Bà bí thư thu phục nhân tâm ở hẻm ma túy

20/11/2019 12:47

Bà bí thư ngoài 60 tuổi ngày ngày len lỏi vào các con hẻm vận động người dân từ bỏ ma túy, xây dựng khu phố văn hóa.

Khu phố 3 (phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM) nằm giáp bên chợ Bà Chiểu, BV Gia Định, đổ dài về hướng đường Trường Sa, cầu Bông… Nơi đây có những con hẻm ngoằn ngoèo, giăng mắc vào nhau như mạng nhện nên từ lâu nó nổi tiếng với cái tên “hẻm ma túy” bên hông chợ Bà Chiểu.

Nhưng vài năm nay, chợ ma túy này “teo tóp” dần và mất hẳn nhờ cách xuống dân làm công tác dân vận của bà Bí thư chi bộ khu phố 3 Phan Thị Nguyệt (64 tuổi), một trong những gương sáng “Dân vận khéo” của TP.HCM năm 2019.

Mặc đồ bình dị, đi bộ xuống dân

Năm 2010, sau thời gian công tác ở quận Bình Thạnh, bà Nguyệt về nghỉ hưu tại khu phố 3, phường 3. Với bà, về địa phương thì phải làm sao gắn bó, hiểu biết người dân quanh mình và tìm cách làm thay đổi cách sống của họ như là một mệnh lệnh dành cho người đảng viên hưu mà không nghỉ.

Sau khi được bầu làm bí thư chi bộ, làm trưởng khu phố, bà chỉ mong vực dậy khu phố mình. Mỗi ngày bà len lỏi đến các tổ dân phố, tìm cách đi sâu vào trong dân, tìm hiểu địa bàn của mình. “Lúc đó nơi này được mệnh danh là chợ ma túy vì họ buôn bán, hút chích công khai. Có hẻm bước vào là thấy kim tiêm xả đầy mặt đường. Kẻ bán ngồi ở đầu hẻm, có người chạy vào muốn mua thì được chìa cho mẩu thuốc nhỏ... Mấy thanh niên làm thợ hồ, ngày đi làm, tối về hút chích là chuyện bình thường. Người lạ không ai dám bước vào đây cả…” - bà Nguyệt kể.

Bà Nguyệt kể về kinh nghiệm rút ra sau nhiều lần xuống dân: “Bước vào mấy con hẻm này mà mặc đồ mới một chút, nói năng quan cách một chút là bị để ý ngay, không ai thèm nói chuyện với mình dù họ biết mình là cán bộ. Đợt đó có một cô cũng công tác ở khu phố, đến các hộ này vận động, tuyên truyền nhưng làm không khéo nên bị trả thù, ném đồ dơ đầy nhà”.

Từ cái khó đó, bà Nguyệt nghĩ phải luôn tìm cách để hòa nhập với những người dân đặc biệt này. Mỗi lần xuống dân bà ăn vận bình dị, thăm hỏi từng nhà, nhà nào khó khăn thì hỗ trợ cái này cái kia. Có hộ con cái nghiện ma túy mà cha mẹ lại già ốm, không có tiền chữa bệnh thì khu phố tìm cách giúp bảo hiểm y tế, bịch gạo, hộp sữa. Có người chết mà không có quan tài, khu phố cũng nghĩ cách cho…

“Chúng tôi coi họ với bà con bình thường khác là ngang nhau, đối đãi tử tế để dần tạo sự tin cậy, thiện cảm với họ. Từ đó mới dễ vận động, tuyên truyền” - bà Nguyệt nói.

Vì đây vốn là nơi phức tạp, nhiều gia đình cũng là người bặm trợn, khó gần, chả thèm quan tâm đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

“Mình mời họ đi họp tổ dân phố, khu phố, họ không đi đâu. Nhiều lúc khi thấy giấy mời, họ còn nạt lại “họp gì họp hoài thế”. Thấy thông báo đi đóng thuế, họ nói “bận muốn chết, rảnh đâu mà đi”… Lúc này, các tổ trưởng tổ dân phố phải khéo léo mời gọi họ. Có cô tổ trưởng dù đau chân phải đeo đai mỗi ngày nhưng chấp nhận đi bộ để rủ từng hộ đi họp, chứ mình ỷ là đảng viên, leo lên xe chạy cái vèo thì chả ai đi họp cho mình đâu” - bà Nguyệt nói.

 Bà Phan Thị Nguyệt, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 3 (thứ hai từ trái sang), cùng khu phố đi tặng quà cho các hộ khó khăn

Vận động người có số má chịu lắp camera

Cũng nhằm chuyển hóa địa bàn phức tạp, bà bí thư chi bộ kiêm trưởng khu phố 3, (phường 3, quận Bình Thạnh) nghĩ cách lắp camera an ninh cho khu phố mình. Thế là cuộc vận động bắt đầu.

Lúc mang ra bàn luận, lấy ý kiến thì bà con bảo rằng: “Chính quyền bảo chúng tôi lắp camera để xem chúng tôi có bán ma túy không, có hút chích không, có nhậu nhẹt, hát karaoke… không thì chúng tôi gắn làm gì?”. Nhưng rồi mưa dầm thấm lâu, bà Nguyệt vẫn kiên trì vận động, lấy hiệu quả của tổ khác sau khi gắn để vận động tổ dân phố này gắn. Thậm chí còn giảm phân nửa tiền cho các hộ dân, được bao nhiêu thì vận động mạnh thường quân thêm cho đủ.

Bà tìm người có số má, sừng sỏ nhất, phản đối gay gắt nhất vì sợ bị giám sát lúc chơi ma túy hay nhậu nhẹt để vận động trước. Thậm chí khuyên và tạo điều kiện cho họ cùng quản lý tổ dân phố của mình để họ vận động cộng đồng của mình dễ dàng hơn.

Chỉ sau một thời gian, bằng những cách làm tình cảm, giản dị, đi vào lòng người, những người dân ở khu phố 3 dần hòa nhập hơn. Cha mẹ chịu cho con đi cai nghiện, cuộc sống khá hơn, các gia đình cũng không buôn bán ma túy nữa. Từ năm 2012 đến nay, khu phố 3 và các tổ dân phố liên tục đạt danh hiệu văn hóa. “Đến bây giờ địa bàn chúng tôi đã sạch ma túy, an ninh hơn hẳn” - bà Nguyệt tự hào.

Top