Hỗ trợ người sau cai nghiện xây dựng cuộc sống mới

11/03/2024 16:30

(Chinhphu.vn) - Nhờ có việc làm, thu nhập, được cộng đồng, xã hội giúp đỡ, hỗ trợ tái hòa nhập, không ít người sau cai nghiện ma túy đã “tái sinh” cuộc đời.

Hỗ trợ người sau cai nghiện xây dựng cuộc sống mới- Ảnh 1.

Nhiều người sau cai nghiện ma tuý được giúp đỡ, hỗ trợ để ổn định cuộc sống - Ảnh: VGP/HG

Cai nghiện ma túy thành công, vinh dự được kết nạp Đảng

Từ một người sống lệ thuộc vào ma túy, cai nghiện rồi tái nghiện nhiều lần, anh Ngô Hữu Mười (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã "tái sinh" cuộc đời thành công trong hơn 10 năm qua.

Anh Ngô Hữu Mười chia sẻ năm 2011, anh đi cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 (Hà Nội).

"Trở về địa phương sau khi hoàn thành thời gian điều trị cai nghiện, tôi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều người, nhiều phía. Có điểm tựa là tình yêu thương để vươn lên, tôi tự nhắc nhở bản thân phải sống sao cho thật xứng đáng", anh Hữu Mười bày tỏ.

Nỗ lực làm lại cuộc đời, anh Ngô Hữu Mười vừa chăm chỉ làm ăn, vừa nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, không ngần ngại lấy chính câu chuyện về cuộc đời mình để tuyên truyền phòng, chống ma túy, thuyết phục, vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện.

Anh Mười được người dân địa phương tin tưởng nhờ giúp đỡ các thành viên vướng vào con đường lầm lỡ hướng thiện, làm lại cuộc đời; được chính quyền địa phương tin tưởng, giao đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau…

Anh Mười hiện là Tổ phó Tổ Quản lý kinh doanh khai thác chợ Đông Xuân, Đội trưởng Đội công tác xã hội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng" (Câu lạc bộ B93) xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn).

Ở vị trí nào, công việc nào, anh Mười cũng làm việc bằng tất cả sự tận tâm, tận tình, trách nhiệm thay cho lời cảm ơn cuộc đời đã "sinh" ra anh lần thứ hai.

Anh Mười không giấu được niềm xúc động khi nhớ lại giây phút được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, đó là ngày 18/5/2022, chính minh chứng cho những chuỗi ngày vững vàng ý chí, kiên trì vươn lên của anh, với sự hỗ trợ của gia đình, địa phương và xã hội.

Một trường hợp cai nghiện ma túy thành công khác là hội viên Câu lạc bộ B93 phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) Nguyễn Trường Giang.

Sau khi cai nghiện trở về địa phương năm 2013, mới đầu, anh Giang cũng mất tự tin, chưa biết phải làm gì nhưng được sự động viên, an ủi của gia đình, cộng đồng, ban ngành các cấp, anh tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ B93 phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình).

Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã giới thiệu anh đi làm nghề xây dựng, lại được ưu đãi cho vay vốn, anh mua một số trang thiết bị, dụng cụ để làm nghề. Hiện nay, anh Giang có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình ấm êm.

Từ trải nghiệm của bản thân, anh Trường Giang nhắn nhủ: "Mỗi người có một hoàn cảnh, tự bản thân mình phải cố gắng đứng lên. Con đường trở về luôn rộng mở, chỉ cần mỗi người hãy quyết tâm từ bỏ con đường từng lầm lỡ, làm lại cuộc đời".

Hỗ trợ người sau cai nghiện xây dựng cuộc sống mới- Ảnh 2.

Sở LĐTB&XH Hà Nội tập huấn hỗ trợ hoạt động duy trì mô hình "Quản lý, giáo dục tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng - Câu lạc bộ B93" - Ảnh: VGP/HG

Đồng hành trên con đường "trở về" 

Trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ dành cho học viên sau cai. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể luôn sát cánh cùng gia đình để đồng hành cùng các học viên trong quá trình trị liệu, lao động và dạy nghề, tạo việc làm xây dựng cuộc sống mới, có công ăn việc làm ổn định, nuôi sống được bản thân và gia đình, trở thành những người công dân có ích cho xã hội.

