Đắk Lắk: Quan tâm chăm sóc, bảo vệ trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

28/12/2020 17:33

Hiện tất cả trẻ bị nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được phát hiện, quản lý theo hồ sơ, bảo mật thông tin và bảo đảm hưởng đầy đủ chế độ chăm sóc sức khỏe, chính sách theo quy định của nhà nước.

Sau 30 năm ứng phó với đại dịch HIV/AIDS, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nổi bật khi đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Tại Đắk Lắk, bên cạnh công tác phòng, chống, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giúp các em hưởng đầy đủ dịch vụ điều trị, chăm sóc cơ bản và chính sách theo quy định.

Bảo vệ, chăm sóc trẻ bị HIV/AIDS

H.K. (sinh năm 2014) không may bị nhiễm HIV từ khi sinh ra do lây truyền từ mẹ sang con. Mẹ mất, gần hai tháng nay, K. được đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắk Lắk (trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh). Tại đây, K. nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, có bạn bè, được nhân viên trung tâm tận tình chăm sóc.

Em H.K. bị nhiễm HIV từ khi sinh ra, được chăm sóc tận tình tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk hiện nuôi dưỡng, chăm sóc gần 500 đối tượng; trong đó có 150 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi, khuyết tật, cơ nhỡ, một trẻ nhiễm HIV...

Chị Nguyễn Thị Lý, nhân viên Phòng Chăm sóc trẻ em, Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắk Lắk, cho biết khi tiếp nhận em K., Trung tâm đã giúp em hòa nhập, dạy K. tự lập, học bảng chữ cái, ghép vần, hàng tháng đưa đi lấy thuốc. Bên cạnh đó, Trung tâm tuyên truyền, động viên các trẻ không kỳ thị K., biết cách tự bảo vệ bản thân.

Chị Lý tâm sự: “Mình coi K. như con cháu trong nhà. Mong muốn bây giờ là cháu được đến trường đi học. K. rất chăm chỉ, thích học, mỗi lần cô giao viết chữ là ngoan ngoãn và nắn nót viết."

Em Y.Đ.R, sinh năm 2007 ở huyện Cư M’Gar cũng không may mắn khi vừa sinh ra đã bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ. Sau khi mẹ mất, giấy báo tử ghi nguyên nhân là do bị HIV/AIDS, cả gia đình mới biết đi xét nghiệm nhưng may mắn không mỉm cười với Y.Đ.R.

Chị gái của Y.Đ.R. cho biết Y.Đ.R. hay lên mạng tìm hiểu thêm thông tin về căn bệnh HIV/AIDS. Các anh, chị trong nhà đều an ủi, chăm sóc em, hàng tháng đưa đi khám, lấy thuốc. Em rất vui khi thấy Y.Đ.R. kể bạn bè không xa lánh khi biết R. mắc căn bệnh này.

Cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương cho biết khi tiếp nhận thông tin Y.Đ.R. bị HIV, xã đã làm hồ sơ đề nghị R. được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Hiện nay, R. được hưởng trợ cấp 540.000 đồng/tháng, miễn phí bảo hiểm y tế. Chính quyền xã thường xuyên quan tâm, động viên, tặng quà cho R. trong các ngày lễ, Tết. Năm 2020, có thời gian, R. bị ốm nặng, giáo viên trong trường đã vận động, quyên góp được khoảng 8 triệu đồng để hỗ trợ gia đình R.

Trước đây, do ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, người dân địa phương còn xa lánh R. Tuy nhiên, trong các cuộc họp, chính quyền địa phương đã tuyên truyền về căn bệnh, đồng thời vận động người dân không chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, từ đó giúp Y.Đ.R. có cuộc sống thoải mái hơn.

Theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk hiện có 23 trẻ bị HIV/AIDS, trong đó hầu hết do lây truyền từ mẹ sang con. Ông Trần Ngọc Nhân, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện nay, tất cả trẻ bị nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được phát hiện, quản lý theo hồ sơ, bảo mật thông tin và bảo đảm hưởng đầy đủ chế độ chăm sóc sức khỏe, chính sách theo quy định của nhà nước.

Đẩy mạnh công tác dự phòng và truyền thông

Những năm qua, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk chú trọng thực hiện tốt công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Năm 2020, toàn tỉnh có hơn 24.100 phụ nữ mang thai được tư vấn trước xét nghiệm, trong đó số người xét nghiệm HIV là 23.109 người; phát hiện, điều trị ARV cho 15 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, giúp 15 trẻ mới sinh được dự phòng ARV, chỉ có một trẻ cho kết quả dương tính với HIV.

