Đến năm 2030, cả nước đạt tối thiểu 725 cơ sở trợ giúp xã hội

18/08/2023 10:18

(Chinhphu.vn) - Theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đến năm 2030 bảo đảm ít nhất 90% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có người chăm sóc được các cơ sở trợ giúp xã hội tư vấn, trợ giúp và quản lý.

Đến năm 2030, cả nước đạt tối thiểu 725 cơ sở trợ giúp xã hội - Ảnh 1.

Trẻ dưới 18 tuổi đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên 2 - Ảnh: Báo Tuổi trẻ TPHCM

Tối thiểu 90% số người nghiện ma túy có hồ sơ được tư vấn, điều trị, cai nghiện 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 966/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 bảo đảm ít nhất 90% số người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có người chăm sóc được các cơ sở trợ giúp xã hội tư vấn, trợ giúp và quản lý, trong đó, ưu tiên trợ giúp người cao tuổi không có người chăm sóc, không có điều kiện sống tại cộng đồng, người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, người khuyết tật nặng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán, người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Tối thiểu 90% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng từ các cơ sở cai nghiện.

Về cơ cấu mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội của cả nước đến năm 2030 đạt tối thiểu 725 cơ sở (công lập và ngoài công lập), gồm: tối thiểu 90 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; tối thiểu 94 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; tối thiểu 130 cơ sở cai nghiện ma túy; tối thiểu 130 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tối thiểu 117 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; tối thiểu 164 cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp và trung tâm công tác xã hội.

Về phân bố mạng lưới cơ sở theo vùng đến năm 2030, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tối thiểu 129 cơ sở; Vùng Đồng bằng sông Hồng có tối thiểu 151 cơ sở; Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có tối thiểu 169 cơ sở; Vùng Đông Nam Bộ có tối thiểu 131 cơ sở; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tối thiểu 102 cơ sở.

Từng bước bao phủ chính sách trợ giúp xã hội

Trả lời báo chí hồi đầu năm 2023, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết: Hiện nước ta có khoảng hơn 20% dân số cần sự trợ giúp xã hội. Bộ LĐTB&XH đã tham mưu kịp thời với Đảng, Chính phủ ban hành nhiều quyết sách quan trọng, mang tính đột phá, kịp thời góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Cụ thể, khoảng hơn 20% dân số cần sự trợ giúp xã hội, trong đó khoảng trên 12 triệu người cao tuổi, gần 7 triệu người khuyết tật, 7-8% dân số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, 234.000 người nhiễm HIV được phát hiện, khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình. Ngoài ra, còn các đối tượng là phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại, hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố cần được sự trợ giúp của Nhà nước và xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, chính sách trợ giúp xã hội tại Việt Nam trong những năm qua không ngừng được bổ sung và sửa đổi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước, từng bước tiếp cận xu hướng phát triển trợ giúp xã hội của thế giới. 

Các chính sách trợ giúp xã hội được thiết kế hướng vào mục tiêu bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng theo vòng đời từ độ tuổi ấu thơ đến người cao tuổi nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của con người trong suốt cuộc đời, từng bước đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đối tượng về thu nhập, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề, đảm bảo tốt hơn các quyền của đối tượng thụ hưởng chính sách.

Để hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội, tiến tới bảo đảm an sinh toàn dân trong mọi hoàn cảnh, hệ thống bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, cần tập trung triển khai thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách trợ giúp xã hội, nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi năm 2009 theo hướng phát huy vai trò người cao tuổi là chính, tạo điều kiện để người cao tuổi còn khả năng lao động được tham gia làm việc; hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, gia đình, cộng đồng tham gia phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng dự án phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chất lượng cao.

Thứ hai, xây dựng quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ về trợ giúp xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng cho đối tượng; điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật; nâng cao chất lượng, hiệu quả trợ giúp xã hội .

Ba là, xây dựng trình Chính phủ nghị định về công tác xã hội, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả thúc đẩy phát triển công tác xã hội chuyên nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức và người lao động của các cơ sở trợ giúp xã hội đạt cơ cấu, định mức và tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định. Hình thành mô hình tham vấn và phát triển mạng lưới nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội tại các trường học, bệnh viện, hệ thống tư pháp; trong đó, tập trung phát triển các dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật, người già, giải quyết vấn đề nghèo đói và những vấn đề xã hội khác.

Bốn là, cải cách quản lý nhà nước về trợ giúp xã hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, hình thành mã số an sinh xã hội, quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, số hóa hồ sơ; đảm bảo hạ tầng hệ thống; tập huấn, chuyển giao công nghệ cho người sử dụng các cấp từ trung ương đến địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, bao gồm chính sách trợ cấp xã hội, quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội và các chính sách có liên quan.

Vĩnh Hoàng

Top