Nghị lực của người phụ nữ 24 năm sống chung với virus HIV

01/12/2023 11:59

(Chinhphu.vn) - Trải quả 24 năm sống chung với HIV, chị Phạm Thị Huệ (Hải Phòng) cho biết, chị đang có cuộc sống vui vẻ, khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, cuộc sống ngập tràn hạnh phúc.

Nghị lực của người phụ nữ 24 năm sống chung với virus HIV- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trò chuyện với chị Phạm Thị Huệ - người được tạp chí Time bầu chọn là "Anh hùng châu Á" năm 2004. Ảnh: Thùy Chi

Chia sẻ cảm xúc về hành trình sống chung với HIV suốt thời gian dài, chị Phạm Thị Huệ, người nhiễm HIV ở Hải Phòng cho biết: Những ngày đầu khi bị nhiễm HIV/AIDS, chị đã từng đối mặt với việc người bị nhiễm HIV ốm không ai động viên, chăm sóc; lúc mất không ai đến chia buồn. Những khoảng thời gian đó khiến bản thân chị vô cùng tuyệt vọng, chán nản. Không chỉ có riêng chị, thời gian đầu ngay cả lực lượng y tế chăm sóc người nhiễm HIV cũng bị phân biệt đối xử.

Thời gian khó khăn đó, thật may mắn chị Huệ đã được các cán bộ y tế, cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ tại địa phương, các tổ chức xã hội…đến động viên, cung cấp cho chị và gia đình những kiến thức, hiểu biết về HIV nhằm giảm đi nỗi sợ hãi và kỳ thị, phân biệt đối xử.

Sau khi được các cán bộ y tế, các tổ chức xã hội tập huấn, trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết về cách sống chung với HIV, chị Huệ tự nhận thấy, bản thân người nhiễm HIV cần có trách nhiệm tham gia vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS của Hải Phòng nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Với sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể và lãnh đạo địa phương, chị Huệ đã thành lập ra nhóm tự lực của người nhiễm HIV. Nhóm tự lực của chị Huệ tổ chức, triển khai các hoạt động giáo dục, tuyên truyền kiến thức phòng chống HIV tại cộng đồng dân cư, tư vấn cho người nhiễm HIV và gia đình, giúp họ ổn định tâm lý. Đồng thời, tiếp cận những người có nguy cơ cao bị nhiễm HIV, để cung cấp thông tin, kiến thức và kết nối họ tới các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, nhóm cũng tiến hành các hoạt động hỗ trợ chăm sóc thể chất và tinh thần cho những người nhiễm HIV...Trong nhiều năm qua các CLB, các nhóm tự lực của người nhiễm HIV đã như cánh tay nối dài của ngành y tế. Bản thân chị Huệ và nhiều người nhiễm HIV khác đã rất tích cực tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Chị Huệ cũng là người nhiễm HIV được mời tham gia rất nhiều hội nghị lớn cấp quốc gia và quốc tế để chia sẻ về những nỗ lực đóng góp của những người nhiễm HIV, nhằm giúp cộng đồng và các cấp lãnh đạo hiểu hơn về người nhiễm HIV, những khó khăn của người nhiễm HIV đang gặp phải, từ đó góp phần xây dựng các chính sách, chương trình can thiệp, ứng phó với HIV phù hợp và hiệu quả.

Trải qua 24 năm kể từ ngày chị Huệ phát hiện nhiễm HIV, không còn những khoảnh khắc, thời gian "u tối" lo sợ bị người người hắt hủi, xa lánh, chị Huệ cho biết cuộc sống hiện tại của chị hoàn toàn vui vẻ, tích cực cả về thể chất lẫn tinh thần. Bản thân chị Huệ cảm thấy khỏe mạnh vì được điều trị tốt, chị cảm thất rất vui vì có những sáng kiến góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh AIDS.

Theo chị Huệ, để có được cuộc sống vui, khỏe như hiện nay đó là nhờ vào những chính sách hỗ trợ đối với người nhiễm HIV. Không chỉ bản thân chị, những chính sách đó, những kết quả, hiệu quả của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cũng đã mang lại cuộc sống, hạnh phúc cho hàng trăm nghìn người nhiễm HIV tại Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam cũng đã được thế giới đánh giá là 1 trong 4 nước có chất lượng điều trị HIV tốt nhất toàn cầu. Đây cũng chính là kết quả của những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam.

"Bản thân tôi cũng thấy tự hào vì trong suốt hơn 20 năm qua tôi không ngừng nỗ lực, phấn đấu, sáng tạo để đóng góp một chút công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS. Tôi và các nhóm cộng đồng đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia tích cực, mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đích và hướng tới mục tiêu: Việt Nam sẽ kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030", chị Huệ chia sẻ.

Nhân dịp Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, chị Huệ mong muốn những người nhiễm HIV chưa điều trị HIV/AIDS cần tiếp cận điều trị ngay bằng thuốc kháng virus và tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, vì thuốc điều trị không chỉ giúp chúng ta tiếp tục sống khỏe mạnh mà còn không làm lây nhiễm HIV cho chính người thân của chúng ta và cộng đồng.

Đối với những người có hành vi nguy cơ cao, đừng ngần ngại, đừng lo sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị, hãy chủ động xét nghiệm HIV định kỳ và áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV một cách hiệu quả. "Người HIV giờ không còn bị phân biệt đối xử, kỳ thị như 24 năm về trước. Bản thân tôi mong rằng, toàn thể cộng đồng nhiều sức khỏe, cùng phấn đấu để AIDS không còn cướp đi sinh mạng của người Việt Nam và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030", chị Huệ cho hay.

Thùy Chi

Top