Khánh Hòa: Chú trọng điều trị dự phòng cho người nguy cơ cao nhiễm HIV

01/04/2024 15:43

(Chinhphu.vn) - Công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn được tỉnh Khánh Hòa triển khai mạnh mẽ với những giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, công tác điều trị dự phòng luôn được địa phương chú trọng.

Không còn là địa phương trọng điểm về dịch bệnh HIV

Hầu hết người nhiễm HIV ở Khánh Hòa đều được tiếp cận điều trị sớm, kịp thời. Vì vậy, đến nay Khánh Hòa đã ra khỏi danh sách là địa phương trọng điểm về dịch bệnh HIV. Có được thành quả trên, ngoài sự nỗ lực, tận tụy của các nhân viên y tế dự phòng, còn có sự quan tâm chu đáo của các cấp chính quyền địa phương. Bởi vậy nên, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa đều được cấp thuốc điều trị HIV kịp thời, đúng phác đồ.

Khánh Hòa: Chú trọng điều trị dự phòng cho người nguy cơ cao nhiễm HIV- Ảnh 1.

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân đồng nhiễm. Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, hiện tổng số người nhiễm HIV đang được quản lý trên địa bàn tỉnh là hơn 1.500 người. Trong 2 tháng đầu năm 2024, thông qua xét nghiệm, phát hiện thêm hơn 20 ca nhiễm HIV mới.

Tình hình dịch lây nhiễm HIV hiện nay chủ yếu qua đường máu, tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, từ mẹ sang con… Để phòng chống lây nhiễm HIV qua đường máu, ngành y tế tỉnh thực hiện các biện pháp sau: Bảo đảm 100% các chai máu được sàng lọc HIV trước khi truyền, kiểm tra tình trạng nhiễm HIV của những người cho máu trước khi lấy máu. Khi thực hiện tiêm chích, châm cứu, các thủ thuật qua da, thực hiện thụ tinh nhân tạo...phải bảo đảm các dụng cụ được tiệt khuẩn. Tuyệt đối phòng ngừa hiện tượng lây chéo xảy ra trong chăm sóc dịch vụ y tế.

Đối với tất cả những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV (người nghiện chích ma túy, người lao động tình dục, người quan hệ đồng tính nam, bạn tình của người nhiễm HIV) hãy tiếp cận và sử dụng dịch vụ điều trị dự phòng. Nếu không may đã nhiễm HIV hãy tuân thủ điều trị tốt để đạt được ngưỡng K=K (không phát hiện, không lây nhiễm).

K=K (không phát hiện, không lây nhiễm) nghĩa là khi một người nhiễm HIV được điều trị tốt bằng thuốc ARV mà đạt đến mức ức chế vi rút, đưa tải lượng vi rút xuống dưới 200 bản sao/ml máu (hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện) thì sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường qua hệ tình dục. Thực tế cũng đã chứng minh, khi điều trị đạt được đến ngưỡng K=K thì người bị nhiễm HIV khó có thể làm lây bệnh cho bạn tình.

Tại Khánh Hòa, việc truyền thông K=K cho đối tượng nguy cơ cao và bệnh nhân HIV được làm thường xuyên ở Khánh Hòa. Người bệnh được trang bị đầy đủ kiến thức về vấn đề này. Thông thường một người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV, tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ thì sau 6 tháng sẽ đạt được tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu.

Đối với người nhiễm HIV, cần tiếp cận điều trị sớm HIV. Đối với bệnh nhân điều trị ARV, cần tuân thủ điều trị ARV tốt, như vậy sẽ duy duy trì được tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế và khi đó không làm lây truyền HIV cho bạn tình của họ. Hiện nay việc xét nghiệm HIV cũng như tiến hành tư vấn, điều trị thuốc ARV được triển khai mạnh mẽ trên địa bàn.

Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, bệnh nhân HIV điều trị ARV là phải liên tục, tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc, không được điều trị theo ý thích của mình. Việc sử dụng thuốc phải đúng liều, đúng giờ, đúng đường và đúng cách. Đúng liều là bác sĩ chỉ định thế nào phải dùng đủ thế đó, không được bớt liều hoặc uống quá liều, gộp liều.

Tăng cường bao phủ thuốc ARV đối với người nhiễm HIV

Trong nhiều năm qua, việc tăng cường bao phủ thuốc ARV đối với người nhiễm HIV được các nhân viên y tế dự phòng ở Khánh Hòa chú trọng. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, dù khó khăn đến đâu vẫn cố gắng chuyển thuốc, cấp thuốc ARV đầy đủ, kịp thời đến người bệnh.

Chị N.T.T, 42 tuổi ở Khánh Hòa cho biết, chị được tiếp cận điều trị thuốc ARV khoảng 5 năm nay. Việc tuân thủ phác đồ điều trị đã giúp cho chị cải thiện sức khỏe, nhờ đó chị có được công việc làm ổn định, cải thiện cuộc sống. Chị thường nhận thuốc qua nhiều kênh như Trung tâm Y tế, Trạm Y tế, nên việc điều trị của chị rất thuận lợi.

