Các địa phương hưởng ứng 'Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS'

15/11/2019 18:39

Để hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 (từ 10/11-10/12), nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc tổ chức triển khai tháng hành động với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”.

 Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Ngày 15/11, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng 'Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS' năm 2019. Phát biểu tại buổi lễ phát động ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang cho biết: Kiên Giang phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm HIV vào năm 1993, tính đến tháng 10/ 2019, toàn tỉnh đã phát hiện 5.280 người nhiễm HIV, số người nhiễm chuyển sang AIDS là 3.470 người và 1.570 người đã tử vong và 100% xã, phường, thị trấn đã ghi nhận có người nhiễm HIV.

Hơn 25 năm qua tỉnh Kiên Giang đương đầu với HIV/AIDS. Tuy nhiên mỗi năm vẫn phát hiện trung bình khoảng gần 300 trường hợp nhiễm mới, tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng là 0,2%, số người được trị thuốc kháng vi rút chưa cao, chỉ được khoảng 54% trong tổng số người nhiễm HIV (1.998/3.680 người)

Cùng với cả nước, các hoạt động diễn ra tại địa phương nhằm hướng tới đạt được mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc, nhằm tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Điều đó có nghĩa là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Các mục tiêu 90-90-90 có liên quan mật thiết với nhau. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội tiếp cận các dịch vụ xét nhiệm HIV. Khi một người được chuẩn đoán nhiễm HIV cần được kết nối với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị.

Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh.

Tại Ninh Bình, nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền lưu động phòng, chống HIV/AIDS

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 15/9/2019, lũy tích phát hiện nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là 4.070 người; trong đó, tổng số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 1.796 người; tổng số trường hợp bệnh nhân AIDS còn sống là 1.182 người và tổng số trường hợp tử vong do AIDS là 1.092 người.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh phát hiện 81 trường hợp nhiễm HIV; số chuyển AIDS là 24 trường hợp và 05 ca tử vong do AIDS.

Trong Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS, địa phương tập trung tăng cường tư vấn cho người có nguy cơ cao thực hành các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ về y tế và tuân thủ điều trị; lồng ghép tuyên truyền vào các cuộc họp tại địa phương; tổ chức nói chuyện chuyên đề phòng chống HIV/AIDS, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng hiểu rõ về bệnh HIV/AIDS và các biện pháp phòng chống; không phân biệt đối xử với người nhiễm và gia đình của họ, từ đó tích cực tham gia đẩy lùi, tiến tới thanh toán căn bệnh thế kỷ này vào năm 2030.

Điển hình, ngày 14/11, địa phương đã tổ chức tuyên truyền lưu động tại các tuyến phố chính trên địa bàn thành phố Ninh Bình, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện tuyên truyền trực tiếp tại một số chợ và các điểm công cộng có đông người dân tham gia, góp phần nâng cao ý thức người dân trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng.

Tại Bắc Ninh, Ban chỉ đạo 138 tỉnh vừa phát động triển khai Tháng hành động quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 với chủ đề  “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”.

Địa phương triển khai nhiều hoạt động phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, địa phương, trong đó Ban chỉ đạo khuyến khích ban ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức lễ phát động trước hoặc trong ngày mở đầu. Riêng Lễ mít tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 tổ chức tập trung trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều hình thức. 

Bên cạnh đó, địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông với nội dung về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV;  lợi ích điều trị bằng thuốc ARV; sự cần thiết, quyền lợi và nghĩa vụ của bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS; tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống HIV/AIDS.

Tùy điều kiện cụ thể các địa phương, đơn vị tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm  HIV, dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại địa phương, đơn vị. Mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như: xét nghiệm HIV dự vào cộng đồng, điểm cấp phát thuốc, điều trị Methadonne cũng như các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV v.v…

Để Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS năm 2019 đạt được các mục tiêu đã đề ra, Ban chỉ đạo 138 tỉnh giao Sở Y tế tỉnh là cơ quan thường trực xây dựng hướng dẫn Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tháng hành động; phân công thành viên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; tổ chức các hoạt động truyền thông. Sở thông tin và truyền thông, Đài PTTH tỉnh, Báo Bắc Ninh phối hợp với Sở y tế tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các cơ quan, ban, ngành thành viên Ban chỉ đạo 138 tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; tổ chức lễ mít tinh cấp huyện, thị xã, thành phố, tổ chức hội nghị, hội thảo, các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi và truyền thông vận động; chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS năm 2019… 

Để hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, TPHCM huy động sự đồng thuận tham gia, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức, các tầng lớp nhân dân trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để đạt được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS tại TPHCM vào năm 2030.

Bên cạnh đó, TPHCM tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIVAIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt trong hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Ngoài ra, Thành phố sẽ tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV và điều trị HIV/AIDS; tăng cường độ bao phủ bảo hiểm y tế đến mọi người dân, đặc biệt cho người nhiễm HIV/AIDS, người dễ bị tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao.
Top