Những nguyên tắc an toàn thực phẩm cho người nhiễm HIV/AIDS

27/10/2023 17:58

(Chinhphu.vn) - Người nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và thời gian hồi phục lâu hơn do hệ thống miễn dịch yếu hơn. Chính vì vậy, người bệnh cần lưu ý khi ăn thực phẩm không bảo đảm vệ sinh để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Người nhiễm HIV nguy cơ cao mắc các bệnh về đường tiêu hóa

Người mắc virus suy giảm miễn dịch ở người mắc phải (HIV/AIDS) dễ bị nhiễm nhiều loại bệnh, trong đó có các bệnh do vi khuẩn và các mầm bệnh gây bệnh từ thực phẩm. Khi virus HIV phá hủy hệ thống miễn dịch, cơ thể sẽ dễ bị nhiễm trùng cơ hội như viêm phổi do Pneumocystis carinii hoặc nhiễm trùng do thực phẩm.

Những nguyên tắc an toàn thực phẩm cho người nhiễm HIV/AIDS - Ảnh 1.

Một chế độ dinh dưỡng tốt có thể giúp duy trì hệ thống miễn dịch và sức khỏe ở người nhiễm HIV/AIDS.Ảnh minh họa

Cũng như nhiều loại bệnh nhiễm trùng, khi nhiễm HIV/AIDS sẽ nhiều khả năng thời gian mắc bệnh kéo dài hơn, thậm chí có thể phải nhập viện hoặc thậm chí tử vong. Hơn nữa, lúc này hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu dẫn đến bệnh từ thực phẩm có thể nghiêm trọng thậm chí gây tử vong.

Một chế độ dinh dưỡng tốt có thể giúp duy trì hệ thống miễn dịch và sức khỏe ở người nhiễm HIV/AIDS. An toàn thực phẩm là cách lựa chọn, xử lý, chuẩn bị và bảo quản thực phẩm để ngăn ngừa các bệnh do thực phẩm gây ra.

Người nhiễm HIV/AIDS cần giữ vệ sinh tay là cách đơn giản nhất để tránh các bệnh lây nhiễm qua đường ăn uống; Rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi cho con bú, trước khi cầm thuốc uống, sau khi lấy tay che hắt hơi, xì mũi và sau khi đi vệ sinh.

Trong quá trình chế biến, người bệnh nên tách riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín trong quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm để ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; Để riêng các loại thực phẩm như hải sản, thịt, gia cầm trong hộp kín với các loại thực phẩm khác khi bảo quản trong tủ lạnh.

Bệnh nhân HIV/AIDS sử dụng thớt thái đồ sống và thớt thái đồ chín riêng biệt để đảm bảo an toàn thực phẩm; Rửa sạch các dụng cụ nấu nướng và ăn uống bằng xà phòng và nước sạch. Bát đũa phải được sấy khô, tránh để nơi ẩm thấp; Giữ vệ sinh khu vực bếp nấu, không để côn trùng/động vật gây hại như kiến, gián, chuột... tiếp xúc thực phẩm; Băng kín các vết thương nhiễm trùng hoặc mụn tránh tiếp xúc với thực phẩm gây nhiễm khuẩn cho thực phẩm.

Lựa chọn thực phẩm sạch và bảo quản thực phẩm an toàn

Người nhiễm HIV/AIDS cần chú ý lựa chọn thực phẩm sạch và an toàn để giảm nguy cơ mắc các bệnh qua đường ăn uống: Lựa chọn thực phẩm có thông tin sản xuất và nguồn gốc rõ ràng, uy tín; Không sử dụng các thực phẩm đóng gói sẵn đã bị móp méo, phồng lõm, biến dạng bao bì và hết hạn sử dụng; Không sử dụng các loại hạt lạc, gạo... bị mốc; Không sử dụng trứng đã nứt, vỡ vỏ; Không sử dụng các loại rau, củ, quả đã bị thối hỏng hoặc mốc.

Bảo quản đúng cách các loại thực phẩm, không để thực phẩm quá lâu kể cả trong tủ lạnh. Lưu ý vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, không để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh vì không bảo đảm sự lưu thông của không khí, làm giảm tác dụng bảo quản thực phẩm.

