Nam phạm nhân và nỗi ân hận dày vò...

14/11/2019 09:44

Cặp bồ, thuê nhà trọ sống để bán ma túy, Lý Minh Bình, SN 1967 ở Lao Chải, Sa Pa (Lào Cai) không nghĩ rằng quãng thời gian sống hưởng thụ chỉ biết cho riêng mình ấy phải trả bằng một cái giá mà nếu được làm lại, anh ta sẽ không bao giờ đánh đổi. Cái giá đó không chỉ là bản án 20 năm tù mà còn là sự qua đời của người mẹ sau cơn đột quỵ và cái chết bất ngờ của cậu con trai trên đường đi làm về.

Tâm sự với chúng tôi, Bình bảo tại anh ta gieo rắc cái chết trắng cho đồng loại, phá hạnh phúc của nhiều gia đình nên bị quả báo. Với một người đã ở bên kia dốc cuộc đời như Bình, sự ra đi đột ngột của người thân cũng phải tìm một lý do để giải đáp những thăng trầm trong cuộc sống.

Cặp bồ, bán ma túy

Nếu không xem hồ sơ trước, hẳn chúng tôi đã rất bất ngờ khi biết kẻ đang ngồi trước mặt mình, khoác áo phạm nhân ấy lại có tài đến nỗi quyến rũ được hẳn một cô gái kém tới hai chục tuổi về chung sống như vợ chồng. Ở Bình không có gì nổi trội, có chăng là nước da đen sậm nhưng cách nói chuyện thì cứ tưng tửng và pha chút hài hước. Lẽ nào đó là cái duyên của anh ta.

Sinh năm 1967, Bình bảo anh ta lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em nhưng tất cả đều được cái nết ham học. Chỉ có Bình là kém cỏi nhất vì thấy “làm nghề gì cũng chỉ để kiếm tiền thì thà đi kiếm tiền từ sớm, đỡ phải học cho đau đầu”. Bố mẹ nói thế nào cũng không được, Bình nghỉ học ở nhà đi buôn ngựa. Khéo miệng và có duyên buôn bán nên nhiều khi chẳng cần ra chợ, ngồi ở nhà Bình cũng kiếm được tiền. Tháo vát trong buôn bán, vì thế mà người đàn ông này chẳng khó khăn gì trong việc tán gái. Năm 17 tuổi Bình có vợ, một năm sau thì thành ông bố trẻ và khi chưa đầy 25 tuổi, Bình đã là bố của ba đứa con.

Người ta thường có câu “trẻ không ăn chơi, già đổ đốn” để nói về những người thời trai trẻ sống mẫu mực bao nhiêu thì khi về già sống buông thả bấy nhiêu. Bình cũng gần như vậy. Nếu như những năm tuổi đôi mươi, Bình chỉ biết chí thú làm ăn, vun vén cửa nhà thì khi các con đã biết đỡ đần việc nhà thì Bình bập vào thói ăn chơi. Ban đầu là hút hít và sau khi dính nghiện thì anh ta thuê nhà trọ sống với bồ. Cuộc sống xoay vòng với mua bán và sử dụng ma túy lúc này thực sự bắt đầu.

Theo hồ sơ phạm nhân, Bình đã 4 lần mua ma túy, mỗi lần khoảng 2 cây heroin đem về phòng trọ chia nhỏ, bán lẻ cho các con nghiện. Được một thời gian thì việc làm của Bình và cô nhân tình bại lộ. Với những tang chứng thu được tại nơi ở trọ, kết hợp với lời khai của một số con nghiện, kết quả là Bình phải trả giá bằng bản án 20 năm tù, về trại giam Thanh Phong cải tạo.

Hỏi Bình cứ sống quay quắt trong cái vòng luẩn quẩn của ma túy, đã khi nào thấy lo sợ và muốn dứt ra không, người đàn ông này trầm ngâm một lúc rồi đáp: “Những lúc lên cơn nghiện thì chỉ mong sao có ma túy để hút hít nhưng khi tỉnh rồi, tôi cũng có sợ hãi. Cũng nhiều lần tôi mơ hồ nghĩ tới cảnh bị bắt, tù tội. Nhưng không sao dứt ra nổi. Đến khi cô bồ bỏ qua biên giới lấy chồng thì tôi thực sự tuyệt vọng, không còn nghĩ tới chuyện làm lại cuộc đời nữa”.

Bình bảo rằng thời điểm cô bồ bỏ đi, ông ta đã rất chán đời và cảm giác cuộc sống xung quanh chỉ là dối lừa nên tìm đến ma túy để quên đi tất cả. Nhưng rồi những năm tháng cải tạo đã khiến Bình phải suy nghĩ lại. “Trong đời tôi có hai cái đau buồn nhất và sẽ nỗi ân hận đến hết đời. Đó là khi mẹ tôi qua đời và năm ngoái là sự ra đi của đứa con trai duy nhất”, Lý Minh Bình tâm sự, ánh mắt đượm buồn.

