Kiên Giang: Huy động sức mạnh tổng hợp, từng bước đẩy lùi ma túy

14/02/2020 16:06

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 16/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Kiên Giang đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp; triển khai Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không có tội phạm và người nghiện ma túy.

Các phong trào, chương trình, mô hình tổ chức vận động, quản lý, giáo dục, cai nghiện, hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng được xây dựng, duy trì thực hiện ở nhiều địa phương, đơn vị.

Các lực lượng chức năng đã phát huy tốt vai trò tham mưu, nòng cốt trong đấu tranh với bọn tội phạm ma túy; tập trung đấu tranh triệt phá nhiều tụ điểm, đường dây mua, bán, vận chuyển ma túy, bắt trên 2.000 đối tượng xử lý nghiêm minh trước pháp luật, lập hồ sơ đưa đi cai nghiện trên 3.000 người nghiện, góp phần kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm khác.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn còn diễn biến phức tạp, tính từ năm 2008 đến nay đã phát hiện 976 vụ, 2.421 đối tượng (tăng 638 vụ 1.722 đối tượng so với cùng kỳ), địa bàn có nhiều tội phạm ma túy và người nghiện ma túy là thành phố Rạch Giá, huyện Phú Quốc, Giồng Riềng, Châu Thành.

Bên canh đó, xuất hiện một số đường dây, tụ điểm hoạt động mua bán, sử dụng ma túy với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt, manh động, sử dụng vũ khí “nóng” chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm và người nghiện các chất ma túy hiệu quả còn thấp; người nghiện các chất ma túy tăng nhanh, lan rộng cả vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo; số người được cai nghiện còn ít, tái nghiện sau cai còn ở mức cao; toàn tỉnh hiện có 2.265 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng 1.914 người so với năm 2008); có 120/145 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy, độ tuổi người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa (từ 16 đến 30 tuổi 1.641 người, chiếm 72,4%). Tội phạm và tệ nạn ma túy làm phát sinh nhiều loại tội phạm khác, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy.

Đặc biệt, tập trung triệt xóa các tổ chức, đường dây, tụ điểm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy ở trong nội địa, biên giới, biển, đảo. Tổ chức kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy từ bên ngoài thẩm lậu vào trong tỉnh. Không để tái trồng cây có chất ma túy; kiểm soát và quản lý chặt chẽ các loại tiền chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần. Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai, làm giảm số người nghiện ma túy mới. Quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội, không để phát sinh tình hình phức tạp, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh.

Theo đó, công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của chính quyền, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân, lực lượng Công an nhân dân làm nòng cốt. Bí thư cấp ủy chịu trách nhiệm chính công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

Công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết liệt, quyết tâm rất cao và cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị-xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Coi trọng công tác cai nghiện tập trung và cai nghiện tại cộng đồng; quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội không để hình thành các đường dây mua, bán và tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy và gây ra các vụ phạm tội hình sự khác.

Ngoài ra, tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Củng cố lực lượng chuyên trách đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu cho công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, nhất là các nước có chung đường biên giới trên bộ, trên biển, phối hợp hành động chung để giải quyết vấn đề ma túy; thực hiện nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa các chất ma túy.

Top