Hết lòng vì người cai nghiện ma túy

16/10/2023 12:50

(Chinhphu.vn) - Trong 10 năm qua (2013 - 2023), Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận gần 2.000 hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện ma túy và điều trị cho 1.974 người nghiện. Trong đó, 70% số người cai nghiện đã được chuyển vào giai đoạn duy trì ổn định liều, không còn sử dụng ma túy.

Hết lòng vì người cai nghiện ma túy - Ảnh 1.

Các cán bộ Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện tỉnh Lào Cai cấp phát thuốc Methadone cho bệnh nhân - Ảnh: VGP/Như Ngọc

Trong 10 năm ấy... biết bao nhiêu tình

Những ngày giữa tháng 10 trong tiết trời mùa thu se lạnh, chúng tôi đến thăm Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện tỉnh Lào Cai nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Cơ sở. 

Vui mừng gặp lại chúng tôi, anh Nguyễn Tường Long, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện tỉnh Lào Cai chia sẻ: "Trải qua nhiều vất vả, khó khăn nhưng tất cả cán bộ, nhân viên chúng tôi đều rất phấn khởi với những kết quả đạt được hôm nay. Trong 10 năm ấy, biết bao nhiêu tình".

Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2013 theo Quyết định 806/QĐ-UBND ngày 05/4/2013 của UBND tỉnh Lào Cai, đây là cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện việc điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone theo hình thức xã hội hóa đầu tiên ở Lào Cai.

Trong 10 năm qua, Cơ sở đã trải qua 3 lần đổi tên, từ Cơ sở điều trị bằng thuốc Methadone, Cơ sở Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và hiện nay là Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện.

Ngay sau khi đi vào hoạt động, Cơ sở đã tập trung triển khai quyết liệt, sâu rộng các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về tác hại của ma túy đến người nghiện và gia đình người nghiện, người dân và chính quyền các cấp xã, phường trên địa bàn Lào Cai bằng các hình thức đa dạng, thiết thực thông qua việc phối hợp với các cơ quan báo, đài của tỉnh, hệ thống loa phát thanh của xã, phường, phát tờ rơi, áp phích, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cộng đồng các khu dân cư, trường học nhằm thu hút đông đảo sự tham gia ủng hộ của người dân trong cộng đồng, sự đồng thuận của các cấp các ngành.

Năm 2015, HĐND và UBND tỉnh đã quyết định cho nhân rộng thêm 16 Điểm điều trị và cấp phát thuốc Methadone tại 5 huyện, thành phố, thường xuyên điều trị cho 1.500 người, chiếm 41% số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn toàn tỉnh; giảm tình hình tội phạm, giảm chi ngân sách gần 10 tỷ đồng/năm. Sức khỏe của người được điều trị tăng lên rõ rệt, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình; khoảng 70% số người điều trị bằng thuốc methadone đã từ bỏ ma túy. Hàng năm, Cơ sở luôn hoàn thành vượt mức trung bình 140% kế hoạch cai nghiện do UBND tỉnh giao.

Kết quả, lũy tích điều trị trong 10 năm tại Cơ sở là 4.437 người. Trong đó có 3.021 bệnh nhân điều trị duy trì (chiếm 68,08%), có 3.469 bệnh nhân điều trị liên tục từ 6 tháng trở lên (chiếm 78,18%), 2.937 bệnh nhân điều trị liên tục từ 01 năm trở lên (chiếm 66,19%), 1.315 bệnh nhân điều trị từ 3 năm trở lên (chiếm 29,63%), 922 bệnh nhân điều trị từ 5 năm trở lên (chiếm 20,77%) góp phần giảm tỉ lệ tái nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS, giảm tình hình tội phạm liên quan đến ma túy, ổn định an ninh xã hội trên địa bàn.

Năm 2020 và 2021, Cơ sở đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) triển khai 3 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng, gồm: phường Kim Tân, phường Lào Cai, xã Cam Đường.

Qua đó, trực tiếp tiếp cận 73 khách hàng (95% là người nghiện, 5% là gia đình), tư vấn cá nhân toàn diện cho 43 khách hàng về dự phòng tái nghiện, phòng tránh nguy cơ cao; tư vấn tác hại của ma túy, các chính sách pháp luật và các phương pháp điều trị nghiện hiện nay; tổ chức 35 buổi sinh hoạt nhóm với sự tham gia của 202 lượt người, hỗ trợ phí xét nghiệm ban đầu và phí uống thuốc tháng đầu tiên cho 33 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được tham gia điều trị nghiện bằng thuốc Methadone...