Các phạm nhân trại giam Thanh Phong trong giờ cải tạo lao động

Suy nghĩ về cái chết của người thân

Theo lời Bình kể thì sau khi bị bắt về tội mua bán ma túy, một thời gian sau thì mẹ đột ngột qua đời. Bình không hề biết gì cho đến khi hầu tòa. Nhìn các anh chị đeo khăn tang tới dự, Bình không hiểu chuyện gì đang diễn ra và khi biết nguyên nhân thì Bình đã khóc nấc lên. “Các anh chị bảo mẹ đột quỵ vì tai biến, nửa tháng sau thì mất. Lúc qui tiên cũng không trăng trối được điều gì”, Bình kể.

Bình bảo rằng mặc dù cả nhà đều giấu nhưng Bình lờ mờ hiểu rằng chính cái tin mình bị bắt đã khiến mẹ sốc mà lên cơn đột quỵ. Nỗi mặc cảm của đứa con bất hiếu cứ đeo đẳng Bình cho đến những ngày về trại giam Thanh Phong cải tạo. Nhớ lại những ngày đó, Bình bảo nhiều lúc đi làm, mắt chỉ nhìn quanh xem có chỗ nào có thể chết được vì trong đầu chỉ có ý tưởng tự sát. Nhưng rồi khi nghe tin con trai thi đỗ CĐ du lịch đã như cái phao cứu sinh để Bình neo lại với cuộc đời. “Ngay từ khi tôi chưa sa ngã, các con tôi đã là những đứa trẻ chăm chỉ và ngoan ngoãn. Chúng rất chịu khó học hành nhưng không ngờ…”, Bình kể.

Theo lời Bình thì con trai lớn của ông ta học giỏi, được về trường năng khiếu của tỉnh học. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp phổ thông, cậu bé này lại không dự thi ĐH mà muốn học ngành du lịch để sớm được đi làm đỡ đần mẹ, vừa thỏa niềm ao ước được đi khắp mọi miền Tổ quốc.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, Bình và con trai đã có những phút giây hạnh phúc. Ấy là những khoảnh khắc nhận thư từ con trai, những đêm nắn nót viết thư cho con rồi háo hức chờ hồi âm. Rồi là những buổi cuối tuần hiếm hoi hai bố con được gặp nhau. Bình bảo những lá thư của con và những buổi gặp gỡ với các con như tiếp thêm nguồn sống cho người cha tội lỗi, khiến Bình có thêm động lực và quyết tâm cải tạo. Bình thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn và cũng khao khát sống hơn khi biết tin con trai sau khi ra trường vào làm tại một Cty du lịch ở Lào Cai.

Con gái thứ hai của Bình cũng trở thành y sĩ còn cô con gái út thì năm nay đang bước vào năm cuối cùng của thời học sinh. Bình bảo mừng lắm vì biết ý định của con gái út là sẽ dự thi vào Học viện Quân y. Chẳng còn niềm vui nào lớn hơn khi thấy các con đều trưởng thành và ngoan ngoãn. Thế nhưng phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Cách đây mấy tháng, Bình nhận được tin con trai thiệt mạng trong một tai nạn giao thông.

“Tôi không ăn không ngủ mấy ngày trời, tưởng như hóa điên khi biết tin con trai chết. Nó là con trai độc nhất của dòng họ, còn chưa kịp lấy vợ thì đã ra đi. Ngẫm lại thấy đời đúng là có nhân có quả. Tại tôi làm điều ác nên giờ chịu trừng phạt”, Bình bộc bạch, giọng nói nhỏ như thể tự an ủi bản thân.

Mong được làm lại để không mắc sai lầm hay mắc lỗi là điều không thể xảy ra và chỉ ít người sau khi phạm lỗi có đủ dũng cảm nhìn lại mình để có quyết tâm sửa lỗi, làm lại. Trong những từ “giá như” và “nếu” mà Bình thốt lên khi trò chuyện với chúng tôi, cho thấy rằng người đàn ông này đang thực sự nuối tiếc và ân hận. Sự thành thật của ông ta và những chia sẻ rằng có luật nhân quả mà dông bão hôm nay do chính tay mình gom gió từ những ngày trước đó mà Bình bày tỏ khiến chúng tôi cứ suy nghĩ miên man. Giá như, lại giá như tất cả những người đang chuẩn bị phạm sai lầm hiểu được điều này mà dừng lại thì hẳn sẽ không còn cảnh phải day dứt và tiếc nuối như người đàn ông này nữa.

Top