Cảnh sát biển đấu tranh mạnh với tội phạm ma tuý

06/06/2023 13:55

(Chinhphu.vn) - Cùng với các biện pháp trấn áp tội phạm ma túy, lực lượng Cảnh sát biển cũng thường xuyên tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, chú trọng công tác dân vận để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh tố giác tội phạm ma túy.

Cảnh sát biển đấu tranh mạnh với tội phạm ma tuý  - Ảnh 1.

Lực lượng Đặc nhiệm Phòng chống tội phạm ma túy số 1 (Cảnh sát biển Việt Nam) phối hợp các lực lượng chức năng TP. Hải Phòng triệt phá đường dây ma túy liên tỉnh, thu giữ 9 bánh heroin - Ảnh: Cảnh sát biển

Bến phà Gót là trong những tuyến đường biển quan trọng nối liền huyện đảo Cát Hải với đảo Cát Bà, Hải Phòng. Đây cũng là phương tiện mà các đối tượng buôn bán ma túy trên biển thường lựa chọn nhằm qua mắt lực lượng chức năng, cũng như dễ bề phi tang ma túy xuống biển nếu bị phát hiện.

Ngày 1/6, trên phà biển số hiệu HP-2733 đang hành trình vận chuyển hành khách, hàng hoá và phương tiện từ bến phà Gót sang đảo Cát Bà, lực lượng trinh sát của Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 1 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) bắt giữ đối tượng Lê Văn Nghị (sinh năm 1947, trú tại Thị trấn Minh Đức, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng) đang có hành vi vận chuyển trái phép chất ma tuý.

Lực lượng chức năng thu giữ trong túi quần của đối tượng một bọc được cuộn băng dính màu xanh, bên trong có 5 túi bột dạng cục màu trắng. Theo kết luận giám định, số chất bột màu trắng trên là heroine có trọng lượng 22,88 gram. Tại cơ quan chức năng Nghị khai nhận số heroin trên được thuê vận chuyển ra đảo Cát Bà cho một người đàn ông với giá 2 triệu đồng.

Trong một chuyên án khác, sau thời gian trinh sát, Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy số 1 – Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phát hiện trên địa bàn Hải Phòng có một số đối tượng cấu kết, móc nối với đồng bọn ở tỉnh Điện Biên lập một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đường dây này vô cùng tinh vi, xảo quyệt. Để qua mắt lực lượng chức năng, mọi di biến động của chúng đều vô cùng kín kẽ và biến hoá khôn lường.

Phương án vây bắt nhanh chóng được triển khai. Ngày 17/4, tại khu vực ngã 3 Sở Dầu (quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng), các lực lượng chức năng bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển thuê 9 bánh ma túy. Nếu không kịp thời triệt phá, số lượng lớn ma túy này có thể sẽ được cất giấu vào các container hàng hóa thông thường để tiêu thụ ở các tỉnh ven biển.

Vùng biển rộng, gió to, sóng lớn điều kiện về thời tiết khắc nghiệt, có thời điểm dị thường; tội phạm ma túy thường xuyên sử dụng công nghệ cao; các đối tượng tội phạm trên biển rất manh động, sẵn sàng chống trả, ném ma túy xuống biển để phi tang hoặc nhảy xuống biển lẩn trốn... khiến cho công tác đấu tranh với tội phạm ma túy trên biển khó khăn hơn trên đất liền nhiều lần. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ lực lượng Cảnh sát biển đã triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn. Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát biển đã trực tiếp và phối hợp đấu tranh khoảng 100 chuyên án, vụ án.

Tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài lợi dụng tuyến biển để vận chuyển số lượng lớn 

Thiếu tướng Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, trong thời gian qua, bên cạnh những vụ án có tính chất nhỏ lẻ, nổi lên tình trạng tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài tìm cách lợi dụng tuyến đường biển để vận chuyển trái phép chất ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam, quá cảnh Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ 3.

Hiện tượng ma túy trôi dạt trên khu vực biển miền Trung, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam… xuất hiện vào cuối năm 2022 và các năm trước đó. Điều này càng minh chứng cho thấy việc tội phạm ma túy sử dụng các tuyến đường hàng hải để vận chuyển ma túy bất hợp pháp là có cơ sở. Qua công tác đấu tranh, bước đầu xác định số ma túy trôi dạt do các đường dây, tổ chức tội phạm vận chuyển ma túy qua vùng biển của Việt Nam khi bị lực lượng chức năng tổ chức ngăn chặn thì các đối tượng đã vứt ma túy xuống biển để trốn thoát. 

Từ công tác theo dõi và nắm tình hình cho thấy, các đối tượng, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy bằng đường biển còn "núp" dưới danh nghĩa các công ty xuất nhập khẩu ở nước ngoài sau đó ủy thác xuất nhập khẩu qua nhiều công ty dịch vụ vận chuyển khác nhau hoặc sử dụng hình thức tạm nhập tái xuất. Quá trình vận chuyển, các đối tượng đưa ra lộ trình lòng vòng qua nhiều vùng biển, cảng biển khác nhau.

Mặt khác, chúng thuê các thuyền viên không quen biết nhau để thành lập một kíp vận chuyển và chia thành nhiều công đoạn vận chuyển. Trong đó, ma túy được trà trộn vào các container hàng thực phẩm, hải sản hàng đông lạnh, hạt nhựa, gỗ thành phẩm, hóa mỹ phẩm, tẩm vào quần áo…gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh.

Các đường dây tội phạm ma túy liên quan đến hoạt động biển thường được tổ chức chặt chẽ, có đường dây xuất phát từ nước ngoài sau đó qua biên giới, vào địa bàn nội địa rồi xuống địa bàn ven biển, qua biển và tiếp tục ra nước ngoài. Trong đó có một số lượng ít ma túy, các đối tượng sử dụng, tiêu thụ ở địa bàn trên biển.

Trước tình hình trên, lực lượng cảnh sát biển đã chú trọng kết hợp giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, đặc biệt là đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của Bộ Công an, Hải quan. 

"Riêng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã nhiều lần thông báo tình hình, đề nghị lực lượng cảnh sát biển phối hợp và chúng tôi đã triệt phá được nhiều chuyên án thành công. Đặc biệt chúng tôi rất quan tâm tới công tác tuyên truyền", Thiếu tướng Vũ Trung Kiên cho hay. 

Mô hình dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" đã và đang được triển khai rộng khắp qua đó tuyên truyền hàng chục nghìn lượt cho ngư dân trên biển về phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy, tác hại của ma túy. Trong quá trình đấu tranh với tội phạm ma túy, hầu như trong các chuyên án đều có sự hợp tác, giúp đỡ, cung cấp thông tin hiệu quả từ quần chúng nhân dân.

Công tác hợp tác quốc tế cũng được chú trọng. Đến nay, Cảnh sát biển đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của 9 nước và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là lực lượng thực thi pháp luật của các nước có vùng biển tiếp giáp trong chia sẻ thông tin, phối hợp triển khai các biện pháp đấu tranh. Qua đó, đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn, xuyên quốc gia. 

Trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; đặc biệt là Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma túy.

Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn; chú trọng công tác dân vận để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh tố giác tội phạm.

Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, hợp tác quốc tế với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước, tăng cường tuần tra liên hợp trên các vùng biển giáp ranh qua đó vừa chia sẻ thông tin vừa ngăn chặn các đường dây ma túy qua vùng biển của Việt Nam.

Hoàng Giang

Top