Ngoài ra, Cơ sở đã tiến hành tư vấn cá nhân cho hơn 25.000 lượt bệnh nhân, tư vấn nhóm 487 buổi với 19.361 lượt bệnh nhân và người nhà tham gia, vận động được trên 4.000 người nghiện ma túy tự nguyện đăng ký tham gia điều trị.

Hết lòng vì người cai nghiện ma túy - Ảnh 2.

Cơ sở Cai nghiện ma túy tự nguyện tỉnh Lào Cai kỷ niệm 10 năm ngày thành lập - Ảnh: VGP/Như Ngọc

Hết lòng vì người cai nghiện ma túy

Theo Giám đốc Nguyễn Tường Long, có được kết quả trên, trước hết là sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hỗ trợ về kỹ thuật của các tổ chức quốc tế như PEPFAR, USAID, IOM, Pacific link…, và đặc biệt là cán bộ, nhân viên của Cơ sở đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục, quy trình tiếp nhận, phác đồ điều trị theo hướng dẫn về điều trị methadone của Bộ Y tế, Tổ chức Sức khỏe Gia đình Quốc tế (FHI).

Trong 10 năm qua, đội ngũ viên chức, người lao động của Cơ sở luôn tăng cường hoạt động truyền thông sâu rộng, tư vấn, vận động người nghiện các chất dạng ma túy tham gia điều trị  bằng thuốc Methadone. Tăng cường các buổi gặp mặt, tư vấn cho bệnh nhân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc gặp phải trong quá trình điều trị để bệnh nhân yên tâm uống thuốc. Đặc biệt, Cơ sở đã có sự phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tạo công ăn việc làm cho người cai nghiện để họ có cuộc sống ổn định, rời xa ma túy.

"Điều vui nhất của chúng tôi là người cai nghiện có việc làm, ổn định cuộc sống. Theo thống kê, trước khi tham gia điều trị thì tỉ lệ người nghiện có việc làm đạt gần 50%, sau khi tham gia điều trị tỉ lệ này đã tăng lên gần 80%, đồng thời, số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Lào Cai cũng giảm đáng kể, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng cuộc sống bình yên của nhân dân", ông Long chia sẻ.

Với "kim chỉ nam" mang đến cho người cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trong suốt 10 năm qua là"Kiên trì điều trị, bạn sẽ thành công - Điều trị thành công, gia đình hạnh phúc", Cơ sở luôn phấn đấu không chỉ dừng lại ở những con số bệnh nhân được điều trị, mà hướng tới người nghiện giảm dần việc sử dụng ma túy, nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần.

Và thực tế đã chứng minh, việc triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã mang lại hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế và xã hội, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình có người nghiện, ổn định trật tự xã hội của thành phố nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.

Bản thân mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động của Cơ sở xác định không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ, kỹ năng tay nghề; duy trì nghiêm kỷ luật, gương mẫu dẫn dắt bệnh nhân, gia đình họ. Tất cả cán bộ, nhân viên luôn lấy người nghiện là "trung tâm" của mọi hoạt động của Cơ sở. 

Trao đổi về những bài học kinh nghiệm được rút ra, ông Nguyễn Tường Long cho rằng, cần tạo môi trường điều trị, cai nghiện thân thiện, gần gũi, yêu thương chia sẻ, đồng hành, gắn kết giữa 4 nhân tố mang tính quyết định sự thành công, gồm: bản thân người nghiện tuân thủ điều trị; gia đình luôn yêu thương hỗ trợ; cán bộ, nhân viên Cơ sở luôn tận tâm; vhính quyền, đoàn thể tạo điều kiện.

Đồng thời nâng cao chất lượng điều trị cho người nghiện thông qua việc thăm khám thường xuyên, tư vấn trị liệu, tư vấn tâm lý, tư vấn học nghề. Truyền thông hiệu quả về tác hại của ma túy và tổ chức chương trình điều trị, cai nghiện ma túy tự nguyện tại các xã phường, khu dân cư thông qua Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã.

Ngoài ra, thành lập Câu lạc bộ thu hút, gắn kết giữa những người cai nghiện thông qua các sân chơi lành mạnh, tươi vui như phong trào văn nghệ, thể dục thể thao; hỗ trợ phương án, dự án được vay vốn ưu đãi trong học nghề, tiếp cận với nguồn vốn vay theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuyển đổi việc làm và thu nhập ổn định để nâng cao đời sống.

Như Ngọc 

Top