Người 'ngáo đá' có bị quản lý không?

26/02/2024 16:06

(Chinhphu.vn) - Hẻm nhà tôi ở có thanh niên sử dụng ma túy nên bị "ngáo đá", anh ta thường xuyên có những hành vi bất thường ở nơi công cộng khiến chúng tôi thấy lo ngại. Xin luật sư cho biết việc quản lý người "ngáo đá" trong cộng đồng như thế nào? (bạn đọc Vũ Thị Thiết (quận Bình Thạnh, TPHCM)).

Người 'ngáo đá' có bị quản lý không?- Ảnh 1.

Cần phát hiện sớm, có điều trị và quản lý đúng hướng đối với những đối tượng "ngáo đá"

Luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế) trả lời về việc quản lý người "ngáo đá" trong cộng đồng như sau:

Hiện nay, số người "ngáo đá" ngày càng gia tăng và nếu không được phát hiện sớm, điều trị, quản lý đúng hướng, kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề cho chính bản thân họ, gia đình và xã hội.

Đối với đối tượng "ngáo đá" - do hậu quả của hành vi sử dụng chất ma túy gây ảo giác thì theo quy định của pháp luật hiện hành không coi họ là người mắc bệnh tâm thần và vì vậy, người "ngáo đá" vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội do họ gây ra (điều 13 Bộ luật Hình sự).

Hiện nay, người nghiện ma túy trong đó có người "ngáo đá" đã có quy định cụ thể về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Điều 32 Luật Phòng chống ma túy 2021 quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như sau:

Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định về xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

- Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

- Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện;

- Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.

Như vậy có thể thấy việc quy định như trên nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tội phạm và vi phạm pháp luật do nhóm đối tượng này gây ra.

Theo Tuổi trẻ

Top