Bà Trần Thị Hoài Hương, Trưởng phòng LĐTB&XH quận Long Biên, Phó Trưởng Ban chỉ đạo 89 quận Long Biên cho biết, chính quyền địa phương và gia đình luôn đồng hành về nhiều mặt với các học viên hoàn thành thời gian điều trị cai nghiện ma túy trở về, bảo đảm tất cả các đối tượng được tham gia vào mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn quận.

Quận Long Biên đã chỉ đạo các phường, các ngành cùng vào cuộc để hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai "trở về" như hoàn thiện quy trình thủ tục về công tác quản lý để theo dõi hỗ trợ, ban hành các quyết định để phân công cụ thể cho từng đội viên đội công tác xã hội tình nguyện, các tổ trưởng tổ dân phố, hội đoàn thể… 

Học viên sau khi cai nghiện trở về địa phương sẽ được giới thiệu tham gia vào các mô hình quản lý sau cai trên địa bàn quận, từ đó học viên sẽ được chia sẻ, động viên, tư vấn về sức khỏe, pháp luật, hỗ trợ tìm việc làm, học nghề…

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% xã phường trên địa bàn TP.Hà Nội sẽ có mô hình quản lý sau cai, tuy nhiên, đối với Long Biên, năm 2022 đã có 100% (14/14) phường có các mô hình về quản lý sau cai, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai, như: Mô hình "Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng"; "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma tuý tại cộng đồng"; Mô hình "Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng – Câu lạc bộ B93"...

Bên cạnh đó, Long Biên cũng kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện, giúp họ ổn định cuộc sống. 

Ngoài nguồn tín dụng từ Trung ương và Thành phố, quận Long Biên xây dựng một đề án riêng, bố trí kinh phí  từ nguồn ngân sách của quận cho người dân quận Long Biên nói chung, người sau cai nghiện nói riêng. Từ năm 2021 -2023, quận Long Biên đã tạo điều kiện cho hàng chục người sau cai nghiện ma túy vay vốn.

Theo bà Trần Thị Hoài Hương, để công tác phòng chống ma túy đạt hiệu quả cần phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của chính quyền các cấp, cộng đồng xã hội giúp đỡ người nghiện ma tuý sau cai nghiện hoàn lương, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.

Thực tế, hành trình đưa người sử dụng, người nghiện ma túy từng bước tránh xa con đường lầm lỡ, tái hòa nhập xã hội luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị chức năng và người dân trong cộng đồng, trong đó có các mô hình quản lý sau cai.

Theo Sở LĐTB&XH, toàn TP. Hà Nội đã duy trì và triển khai 465 mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy tại 450 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 15 đơn vị cấp xã đồng thời triển khai 2 mô hình tại địa bàn là quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên.

Trong giai đoạn 2021-2023 có 330 đơn vị triển khai mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng”; 22 đơn vị triển khai xây dựng mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng”; 62 đơn vị triển khai mô hình “Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người CNMT hòa nhập cộng đồng – Câu lạc bộ B93”. Trước đó, Thành phố đang duy trì 37 Câu lạc bộ B93 và 14 Điểm tư vấn tại một số quận, huyện, thị xã.

Sau khi thành lập mô hình, các địa phương đã thực hiện rà soát, thống kê, lập danh sách người nghiện và sau cai trên địa bàn. Đồng thời, tích cực tổ chức các hoạt động tiếp cận, vận động người sau cai tham gia mô hình. 

Thông qua các mô hình, nhiều người sau cai nghiện ma túy đã được giúp đỡ, hỗ trợ. Theo đó, 267 người được hỗ trợ tạo việc làm như nghề may, mộc, cơ khí, bảo vệ, bán hàng,…; 114 người được hỗ trợ vay vốn để sản xuất kinh doanh với tổng số tiền 4.099 triệu đồng (nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ); 53 người được hỗ trợ học nghề như cắt tóc, làm gốm sứ, bảo vệ, quản lý...

Hoàng Giang

Top