Theo bác sỹ Huỳnh Thị Hồng Sinh, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Đắk Lắk), trên địa bàn tỉnh hiện có hai đơn vị điều trị cho trẻ bị HIV/AIDS là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột.

Những năm qua, trẻ bị HIV/AIDS được tiếp cận sớm với ARV. Ngoài ra, trẻ được khám, tư vấn để uống thuốc đúng-đủ-đều, từ đó ức chế sự phát triển của virus. Hiện 100% phụ nữ đi sinh ở bệnh viện đều được làm xét nghiệm HIV.

Về điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỉnh Đắk Lắk có hai đơn vị điều trị là Bệnh viện Thiện Hạnh và Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo bác sỹ Huỳnh Thị Hồng Sinh nên đưa công tác điều trị dự phòng về bệnh viện tuyến huyện để phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV được tiếp cận sớm hơn với thuốc ARV, ức chế sự phát triển của virus nhằm tránh lây sang cho em bé. Bên cạnh đó, việc khám và cấp phát thuốc hàng tháng cho trẻ bị HIV/AIDS nên đưa về bệnh viện tuyến huyện để bệnh nhân được tiếp cận sớm hơn với thuốc ARV, tiết kiệm chi phí cho gia đình người bệnh...

Để giảm tỷ lệ trẻ bị HIV do lây truyền từ mẹ sang con, hàng năm, ngành y tế đã tổ chức chiến dịch truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua lớp tập huấn, băng rôn… Bác sỹ Huỳnh Thị Hồng Sinh đề nghị cần nâng cao trình độ, kiến thức, đặc biệt là kỹ năng tư vấn cho đội ngũ cán bộ, y bác sỹ làm công tác tư vấn và điều trị HIV.

Bác sỹ Huỳnh Thị Hồng Sinh nhấn mạnh: “Trong cộng đồng vẫn có người nghĩ rằng sự lây lan của virus HIV kinh khủng lắm. Tuy nhiên, bệnh này đã có thuốc ARV ức chế sự phát triển của virus một cách tốt nhất, khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, tức là không lây truyền. Hơn nữa, HIV/AIDS chỉ lây qua ba đường chính là máu, quan hệ tình dục và mẹ truyền sang con. Do đó, rất cần xã hội dang tay đón nhận, yêu thương những đứa trẻ bị HIV/AIDS để giúp các em sinh sống, phát triển bình thường, hòa nhập cộng đồng".

Để bảo vệ, chăm sóc trẻ bị HIV/AIDS, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014-2020. Trong đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp tổ chức 190 lớp tập huấn, tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề cho 10.517 lượt công chức, viên chức, cộng tác viên trẻ em ở thôn, buôn, tổ dân phố và người dân; cấp phát 22.300 tờ gấp, treo hơn 3.000 băng rôn, cờ phướn, chạy chữ tuyên truyền nhân tháng hành động vì trẻ em. Trong các hoạt động truyền thông, Sở lồng ghép tuyên truyền về chăm sóc, bảo vệ 14 nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ bị HIV/AIDS.

Theo ông Trần Ngọc Nhân, Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, trong công tác truyền thông và tập huấn về chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Sở đã chú trọng tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cấp xã nhằm đưa thông tin đến tận vùng sâu, vùng xa. Nhờ sự chung tay của cả hệ thống chính trị, số trẻ bị nhiễm HIV/AIDS đã giảm từ 37 em giai đoạn 1993-2014 xuống còn 23 em năm 2020.

Sở sẽ nghiên cứu tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch chăm sóc, bảo vệ trẻ em bị HIV/AIDS giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 để hạn chế trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và hạn chế thấp nhất tình trạng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Sau hơn 6 năm thực hiện, có thể thấy, chương trình hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2014-2020 có tính nhân văn sâu sắc đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chung tay chăm lo, bảo vệ, giúp trẻ bị HIV/AIDS được hòa nhập, có môi trường thuận lợi để phát triển. Đây cũng là tiền đề thuận lợi để công tác phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đắk Lắk thời gian tới đạt được những kết quả khả quan, tiến tới thực hiện mục tiêu chung “cơ hội Việt Nam chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030”
Top