Người nhiễm virus HIV nên tích cực ăn các loại thực phẩm có thể giúp giảm viêm. Bao gồm các loại rau lá xanh như củ cải, cải xoăn và rau bina, bông cải xanh, rau cần tây, các loại cá, trái cây (việt quất, anh đào, dứa và dâu tây), các loại hạt (hạnh nhân, quả óc chó), dầu ô liu, các loại gia vị…

Những người nhiễm HIV cần nhiều vitamin hơn để xây dựng và sửa chữa mô. Bởi không phải lúc nào cơ thể cũng có thể nhận được tất cả các vi chất dinh dưỡng (vitamin và khoáng chất) từ thực phẩm bạn ăn. Nếu không nhận được đầy đủ vi chất dinh dưỡng có thể gây ra các vấn đề như thiếu máu.

Một số người nhiễm virus HIV cần ăn nhiều calo mỗi ngày để ngăn ngừa tình trạng giảm cân. Bệnh nhân không nên dựa vào dấu hiệu cảm thấy đói hay thèm ăn thì mới ăn uống bởi có nhiều trường hợp sẽ cảm thấy buồn nôn hoặc chán ăn.

Carbohydrate cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Carbohydrate đơn giản dễ tiêu hóa hơn nhưng có thể khiến lượng đường trong máu tăng mạnh. Carbohydrate đơn giản bao gồm đường (được tìm thấy trong đồ ngọt, nước ngọt), gạo trắng và bột mì trắng. Chúng cũng có thể xuất hiện trong trái cây và sữa.

Carbohydrate phức tạp (còn gọi là tinh bột) cần nhiều thời gian hơn để cơ thể tiêu hóa và thường chứa nhiều chất xơ, các chất dinh dưỡng so với carbohydrate đơn giản. Carbohydrate phức tạp bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, đậu (các loại đậu), rau có tinh bột như ngô và khoai tây và gạo lứt. Bởi vì chúng mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa, carbohydrate phức tạp không làm cho lượng đường trong máu tăng mạnh như carbohydrate đơn giản.

Cơ thể bệnh nhân cần một đường ruột khỏe mạnh để có được các chất dinh dưỡng cần thiết từ thực phẩm, chất bổ sung và thuốc. Thực phẩm giàu chất xơ hỗ trợ sức khỏe đường ruột. Bao gồm các: Yến mạch, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, đậu xanh, đậu, hoa quả và rau...; Uống nhiều nước, nước ép, trái cây tươi và rau quả có thể giúp bạn tiêu hóa và loại bỏ chất thải qua nước tiểu và phân. Không những thế, nó còn giúp giảm tác dụng phụ của thuốc.

Người nhiễm HIV/AIDS cần chú ý lựa chọn thực phẩm sạch và an toàn để giảm nguy cơ mắc các bệnh qua đường ăn uống: Lựa chọn thực phẩm có thông tin sản xuất và nguồn gốc rõ ràng, uy tín; Không sử dụng các thực phẩm đóng gói sẵn đã bị móp méo, phồng lõm, biến dạng bao bì và hết hạn sử dụng; Không sử dụng các loại hạt lạc, gạo... bị mốc; Không sử dụng trứng đã nứt, vỡ vỏ; Không sử dụng các loại rau, củ, quả đã bị thối hỏng hoặc mốc; Bảo quản đúng cách các loại thực phẩm, không để thực phẩm quá lâu kể cả trong tủ lạnh; Lưu ý vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, không để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh vì không đảm bảo sự lưu thông của không khí, làm giảm tác dụng bảo quản thực phẩm.

Ngoài ra, việc sử dụng nguồn nước sạch sẽ đảm bảo an toàn sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS. Do đó, bệnh nhân cần thực hiện vệ sinh thường xuyên các dụng cụ chứa/đựng nước: Chậu, gáo, chai lọ, cốc chén...; Sử dụng nước uống đun sôi để nguội; Xử lý nước tại hộ gia đình theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Việc bảo đảm một chế độ dinh dưỡng hợp lý và tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm là chìa khóa bảo vệ sự an toàn cho hệ miễn dịch của người nhiễm HIV/AIDS.

Thùy Chi

Top