Hay trường hợp của T.B.H, mới ngoài 20 tuổi nhưng do từng quan hệ với người có nguy cơ cao nhiễm HIV, H. đã rất lo lắng. Gần đây, thấy cơ thể có một số triệu chứng nghi nhiễm HIV nên H. đã đi xét nghiệm. Nhận được kết quả dương tính với HIV, H. đã hoàn toàn suy sụp. Đúng lúc này, H. tiếp cận được một số đồng đẳng viên và đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa để được tư vấn, điều trị. Do tải lượng virus thấp, được phát hiện sớm nên các bác sĩ tư vấn điều trị thuốc ARV. Sau khi điều trị được 1 năm, đến thời điểm hiện tại, nhờ tuân thủ tốt phác đồ điều trị và được những đồng đẳng viên động viên, H. như cởi bỏ được được sự nặng nề, dần lấy lại được tinh thần và tiếp tục sự nghiệp học hành. Trước đây, do thiếu hiểu biết về căn bệnh HIV/AIDS, nhiều trường hợp đã tự kỳ thị bản thân và không tham gia tiếp cận điều trị. Tuy nhiên, khi gặp được những đồng đẳng viên tích cực, đã giúp cho họ mạnh mẽ, đối diện với bệnh tật để tham gia tiếp cận điều trị sớm. Hiện nay, việc kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV không còn là vấn đề lớn tại Khán Hòa, tình trạng này gần như đã được xóa bỏ, vì nhiều người dân trong cộng đồng được tiếp cận truyền thông, hiểu rõ hơn về căn bệnh. Nhiều đồng đẳng viên, tình nguyện viên, tiếp cận viên cũng đã tích cực tham gia truyền thông để đẩy mạnh công tác chủ động, phòng tránh lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

BS Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, luôn cố gắng sát cánh cùng người nhiễm HIV để tư vấn cho họ phương pháp điều trị đúng cách. Đồng thời, tư vấn cho họ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bạn bè, người thân. Từ đó giúp họ có cuộc sống bình thường, không còn mặc cảm hay lo lắng.

Trong cuộc chiến chống lại dịch HIV/AIDS, dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đang trở thành một biện pháp ngày càng được ưa chuộng. PrEP là việc sử dụng thuốc ARV cho những người chưa nhiễm HIV nhưng tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm, để dự phòng nhiễm HIV, ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Chương trình PrEP (dự phòng trước phơi nhiễm HIV) tại tỉnh Khánh Hòa đã thể hiện nỗ lực của tỉnh trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS không chỉ đối với cá nhân sử dụng mà còn đối với cộng đồng. Trong đó, truyền thông nhóm PrEP đã đóng vai trò then chốt trong việc đưa chương trình gần hơn với nhóm nguy cơ cao, những nhóm khó tiếp cận theo cách thông thường.

Đặc biệt, với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), nguy cơ lây nhiễm HIV thường cao hơn so với nhóm khác, nhưng họ thường không nhận được đủ thông tin về các dịch vụ dự phòng. Chính vì vậy, sự ra đời của truyền thông nhóm PrEP đã mở ra một cánh cửa mới trong việc tiếp cận đối tượng nguy cơ cao. Thay vì chờ đợi họ tìm kiếm thông tin, chương trình đã đưa thông điệp trực tiếp đến từng cá nhân trong nhóm đối tượng này. Từ việc tổ chức các buổi truyền thông nhóm đến việc tạo ra một mạng lưới thông tin chặt chẽ, chương trình đã đẩy mạnh việc tiếp cận và giới thiệu PrEP một cách hiệu quả.

Với sự hỗ trợ kinh phí từ Dự án Quỹ Toàn Cầu Phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai chương trình truyền thông nhóm PrEP từ năm 2021. Tính đến nay, đã tổ chức 54 buổi truyền thông nhóm và tiếp cận 1.038 người MSM.

Không thể phủ nhận số lượng người sử dụng PrEP tại Khánh Hòa đã tăng vọt từ năm 2020 đến nay. Hiệu quả của truyền thông nhóm đã được chứng minh qua những con số thống kê rõ ràng, từ việc chỉ có 40 người sử dụng PrEP ít nhất một lần trong năm 2020, số lượng này đã tăng lên 533 vào năm 2023. Điều này càng khẳng định rằng, với sự thay đổi hình thức tiếp cận và sáng tạo trong truyền thông, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi đáng kể trong nhóm nguy cơ cao.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Loan, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, phụ trách chương trình truyền thông nhóm PrEP của tỉnh chia sẻ, các buổi truyền thông nhóm không chỉ cung cấp thông tin cụ thể về chương trình PrEP (như tác dụng, cách sử dụng, cách tiếp cận và các tác dụng phụ có thể xảy ra), mà còn đề cập đến các vấn đề liên quan như tình hình dịch bệnh HIV/AIDS hiện nay, những thách thức trong việc phòng, chống HIV/AIDS, và ý thức về sức khỏe cộng đồng. Tham gia buổi truyền thông, người tham dự còn có cơ hội trực tiếp đặt câu hỏi và trao đổi với các bác sĩ chuyên môn.

Phó Giám đốc phụ trách Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật Tôn Thất Toàn đánh giá: Chiến lược truyền thông nhóm PrEP đã mang lại hiệu quả rất cao, khi nhiều người đăng ký sử dụng PrEP sau buổi truyền thông. Đây là một bước quan trọng trong việc tiếp cận các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM. Dự kiến trong năm 2024, chương trình sẽ tiếp tục triển khai với quy mô rộng lớn hơn, dự kiến tổ chức hơn 40 buổi truyền thông và tiếp cận 720 bạn MSM trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Trên toàn quốc, dịch vụ PrEP đã được triển khai tại nhiều cơ sở y tế với sự hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức quốc tế. Tính đến 30/11/2023, việc triển khai sử dụng thuốc ARV trong điều trị dự phòng trước nhiễm HIV (PrEP) đã được thực hiện tại 29 tỉnh, thành phố, và 219 cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP, phục vụ hơn 97.000 người. Tại tỉnh Khánh Hòa đã triển khai chương trình PrEP miễn phí tại 4 cơ sở, với sự hỗ trợ từ Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS.

PrEP không chỉ là biện pháp dự phòng hiệu quả mà còn là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn sự lan rộng của dịch HIV/AIDS. Đối với những người có nguy cơ cao, việc sử dụng PrEP là cơ hội để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Thùy Chi

Top