặt trận phòng, chống tội phạm ma túy nơi vùng biên ải. Đó là Thiếu tá Phan Hữu Thực, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang).

Chiến công đầu đời của người lính biên phòng

Năm 2003 là thời điểm người lính trẻ Phan Hữu Thực mới ra trường. Sau mỗi ngày làm việc miệt mài, tối rảnh anh lại “nhập vai thường dân” để nắm tình hình địa bàn. Lúc là người lái xe ôm, khi là người buôn hoa quả… Có bận anh một mình theo người lên tận điểm mua bán ma túy ở Campuchia để biết.

Thời điểm đó, ở An Giang xuất hiện một số nhóm buôn bán ma túy hoạt động vô cùng bí mật. Qua nguồn tin từ quần chúng, anh biết có một người nghiện cần sa ở Châu Đốc. Người này hay qua Campuchia lấy hàng về vừa xài vừa bán lại cho dân nghiện kiếm tiền.

Sau cả tháng bí mật theo dõi, nắm bắt quy luật hoạt động, anh và đồng đội quyết định “cất vó”. Hôm đó khoảng 10 giờ 30, người đàn ông qua cửa khẩu sang đất Campuchia và chừng ba tiếng sau thì trở về cùng một người cháu. Ngay khi vừa lên đò và đặt chân lên địa phận Việt Nam, cả hai bị bắt cùng 2 kg cần sa, là số tang vật khá lớn lúc bấy giờ. “Cảm giác lúc phá án hồi hộp, phá xong thì nhẹ nhõm, tự hào và đây là kỷ niệm đầu tiên liên quan đến phá án ma túy sau ngày tôi ra trường” - anh cười nhớ lại.

 Bộ đội biên phòng với đồng bào biên giới

 Một vụ bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép cần sa qua biên giới

Chuyến đò biên giới dài như một thế kỷ

Một vụ khác, Thiếu tá Thực kể, hôm đó là thứ Bảy, nguồn tin bí mật báo rằng người vận chuyển ma túy tên Hiền sẽ lên chợ ở Campuchia lấy hàng mang qua Việt Nam. Thời điểm này xung quanh Hiền có nhiều đàn em thân tín với ngoại hình đô con, xăm trổ đầy mình. Anh lặng lẽ chọn một góc nhỏ chờ đợi.

Từ 10 giờ trưa đến gần 2 giờ chiều, Hiền hết ngồi cà phê chán chê lại vào khu đèn đỏ cạnh đó đánh bài. Rồi một cuộc gọi tới, Hiền bật dậy thanh toán và đi ra bến đò. “Lúc đó trên đò chỉ có 3-4 người. Nếu tôi lên thời điểm này chắc chắn sẽ bị nghi ngờ ngay, khả năng hắn quay vào bờ rất lớn” - anh kể.

Khi khoang tàu đã chật ních người, đò rời bến quay đầu hướng về Việt Nam, một vị khách tất tả chạy tới vừa chuyến. “Vị khách” cuối cùng trên chuyến đò chiều hôm ấy chính là anh. Thấy “khách đò”, Hiền tái mặt vì nhận ra “khắc tinh”.

Tổng cộng thời gian đò sang chỉ chừng 5 phút nhưng với anh đó là chuyến đò dài nhất, suy nghĩ mệt nhất trong hơn chục năm công tác. “Rất nhiều tình huống được đặt ra lúc đó, lỡ hắn nhảy xuống sông, bơi lại vào bờ Campuchia là mình thua. Nó phi tang đống tang vật xuống sông thì phải làm sao? Chưa kể tới trường hợp đường cùng hắn làm liều gây chuyện đánh nhau với anh trên chuyến đò...”. Bao nhiêu câu hỏi và các dự báo đáp án xuất hiện liên hồi trong suy nghĩ của anh.

Hai người đàn ông lặng lẽ với những tính toán riêng và đúng như một trong số các dự đoán, lúc còn cách bờ khoảng 1 m, Hiền bất ngờ phóng mình qua khoảng nước trống, chạy bộ như bay hòng tẩu thoát.

Song lúc này thì quá dễ dàng. Tính toán của kẻ tội phạm trở nên vô nghĩa ngay lập tức, một tổ biên phòng đã mật phục trên bờ đón lõng sẵn. Hiền sa lưới cùng 470 viên hồng phiến. Bộ đội đã tiến hành bàn giao Hiền cho Công an tỉnh An Giang để tiếp tục mở rộng điều tra. Các đơn vị chức năng sau đó bắt thêm người anh rể Hiền cùng dàn chân rết.

Nói về quá trình 16 năm công tác, vị phó đồn trưởng không ngại thừa nhận chơi với rất nhiều tầng lớp ở địa phương. Những lần được rủ nhậu, trong đó có cả người nghiện, anh thường bận quần đùi, xách theo bọc xoài, cút rượu tham gia. Anh bảo chơi để biết, để nắm tình hình địa bàn và chơi để khuyên họ.

Và những mối quan hệ ấy đã giúp nhiều trong công việc. Có bận đang nằm ngủ, bạn nhậu gọi tới báo: “Có người trên TP nhắn bảo tớ dắt đi mua hàng để chuyển qua cửa khẩu”, thế là vùng dậy đi. Lần ấy mai phục, muỗi cắn quá trời vẫn phải cắn răng chịu, thế mà không bắt được. “Tuy nhiên, đến đêm sau, kẻ tội phạm nhờ “nguồn tin” dắt đi mua hàng sa lưới cùng tang vật là nhiều ma túy” - thiếu tá biên phòng cười, kể về cái lợi khi có quan hệ tốt với người dân địa phương.

Vợ tôi mới là anh hùng

Ngày được Ban chỉ huy Đồn biên phòng tỉnh An Giang kể về anh, chúng tôi bày tỏ mong muốn được viết bài nhưng anh liên tục lắc đầu từ chối. Phải thuyết phục rất nhiều anh mới nhận lời đồng ý nhưng luôn dặn: “Tôi nghĩ rằng đó là công việc của mình. Nếu gọi đó là chiến công thì đó là công sức của cả một tập thể chứ không riêng gì một mình tôi”.

Nói về vợ, vị thiếu tá biên phòng rất “thần tượng”. Anh chia sẻ hai lần sinh con thì vợ đều một mình vượt cạn vì anh không thể ở cạnh. Theo anh, là phụ nữ, những thời điểm quan trọng thế mà thiếu sự có mặt của chồng, ai chẳng tủi thân. May là vợ hiểu và thông cảm.

“Tôi nghĩ rằng không chỉ vợ tôi mà vợ của những người lính biên phòng mới là những người hùng thực sự, họ là những người hùng dù không được phong danh hiệu. Nhờ có họ mà chúng tôi yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ” - anh nói.

Top